Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng đã thành lập các đoàn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm kiểm soát nắm bắt thị trường, đồng thời tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Thời điểm này, tại các siêu thị, đại lý bánh kẹo, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn tỉnh đã bày bán rất nhiều loại bánh Trung thu và các loại bánh kẹo, nước ngọt, đồ chơi trẻ em cũng như hàng thực phẩm đã qua chế biến với đủ số lượng, chủng loại, giá cả, mẫu mã…phù hợp với mọi đối tượng người tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng chia sẻ, thị trường bánh Trung thu khá đa dạng, phong phú với nhiều mẫu mã, giá cả, chất lượng nên người mua cũng khá băn khoăn khi chọn lựa.
Bà Trần Thị Minh, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Việc trên thị trường có khá nhiều loại bánh Trung thu giúp cho người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu, sở thích, nguồn tài chính của mình. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không dám chắc khi chọn mua các sản phẩm, bởi có những loại bánh gói thô sơ trong bóng kính, nhìn bằng mắt thường đã thấy thủ công, thì rất khó đảm bảo ATTP. Bánh Trung thu mà có hạn sử dụng đến vài tháng trời, chắc chắn sẽ có nhiều phụ gia để bảo quản, như vậy liệu có đảm bảo an toàn cho người sử dụng…
Với những người kinh doanh, bánh Trung thu được bày bán từ gần tháng nay, nhưng những ngày gần đây, nhu cầu mua bánh của người dân mới bắt đầu tăng.
Chị Đinh Thị Huyền, chủ cửa hàng tạp hóa Minh Huyền, phố cầu Huyện, thị trấn Thiên Tôn (huyện Hoa Lư) cho biết: Bánh Trung thu là mặt hàng bán theo mùa, có thời điểm nhất định, nên chúng tôi cũng tính toán để nhập về bán với số lượng vừa phải, tránh để tồn đọng hoặc khan hiếm hàng.
Hiện nay, nhu cầu và ý thức người tiêu dùng cũng rất khắt khe, nên người bán cũng phải nhập đa dạng hóa sản phẩm và phải có đủ tem, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng để đảm bảo về chất lượng, sự an toàn và uy tín cho cửa hàng.
Hiện nay, thị trường bánh Trung thu ngày càng đa dạng với đủ các chủng loại, màu sắc, từ vị bánh mặn, bánh ngọt, bánh cho người ăn kiêng, người bệnh tiểu đường… với nhiều màu sắc, kiểu dáng, phục vụ nhiều đối tượng người tiêu dùng khác nhau.
Đồng chí Đỗ Thị Giàn, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 2 của tỉnh, Chánh Thanh tra Sở Công thương Ninh Bình cho biết: Đoàn đã tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP như: Kiểm tra các hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở nơi sản xuất, kinh doanh thực phẩm…; việc chấp hành quy định của người chế biến, bán hàng như vệ sinh cá nhân, vệ sinh cơ sở, giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP… Đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu bánh để kiểm nghiệm.
Qua kiểm tra và đánh giá bước đầu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, Đoàn kiểm tra nhận thấy, hầu hết các cơ sở đều nghiêm túc thực hiện các quy định về thủ tục hành chính, các mặt hàng bày bán có đủ giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, tem nhãn, hàng hóa được công bố ATTP, giá cả được niêm yết công khai theo quy định, không phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra cũng còn một số ít cơ sở có những bất cập, hạn chế như: về điều kiện mặt bằng bày bán các mặt hàng còn chật hẹp; vấn đề bảo quản, lưu trữ hàng hóa chưa đảm bảo theo quy định….Đồng thời, các thành viên trong Đoàn kiểm tra cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo ATTP trong kinh doanh các mặt hàng thực phẩm.
Với mục tiêu là bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; phòng chống ngộ độc thực phẩm; kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong dịp tết Trung thu năm 2023, từ ngày 5/9 đến ngày 30/9, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tại tuyến tỉnh, thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh gồm: Đoàn kiểm tra số 1 do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì, kiểm tra tại huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn, huyện Hoa Lư. Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 do Thanh tra Sở Công thương chủ trì, kiểm tra tại thành phố Ninh Bình, huyện Yên Mô. Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì, kiểm tra tại huyện Kim Sơn, huyện Yên Khánh, thành phố Tam Điệp.
Tại tuyến huyện, xã, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại các cơ sở thực phẩm theo kế hoạch và phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh khi đoàn kiểm tra tại địa phương.
Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông, huy động các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh tham gia truyền thông về bảo đảm ATTP cho người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định về ATTP, đồng thời phổ biến các tổ chức, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng.
Huy động tối đa nguồn lực, phương tiện, truyền thông bằng nhiều hình thức phù hợp (truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ y tế, giáo dục, các hội, đoàn thể,..; truyền thông gián tiếp qua băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp,…) để phổ biến các quy định về ATTP, kiến thức về ATTP; huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP dịp trước, trong và sau Tết Trung thu năm 2023.
Về nội dung tuyên truyền, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung tuyên truyền các quy định pháp luật về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, việc sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
Đối với người tiêu dùng, thực hiện hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ thông tin, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Từ đó đảm bảo cho một cái Tết Trung thu vui vẻ, an toàn cho mọi người, mọi nhà.
Bài, ảnh: Hạnh Chi