Xác định người lao động là nguồn lực quan trọng, quyết định đáng kể đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nên dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do thị trường biến động, đơn hàng sụt giảm, song các doanh nghiệp vẫn nỗ lực vượt khó, duy trì việc làm, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động.
Tại Công ty TNHH May Vạn Lợi, xã Gia Vân, ông Đinh Vạn Tam, Phó giám đốc Công ty cho biết: Do tình hình phát triển kinh tế chung của thế giới và đất nước gặp khó khăn, đặc biệt ở các ngành may mặc, dệt may, Công ty cũng không nằm ngoài khó khăn chung đó. Tuy nhiên, doanh nghiệp xác định người lao động đã gắn bó với Công ty nhiều năm nay, nên vẫn cố gắng xoay sở hết mức để có thể giữ chân được họ, mong sớm vượt qua giai đoạn khó khăn để ổn định phát triển.
Theo đó, hiện nay, hơn 700 người lao động tại Công ty TNHH May Vạn Lợi vẫn có đủ việc làm thường xuyên. Ngoài chế độ lương hàng tháng, các quyền lợi, chế độ thưởng thi đua, chuyên cần, bữa ăn ca và các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động vẫn được thực hiện đầy đủ, đúng thời gian theo quy định.
Mục tiêu của doanh nghiệp là giữ chân được nguồn lao động ổn định, chất lượng hiện có, để khi thị trường phục hồi không xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu nguồn lao động.
Để duy trì việc làm, các chế độ cho người lao động, Công ty đã chủ động, linh hoạt cơ cấu lại các mặt hàng có lợi thế, đa dạng các đối tác để tìm kiếm các đơn hàng mới. Đặc biệt, Công ty tăng cường áp dụng công nghệ tại các khâu sản xuất, như đưa một phần máy móc vào các khâu cắt, may, là, vận chuyển.., nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, sản lượng.
Hiện công nhân vẫn có đủ việc làm đến hết năm 2023, với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Công ty đã sản xuất trên 3 triệu sản phẩm quần áo thời trang, xuất đi các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…
Chị Nguyễn Thị Hải, xã Gia Vượng (huyện Gia Viễn), Tổ trưởng chuyền may cho biết: Hiện tôi đang nhận mức lương 14 triệu đồng/tháng. Trong điều kiện khó khăn chung như hiện nay, tôi thấy đó là điều rất đáng mừng và yên tâm. Bởi sau gần chục năm làm việc tại đây, tôi nhận thấy Công ty luôn trách nhiệm, nghĩ cho người lao động để tạo điều kiện tốt nhất.
Tôi mong tình hình kinh tế chung nhanh chóng ổn định, Công ty sớm vượt qua khó khăn để phát triển. Chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ, gắn bó và đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.
Được biết, từ cuối năm 2022 đến nay, ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ… gặp rất nhiều khó khăn do bị cắt giảm đơn hàng, hàng sản xuất không xuất bán được, thị trường tiêu thụ giảm mạnh.
Trước thực tế ấy, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm một phần lao động, một số doanh nghiệp duy trì sản xuất bằng việc chia đều việc cho công nhân hoặc sẵn sàng bỏ ra một khoản chi phí bù lỗ để duy trì hoạt động sản xuất. Đồng thời, nắm bắt thị trường để tích cực tìm kiếm đơn hàng, khách hàng mới, giúp người lao động có việc làm, duy trì sự phát triển của doanh nghiệp.
Tại Công ty TNHH May xuất khẩu Gia Phú, xã Gia Phú, là đơn vị chuyên gia công các loại quần iean, kaki xuất sang thị trường châu Âu. Giai đoạn cao điểm, Công ty sử dụng khoảng 130-150 lao động, mỗi năm gia công vài trăm nghìn sản phẩm, doanh thu hơn chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến tháng 9/2023, do khó khăn về nguồn hàng, thị trường, Công ty đã phải cắt giảm việc làm và cho nghỉ một phần công nhân lao động. Hiện nay, từ đầu tháng 10/2023, Công ty mới ký được thêm đơn hàng để tiếp tục sản xuất.
Chị Đào Thanh Xuân, phụ trách công tác nhân sự, Công ty TNHH May xuất khẩu Gia Phú cho biết: Công ty đã có hàng chục năm gia công, sản xuất mặt hàng này, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, nhất là địa bàn xã Gia Phú.
Khi Công ty gặp khó khăn, người lao động cũng rất chia sẻ, thông cảm. Chúng tôi tạo điều kiện cho người lao động được hưởng chế độ thất nghiệp đối với những tháng không có việc làm. Hiện nay, khi đã có những đơn hàng mới, Công ty kêu gọi người lao động đi làm việc đều trở lại, nên ai cũng phấn khởi và mong muốn có được nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.
Ông Lê Phương Trình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp huyện Gia Viễn cho biết: Huyện Gia Viễn hiện có trên 300 công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực may mặc, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, kinh doanh dịch vụ…, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động, với thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Với vai trò là ngôi nhà chung, là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan Đảng, chính quyền, các ban, ngành của huyện, tổ chức Hội đã luôn lắng nghe thấu hiểu, chia sẻ để nắm bắt những vướng mắc, khó khăn, bất cập, phản ánh, đề nghị với cơ quan Đảng, chính quyền các cấp xem xét, tháo gỡ kịp thời.
Thường xuyên tổ chức gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, tạo sự liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp giúp tiêu thụ, trao đổi sản phẩm, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng lớn mạnh, phát triển bền vững, góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động và tăng thu ngân sách cho huyện.
Phối hợp, thực hiện tốt kế hoạch hàng tháng lãnh đạo huyện gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe các doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh và có các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính không phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, theo tinh thần Huyện ủy, HĐND, UBND, các cấp, các ngành đồng hành cùng doanh nghiệp…
Dự báo thời gian tới, tình hình trong nước, thế giới tiếp tục biến động khó lường, tạo ra những thách thức lớn với nền kinh tế và thị trường lao động. Do vậy, để công nhân lao động có việc làm và thu nhập ổn định, các doanh nghiệp cần tiếp tục năng động vượt khó, tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đảm bảo chất lượng và số lượng, thời gian, đáp ứng yêu cầu của thị trường và đối tác, từ đó giữ chân được nguồn lao động, khi tình hình kinh tế phục hồi trở lại, sẽ sẵn sàng cho việc ổn định và mở rộng sản xuất.
Bài, ảnh: Huy Hoàng