Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bất cập, như: diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật chưa cao; chính sách BHXH tự nguyện chưa thu hút nhiều người dân tham gia… Do đó Luật cần được sửa đổi để phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người lao động và thực tế cuộc sống.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được triển khai lấy ý kiến nhân dân nhằm đề xuất thêm nhiều quy định gia tăng lợi ích cho người lao động, đồng thời đảm bảo mở rộng mạng lưới an sinh.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung 5 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn với nhiều điểm mới quan trọng. Trong đó, đề xuất điều chỉnh giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động.
Bởi trên thực tế, đối với rất nhiều lao động ở ngành nghề đặc thù, tuổi nghề chỉ kéo dài đến ngoài 40 tuổi là khó có thể đáp ứng yêu cầu làm việc. Như với ngành nghề may mặc, công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, ngồi máy trong một tư thế nhất định hàng tiếng đồng hồ… Nếu như theo quy định của Bộ Luật lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu tăng dần đến 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035 thì nhiều người lao động khó có thể chờ được nhận sổ hưu trí.
Chị Đinh Thị Mai Hoa, công nhân Công ty TNHH NAM&CO LONDON, thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) cho biết: Tôi đã đi làm từ năm 20 tuổi, hiện đã có 15 năm làm việc và hưởng chế độ BHXH. Nhưng với nghề đặc thù làm may mặc, độ tuổi gần 40, tôi bắt đầu thấy khó khăn trong thực hiện các thao tác như nhìn đường may, cắt chỉ… Nên tôi thấy việc giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm là hợp lý, giúp người lao động yên tâm làm việc và khi độ tuổi không còn phù hợp có thể nghỉ, chọn công việc khác và chờ được hưởng chế độ nghỉ hưu.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới đời sống của người lao động. Đến khi người lao động quay trở lại làm việc chưa được bao lâu thì hiện đang có nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, hàng làm ra không xuất bán được. Theo đó, người lao động bị giãn việc, ngừng việc, nghỉ luân phiên và không ít người lao động bị mất việc, lâm vào tình cảnh khó khăn. Để trang trải cuộc sống, hoặc chuyển hướng làm kinh tế khác, nhiều người đã rút BHXH một lần, tập trung nhiều ở nhóm lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến khoảng 40 tuổi, với tỉ lệ chiếm 77,5%.
Anh Đinh Văn Thiện, xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn) cho biết: Tôi đã có 11 năm làm công nhân và hiện đã nghỉ việc được hơn 1 năm. Tôi đã suy nghĩ kỹ, nếu tiếp tục làm công nhân, tôi phải nộp thêm gần chục năm BHXH và phải chờ trên 20 năm nữa theo quy định mới được nhận sổ hưu trí, thời gian ấy là quá lâu. Nên hiện tôi đang làm thủ tục xin được giải quyết chế độ BHXH 1 lần để tìm hướng phát triển kinh tế gia đình.
Theo nhận định của ngành BHXH, hiện nay số lao động rút BHXH 1 lần đang ngày càng gia tăng. Với việc nhiều người lao động rút BHXH 1 lần đặt ra thách thức lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động cả trước mắt lẫn lâu dài. Vì vậy, việc sửa đổi chính sách về BHXH một lần được đặt ra theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH là hướng đến việc linh hoạt, thông thoáng hơn về điều kiện hưởng lương hưu, nhưng chặt chẽ hơn đối với các quy định về rút BHXH một lần.
Tính đến hết tháng 9/2023, tỉnh Ninh Bình có gần 160.000 người tham gia BHXH, chiếm 33,4% số người lao động trong độ tuổi, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là gần 143.000 người, BHXH tự nguyện là trên 17.800 người; có gần 135.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm gần 26% số người lao động trong độ tuổi. Đồng thời, có trên 918 nghìn người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 90,83% dân số. Hiện hàng tháng, toàn tỉnh có trên 60.000 người người được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH.
Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động cho thấy, Luật BHXH năm 2014 chưa đề cập đến nhóm đối tượng có nhu cầu và khả năng tham gia BHXH bắt buộc như: chủ hộ kinh doanh cá thể, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt, chủ doanh nghiệp tư nhân, người quản lý điều hành HTX, liên hiệp HTX không hưởng lương… Chính sách BHXH tự nguyện hiện chỉ thực hiện 2 chế độ gồm hưu trí và tử tuất nên chưa thu hút được nhiều người tham gia.
Ông Đinh Nho Khánh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Một trong số điểm mới của Luật BHXH sửa đổi lần này theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng, là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.
Bởi vì, quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm về bảo hiểm y tế.
Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH 1 lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỉ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH đóng BHYT, việc này sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động. Đồng thời, đây cũng chính là mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 của Bộ Chính trị về cải cách BHXH đó là mở rộng diện bao phủ BHXH, tiến tới bao phủ BHXH toàn dân.
Một trong những nội dung mà nhiều người quan tâm, nhất là những người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là tới đây, dự thảo quy định người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng chế độ thai sản. Theo đó, dự thảo Luật quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản, nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Dự luật lần này cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc…
Có thể nói, với nhiều điểm mới quan trọng, cần thiết trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận của người dân, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Khẳng định quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là để mở rộng và gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn nhằm thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Bài, ảnh: Hạnh Chi