Thời gian qua, công tác huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, là yếu tố quan trọng đảm bảo nguồn lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020-2023 đạt 86.102,6 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 6,7%. Đến hết năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 29.423 tỷ đồng, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Tỷ trọng vốn đầu tư phát triển tăng
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định tiếp tục kiên định mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Để thực hiện mục tiêu này, Ninh Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp tạo ra sự đổi mới căn bản từ việc lập kế hoạch, triển khai, giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những công trình có tính động lực cao. Với mục tiêu đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 14/12/2021 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thực hiện phương châm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông “đi trước một bước”, tỉnh đã tích cực triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn như: Tuyến đường Đông-Tây (giai đoạn 1), tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường T21, đường tỉnh ĐT.482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B tỉnh Ninh Bình, đường Quốc lộ 21B từ cầu Tu đến cầu Cọ… Phối hợp với Bộ Giao thông-Vận tải tổ chức thông xe, khánh thành và đưa vào khai thác đường cao tốc đoạn Cao Bồ Mai Sơn và đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45. Khánh thành Âu Kim Đài. Khởi công và xây dựng cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐT.477, đoạn từ ngã ba Gián Khẩu đến hết phạm vi khu 50 ha mở rộng KCN Gián Khẩu; triển khai chuẩn bị đầu tư dự án tuyến Cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Ninh Bình… Tỉnh đã ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng y tế, giáo dục, nhiều công trình đầu tư đã hoàn thành như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy… Từng bước phát triển hệ thống đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt về số lượng, chất lượng và quy mô, diện mạo các đô thị từng bước thay đổi, có nhiều khởi sắc.
Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư của tỉnh cũng đã tập trung huy động và thực hiện lồng ghép các nguồn lực để phát triển hạ tầng nông thôn, đẩy mạnh phong trào phát triển đường giao thông nông thôn gắn với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn NTM; 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 30/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 14/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 333/1.355 thôn, xóm, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Dự kiến đến hết năm 2023, huyện Yên Khánh, huyện Hoa Lư được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, công nhận thêm 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu.
Có thể khẳng định, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng kinh tế-xã hội của Ninh Bình tiếp tục phục hồi khả quan, nhiều chỉ tiêu quan trọng tuy kết quả chưa đạt như kỳ vọng nhưng đã tạo chuyển biến tích cực hơn, duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Trong đó, phải kể đến các chỉ tiêu về giải ngân vốn đầu tư công, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển. Số liệu thống kê của Cục thống kê tỉnh cho thấy, tổng vốn đầu tư thực hiện trong 11 tháng năm 2023, toàn tỉnh ước đạt 28.747,5 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vốn Nhà nước đạt 5.822,6 tỷ đồng, tăng 18,7%; vốn ngoài Nhà nước đạt 21.624 tỷ đồng, tăng 12,6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.300,9 tỷ đồng, giảm 58,6%. Ước tính đến hết năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 29.423 tỷ đồng, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra.
Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển
Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để huy động tối đa các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ bố trí vốn đầu tư công tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện tốt phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư”. Tiếp tục phát huy nguồn lực huy động sức dân theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tại địa phương.
Để tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đồng bộ và phù hợp với định hướng phát triển; hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Mô, Nho Quan, Kim Sơn; tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các đồ án quy hoạch khu chức năng, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và 5 năm giai đoạn 2021- 2025; điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình; triển khai lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch hai bờ sông Vân và khu vực giữa sông Vân đến tuyến đường sắt Bắc-Nam; hoàn thiện quy hoạch phân khu các khu vực trong Quần thể danh thắng Tràng An; rà soát quy hoạch khu vực Cố đô Hoa Lư, nghiên cứu quy hoạch kiến trúc khu công viên văn hóa…
Theo đánh giá của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chất lượng các đồ án quy hoạch của tỉnh Ninh Bình ngày càng được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu đề ra, tạo dư địa cho phát triển các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, như: Công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt là các quy hoạch làm tiền đề quan trọng để thực hiện định hướng của tỉnh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng đến xây dựng “Đô thị Cố đô di sản thiên niên kỷ”.
Với các mục tiêu trên, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải thực hiện tốt công tác xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch. Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của tỉnh. Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn khu vực kinh tế tư nhân và nguồn vốn khác…
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm