Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, Tỉnh ủy Ninh Bình tiếp tục phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Với nhiều cách làm sáng tạo, phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã đăng ký xây dựng 1.635 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp.
Quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo
Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” lan tỏa và đi vào chiều sâu, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua, kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp; tổ chức quán triệt, triển khai phong trào thi đua tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Thường trực Tỉnh ủy định kỳ hằng quý tổ chức giao ban công tác dân vận, thường xuyên tổ chức tham quan các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội… Qua đó, kịp thời đánh giá kết quả công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình, cách làm hay, đưa phong trào ngày càng thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được các cấp ủy đảng xác định là nội dung quan trọng, thiết thực để nâng cao chất lượng công tác dân vận, là phương thức quan trọng để tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã hướng vào việc mới, việc khó như: thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; công tác giảm nghèo bền vững; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; khuyến học, khuyến tài; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vệ sinh môi trường; xây dựng tổ chức trong hệ thống chính trị…
Chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp giữa chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội. Ban cán sự đảng UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã ký Quy chế phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy; chương trình phối hợp hoạt động với Ban Dân vận các huyện, thành ủy về thực hiện các nội dung, nhiệm vụ công tác dân vận của địa phương, đơn vị, nhất là đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”; chỉ đạo xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, trọng tâm là giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với nhân dân; tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp ở cơ sở mà nhân dân đang quan tâm.
Nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”
Triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong giai đoạn 2021 – 2023, toàn tỉnh đã đăng ký xây dựng và nhân rộng 1.635 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Trong đó có 451 mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế, 878 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa – xã hội, các mô hình, điển hình còn lại thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng.
Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế được xây dựng từ các mô hình điểm, có sự hỗ trợ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất, trực tiếp làm cầu nối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tập trung vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, con nuôi cho giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được triển khai, huy động sự tham gia trực tiếp của nhân dân, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình như mô hình “Ứng dụng công nghệ mạ khay, cấy máy trong canh tác lúa tại Ninh Bình” do Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai đã góp phần giảm tỉ lệ sâu bệnh, chi phí thuốc trừ cỏ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năng suất lúa cao hơn từ 5-10%, hiệu quả kinh tế tăng từ 10-15% so với cấy tay truyền thống. Hiện mô hình đã được áp dụng tại các địa phương, chiếm 50% diện tích gieo cấy trong toàn tỉnh, từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, giá trị cao, sinh thái, bền vững.
Hay mô hình “Nuôi hươu lấy nhung” tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan đã mang lại thu nhập 170 triệu đồng/năm, đã được nhân diện tại 2 xã trên địa bàn huyện; mô hình “Vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu và trưng cất tinh dầu” tại xã Yên Thái, huyện Yên Mô; mô hình “Phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản vùng trũng” tại xã Sơn Thành, Văn Phú (Nho Quan); mô hình trồng sen Nhật kết hợp phát triển du lịch ở nhiều xã trên địa bàn huyện Hoa Lư… Các mô hình được triển khai hiệu quả đã giúp nhiều địa phương biến bất lợi về điều kiện tự nhiên thành lợi thế, khai thác tiềm năng, hiệu quả từ đất đai, nguồn lực con người, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa – xã hội cũng được triển khai hiệu quả, với nhiều cách làm sáng tạo. Từ đó đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, khu dân cư văn hóa, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; văn minh đô thị, văn minh du lịch.
Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và “dân vận khéo”, người dân đã đồng lòng góp công sức, trí tuệ, hoàn thành các tiêu chí. Đến nay, 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh đã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gần 12% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trên 330 thôn, xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có thể khẳng định, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2023 đã thực sự đi vào đời sống xã hội, có sức lan tỏa sâu rộng, trở thành phong trào thi đua của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo cấp xã, cấp huyện đã tiến hành khảo sát, thẩm định, bình xét và ra quyết định công nhận gần 2.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trên 1.000 tập thể và cá nhân tiêu biểu đã được UBND các cấp khen thưởng.
Bài, ảnh: Mai Lan