Ngày 8/11, đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng nước sinh hoạt nông thôn.
Dự hội nghị có đại diện Lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thành phố; các đơn vị chuyên môn theo dõi hoạt động, quản lý chất lượng nước.
Theo báo cáo hiện trạng cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh, ước tính đến hết tháng 9/2023, trên địa bàn các xã nông thôn tỉnh có khoảng 96,7% số dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Các công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn và đô thị cùng với các nguồn cấp nước nhỏ lẻ đang cấp nước sạch đáp ứng quy chuẩn cho 68,2% số hộ dân nông thôn sử dụng.
Trên địa bàn các xã nông thôn của tỉnh có 68 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang hoạt động, được chia theo 4 mô hình quản lý: doanh nghiệp quản lý 47 công trình; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 2 công trình; Tư nhân quản lý 2 công trình; UBND xã quản lý 17 công trình.
Các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã cơ bản được thực hiện xã hội hóa. Các công trình chưa được giao cho các doanh nghiệp và Trung tâm quản lý đa phần là các công trình có quy mô cấp thôn, công suất thấp, hiện trạng công trình xuống cấp nghiêm trọng, trên địa bàn kinh tế khó khăn, đang do UBND cấp xã quản lý.
Từ năm 2019 đến nay, các đơn vị được giao quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đã tiến hành đầu tư, sửa chữa, bảo dưỡng nhiều hạng mục; nâng cấp trạm bơm cấp 1, cấp 2, hệ thống tủ điện, máy bơm; xây dựng hệ thống lọc lắng, hệ thống xử lý; mở các tuyến đường ống trục chính, khoan thêm giếng, tháo dỡ, di chuyển, cải tạo, nâng cấp đường ống nước; di chuyển nhiều đồng hồ ra đúng vị trí. Phối hợp với chính quyền xã thực hiện việc cắm mốc giới, biển báo phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, xử lý các sự cố phát sinh trong quá trình vận hành để công trình hoạt động thường xuyên, liên tục.
Trong tổng số 116/119 xã trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh (ngoại trừ 3 xã thuộc Thành phố Ninh Bình do 100% hộ dân đã sử dụng nước sạch từ Nhà máy nước thành phố và Nhà máy nước Thành Nam), hiện có: 100 xã đã được tiếp cận với nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung; còn 16 xã chưa được tiếp cận với nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung là các xã: Phú Sơn, Sơn Hà, Sơn Lai, Văn Phú, Văn Phương (huyện Nho Quan); Ân Hòa, Chất Bình, Hồi Ninh, Hùng Tiến, Kim Định, Kim Đông, Kim Trung, Xuân Chính (huyện Kim Sơn); Khánh Công, Khánh Cường, Khánh Thủy (huyện Yên Khánh), người dân trên địa bàn sử dụng nước hợp vệ sinh từ các nguồn nước nhỏ lẻ.
Hiện nay, vấn đề khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến công tác quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là chất lượng nguồn nước đầu vào ngày càng gia tăng nguy cơ ô nhiễm, nguồn nước đầu vào của một số công trình cấp nước sử dụng nước mặt có chất lượng nước không đảm bảo theo quy định; một số công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp, dây chuyền công nghệ xử lý nước không đảm bảo; trong quá trình làm đường giao thông nông thôn, nhiều tuyến đường ống bị nằm sâu dưới lòng đường bê tông, các dự án không có kinh phí đền bù di chuyển đường ống, di chuyển đồng hồ, gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành của các đơn vị cấp nước…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận làm rõ những tồn tại, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ của đơn vị, địa phương trong quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nước sinh hoạt nông thôn trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng nhấn mạnh tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.
Hiện nay công tác quản lý hoạt động cấp nước sinh hoạt nông thôn đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sớm khắc phục, liên quan đến khâu kiểm tra, cải tạo chất lượng nguồn nước; rà soát, đảm bảo hành lang bảo vệ nguồn nước; đảm bảo chất lượng công tác lấy mẫu nước xét nghiệm; công tác quy hoạch, cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong sử dụng nước sạch nông thôn; tăng cường kiểm tra các công trình, dự án cấp nước sạch, đôn đốc thu hồi nợ đọng; phấn đấu đến năm 2030 đạt 95% người dân được sử dụng nước sạch với tri phí giá thành thấp.
Đảm bảo chất lượng nước sạch nông thôn sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, giảm thiểu bệnh tật, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân; qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Nguyễn Thơm- Anh Tuấn