Công ty TNHH Nam&Co London, thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) đang tạo việc làm cho hơn 1,7 nghìn công nhân lao động. Trước thực tế khó khăn chung của thị trường may mặc, việc tìm kiếm các đơn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu và vấn đề tạo việc làm, đảm bảo nguồn thu nhập cho người lao động vẫn được Ban Giám đốc Công ty đặc biệt quan tâm, coi đó là vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp và cũng nhằm ổn định nguồn lao động có tay nghề cho doanh nghiệp.
Công ty vẫn đang cố gắng đảm bảo thu nhập bình quân cho người lao động là 7 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng trích doanh thu đóng đúng hạn các loại bảo hiểm như BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động cho công nhân, số tiền gần 2 tỷ đồng. Người lao động vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi như bữa ăn ca, thưởng chuyên cần, chế độ ngày lễ, tết… nên rất phấn khởi và yên tâm làm việc.
Chị Phạm Thị Nga, xã Khánh Lợi, Trưởng chuyền may chia sẻ: Chúng tôi luôn được lãnh đạo và Công đoàn Công ty quan tâm, nắm bắt tâm tư và tạo điều kiện làm việc an toàn, thoáng mát, chế độ phúc lợi và công việc phù hợp. Mọi băn khoăn, vướng mắc của chúng tôi đều được giải quyết, trả lời thỏa đáng. Tôi hiện đang nhận mức lương 15-16 triệu đồng/tháng, rất yên tâm làm việc và mong muốn Công ty luôn đảm bảo có đủ việc làm cho người lao động.
Bà Phạm Thị Tươi, Trưởng Phòng Hành chính, Công ty TNHH Nam&Co London cho biết: Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công và kinh doanh xuất, nhập khẩu hàng may mặc. Sản phẩm chính của Công ty là hàng thời trang chất lượng cao cho các nhãn hàng có thương hiệu cao cấp trên thế giới, như Mano, GU, Tesco, Topshop…
Năm nay, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang gặp khó khăn nhưng Công ty đã nỗ lực đàm phán và ký kết được với 2 đối tác mới trong lĩnh vực thời trang trên thế giới nên phần nào bổ sung được thêm các đơn hàng. Hiện hơn 1,7 nghìn công nhân lao động tại Công ty vẫn được đảm bảo đủ việc làm đến hết tháng 2/2024. Từ đầu năm đến nay, Công ty sản xuất và xuất khẩu được trên 2,5 triệu sản phẩm quần áo các loại.
Tại Công ty dệt may B&H Vina, xã Khánh An (huyện Yên Khánh), hiện đang có hơn 100 công nhân làm việc. Vấn đề việc làm, thu nhập cho người lao động cũng được lãnh đạo công ty trăn trở để giữ được nguồn lao động đã làm việc gắn bó nhiều năm nay với Công ty. Vì thế Công ty cố gắng duy trì việc làm, đảm bảo mức lương bình quân 6,5-7 triệu đồng/người/tháng để người lao động yên tâm làm việc.
Chị Tạ Thị Huyền, Phòng Hành chính Công ty dệt may B&H Vina cho biết: Sản phẩm của Công ty là các mặt hàng đồ lót, đồ bơi, đồ ngủ của nam và nữ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Mặc dù việc ký kết các đơn hàng gặp khó khăn nhưng Công ty vẫn cố gắng duy trì việc làm cho người lao động đến hết tháng 4/2024. Hàng tháng, Công ty đóng nộp các loại bảo hiểm với số tiền trên 130 triệu đồng cho người lao động và đảm bảo các chế độ phúc lợi đầy đủ theo quy định nhằm giữ chân người lao động.
Chị Tạ Thị Thêu, xã Khánh An (huyện Yên Khánh), công nhân bộ phận kiểm tra sản phẩm cho biết: Tôi làm việc ở đây đã được gần 9 năm, ngay từ khi Công ty đi vào hoạt động. Làm việc ở đây tôi thấy phù hợp, điều kiện làm việc khá tốt, thu nhập ổn định, nhất là khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc cũng gần nên tôi thấy thuận lợi. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, chúng tôi vẫn có đủ việc làm và thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng nên thấy yên tâm và mong công ty luôn có đủ việc làm cho người lao động để chúng tôi gắn bó lâu dài.
Theo thông tin từ LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành, tình hình lao động, việc làm trong các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Hàng chục doanh nghiệp vẫn phải cắt giảm lao động, với hàng nghìn lao động phải tạm thời nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó nhiều lao động từ 35 tuổi trở lên. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều, chủ yếu ở các ngành, nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ…
Bên cạnh những doanh nghiệp phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng, khan hiếm nguyên, nhiên liệu đầu vào, lạm phát, lãi suất tăng cao, khó tiếp cận nguồn vốn vay… dẫn đến tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm giảm, lượng tồn kho tăng; còn một số doanh nghiệp trong các KCN, CCN cũng phải tạm dừng hoạt động do gặp khó khăn về tài chính, do hàng xuất ra không bán được, không có đơn hàng…
Trước những khó khăn chung đó, một số doanh nghiệp đã chú trọng nâng cao kỹ năng kinh doanh trực tuyến; tạo dựng được niềm tin với khách hàng, xây dựng các gian hàng chất lượng trên các nền tảng thương mại điện tử để tối ưu doanh thu và tiếp cận khách hàng; mặt khác nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh, liên kết các doanh nghiệp cùng ngành để cùng nhau phát triển.
Đối với vấn đề về thiếu đơn hàng, doanh nghiệp đã thực hiện phương án cho người lao động nghỉ phép năm, nghỉ luân phiên; nghỉ không lương; nghỉ thứ 7, chủ nhật không lương; trả lương ngừng việc hoặc trả 70-90% tiền lương. Có doanh nghiệp thực hiện duy trì việc làm cho người lao động 5 ngày/tuần hoặc làm việc 15 ngày/tháng. Một số doanh nghiệp đã động viên NLĐ chủ động đi tìm việc làm khác, doanh nghiệp giải quyết các chế độ BHXH, chi trả tiền lương cho người lao động theo đúng quy định…
Về phía các cấp công đoàn, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kịp thời cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Đồng thời tuyên truyền, vận động người lao động hiểu được tình hình của doanh nghiệp để có sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tổ chức các cuộc đối thoại, thương lượng, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp về giải quyết các chế độ cho người lao động. Thăm hỏi, động viên chia sẻ khó khăn với công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn…
Cùng với đó, chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở theo dõi tình hình đơn hàng, giảm giờ làm, cắt giảm lao động, nợ lương, nợ BHXH tại các doanh nghiệp, vận động người lao động quan tâm chia sẻ khó khăn tạm thời với doanh nghiệp; báo cáo về công đoàn cấp trên để kịp thời phối hợp giải quyết khi có vấn đề phát sinh về quan hệ lao động. Đồng thời, hỗ trợ người lao động chủ động tìm kiếm việc làm thông qua việc giới thiệu nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khác trên địa bàn, đăng thông tin tuyển dụng trên website, facebook, zalo của Công đoàn Ninh Bình…
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, những tháng cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 được dự đoán vẫn còn những khó khăn. Đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động, năng động hơn trong tìm kiếm các đơn hàng, bao gồm cả đơn hàng chính và đơn hàng thứ cấp để có thể thích ứng được với tình hình khó khăn hiện tại. Đồng thời, các doanh nghiệp cần cân đối, có chế độ đãi ngộ để giữ chân người lao động, khi thị trường phục hồi, doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn có nguồn lao động ổn định làm việc.
Bài, ảnh: Huy Hoàng