Ngày 8/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV bế mạc phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.
Theo đó, trước khi bế mạc phiên họp, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra.
Với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận.
Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Với phạm vi chất vấn rất rộng, các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục.
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về chất vấn vào cuối kỳ họp; đồng thời đề nghị Chính phủ, Trưởng các ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực.
Trong đó, đối với lĩnh vực kinh tế tổng hợp cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và hộ kinh doanh; Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất nhận thức, không để kéo dài, ách tắc những vướng mắc, bất cập về sử dụng kinh phí chi thường xuyên có tính chất đầu tư…
Đối với lĩnh vực kinh tế ngành: Khẩn trương phê duyệt, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện 8; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; Rà soát, sửa đổi Bộ tiêu chí về nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 bảo đảm phù hợp với từng địa phương, vùng, miền; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án, công trình trọng điểm; Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai…
Đối với lĩnh vực nội chính, tư pháp văn hóa, xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Sớm hoàn thành có chất lượng hệ thống vị trí việc làm trong toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, nhất là trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”; Quan tâm bố trí nguồn lực cho giáo dục, đào tạo và văn hóa. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân; Chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế và trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế, chỉ định sử dụng dịch vụ y tế quá mức cần thiết trong khám bệnh, chữa bệnh…
* Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Tiền Giang.
Tham gia góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định: về thanh thoán không dùng tiền mặt trong hoạt động đấu giá tài sản; về nguyên tắc trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến. Bên cạnh đó, đại biểu cũng góp ý cụ thể về khoản 8, Điều 1;
Cùng tham gia góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh) cho rằng hiện nay dự thảo quy định rõ các loại tài sản để bán thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật là rất cần thiết, bảo đảm sự công khai, minh bạch, sự đồng bộ, thống nhất là trong hệ thống pháp luật. Việc quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản như dự thảo Luật đặt ra yêu cầu cần tiếp tục rà soát bảo đảm quy định đầy đủ các loại tài sản phải bán thông qua hệ thống pháp luật. Tuy nhiên cũng cần cân nhắc quy định theo hướng này cũng có bất cập khi tên các tài sản này thay đổi, khi pháp luật chuyên ngành có sự điều chỉnh hoặc chưa dự liệu được các tài sản phải bán thông qua đấu giá sẽ xuất hiện trong tương lai, nhất khi khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ.
Góp ý về quy định đấu giá tài sản để thi hành án dân sự, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục và các vấn đề liên quan đến đấu giá tài sản để thi hành án dân sự để bảo đảm tính đồng bộ, hạn chế tối đa rủi ro loại tài sản mang tính đặc thù này, góp phần tháo gỡ, hạn chế sai phạm trong việc đấu giá, xử lý tài sản kê biên, trong đó có quy định về kiểm tra, giám sát tổ chức đấu giá từ khi ký hợp đồng đấu giá đến khi kết thúc phiên đấu giá. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý cụ thể về điểm c, điều 79 của Dự án Luật.
Mai Lan – CTV