Chiều 10/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Ninh Bình và Ban Thường vụ Huyện ủy Hoa Lư về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của hai địa phương từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay; nhiệm vụ và các định hướng trọng tâm trong thời gian tới.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại biểu một số Ban xây dựng Đảng của Trung ương; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư đã báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của hai địa phương từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến tháng 8/2023; nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ. Trong đó nêu bật những thành tựu, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, định hướng phát triển đơn vị hành chính thành phố mới sau khi hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư theo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025.
Theo đó đối với Đảng bộ thành phố Ninh Bình: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã phát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn với quyết tâm chính trị cao, tinh thần năng động, sáng tạo, đoàn kết để vươn lên và đạt nhiều kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Nổi bật là: Kinh tế có bước phát triển; cảnh quan, diện mạo đô thị có nhiều đổi mới, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội được tập trung đầu tư, nâng cấp. Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh, quốc phòng được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội ổn định. Thành phố luôn là một trong những đơn vị đứng đầu các huyện, thành phố trong công tác chuyển đổi số.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đã bám sát quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo, có nhiều đổi mới; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, hội quần chúng các cấp được nâng lên. Đến nay đã có 6/12 chỉ tiêu chủ yếu (20/27 chỉ tiêu thành phần) đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đề ra; các chỉ tiêu khác cơ bản đã tiệm cận đến chỉ tiêu của năm cuối nhiệm kỳ.
Đối với Đảng bộ huyện Hoa Lư: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy và các cấp ủy luôn đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp hiệu quả, đạt được một số kết quả trọng tâm. Đến nay nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đề ra. Kinh tế duy trì ổn định, du lịch được phục hồi nhanh chóng. Năm 2023, toàn huyện ước đón gần 5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 4.352 tỷ đồng. Xây dựng NTM kiểu mẫu được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả tốt. Đến hết tháng 10/2023, có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 56/85 khu dân cư đạt khu dân cư kiểu mẫu; huyện đã cơ bản đạt 9/9 tiêu chí NTM nâng cao. An ninh – quốc phòng được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền được triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư. Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu đã tập trung trao đổi về các kiến nghị, đề xuất của thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; đồng thời gợi mở những định hướng phát triển cho hai địa phương và cho đơn vị hành chính mới sau khi hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư (dự kiến đặt tên là thành phố Hoa Lư) theo hướng xây dựng thành phố là Đô thị Cố đô – Di sản. Trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến công tác cán bộ; việc cấp lại một phần phần ngân sách tỉnh từ đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị; việc quy hoạch, phát triển du lịch, dịch vụ và làng nghề; đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư; việc phát triển văn hóa, xã hội và du lịch; về đầu tư, xây dựng các dự án do tỉnh làm chủ đầu tư trên địa bàn thành phố; về xử lý một số dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ; về chủ trương giao tài sản (trụ sở) gắn với quyền sử dụng đất do cấp trên quản lý sau khi sắp xếp trụ sở và chuyển sang trụ sở mới; vấn đề xây dựng cảnh quan, môi trường, sinh thái; vấn đề bảo đảm an ninh trật tự…
Các đại biểu cũng cho rằng sau khi hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, tỉnh cần có cơ chế đặc thù, tạo điều kiện tối đa để sau khi hợp nhất thành phố trong tương lai sẽ có bước phát triển xứng tầm, đảm đương được vai trò là Đô thị Cố đô – Di sản, là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, có vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu; là trung tâm chính trị – hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình. Trước mắt, cần tiếp tục coi trọng vấn đề ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự đồng thuận trong sắp xếp đơn vị hành chính. Hai địa phương cần chủ động phối hợp với các ngành liên quan để cập nhật quy hoạch, trên cơ sở đó có sự đề xuất với tỉnh có hướng đầu tư phù hợp…
Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn ghi nhận và đánh giá cao thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư đã có sự chuẩn bị báo cáo, đánh giá toàn diện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của hai địa phương từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay; nhiệm vụ và các định hướng trọng tâm trong thời gian tới. Đồng thời đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết tại hội nghị, thể hiện tinh thần khát vọng xây dựng thành phố trong tương lai phát triển xứng tầm Đô thị Cố đô-Di sản thiên niên kỷ.
Nhấn mạnh việc hợp nhất quyết định xu hướng và tính chất đơn vị hành chính của tỉnh trong tương lai. Đây không chỉ là việc sắp xếp đơn vị hành chính một cách thuần túy mà là việc làm nhằm định vị lại chức năng, xác định vị thế lãnh thổ. Vì vậy công việc trong thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao. Trong đó cần tiếp tục thống nhất về mặt quan điểm, đó là việc hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư để xây dựng một Đô thị Cố đô-Di sản thiên niên kỷ, độc đáo tiêu biểu của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Xây dựng thành phố trong tương lai không chỉ trở thành trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế mà còn là trung tâm công nghiệp văn hóa gắn liền với du lịch, dịch vụ; trở thành cực tăng trưởng của khu vực đồng bằng Bắc Bộ; trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của một số lĩnh vực đã được xác lập; là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh tôn giáo…, tạo tiền đề để tỉnh Ninh Bình thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhấn mạnh tính chất quan trọng của việc hợp nhất, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý các địa phương cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất trong triển khai nhiệm vụ. Đồng chí giao thành phố Ninh Bình chủ trì và huyện Hoa Lư đồng chủ trì trong việc phối hợp, tham mưu thành lập Đề án hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư. Trong đó chú trọng lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, bảo đảm phù hợp thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển. Huy động, phân bổ và kết nối các nguồn lực, bảo đảm đầu tư trọng tâm, trọng điểm…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng trao đổi làm rõ một số kiến nghị của hai địa phương.
Đinh Ngọc- Đức Lam