Dự buổi tiếp xúc cử tri có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và thành phố Ninh Bình.
Tại hội nghị, cử tri đã nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh thông báo dự kiến thời gian, chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo đó, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ ngày 23/10 đến 29/11; tập trung xem xét, thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến vào 8 dự án luật và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, cử tri 2 phường đã kiến nghị các nội dung trọng tâm là: Xem xét lựa chọn bộ sách giáo khoa chuẩn chung, thống nhất nội dung ở tất cả các cấp học và có tính ổn định; xem xét việc tích hợp liên môn đã phù hợp chưa để thuận tiện cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh; nghiên cứu, quản lý chặt chẽ công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng giáo dục đại học; quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục, xây dựng, nâng cấp mở rộng thêm nhiều trường học nhất là các bậc học phổ thông, cải thiện trang thiết bị dạy học và chính sách ưu đãi đối với giáo viên; di chuyển một số trường đại học ra ngoài thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông đô thị và áp lực về nhà trọ cho sinh viên.
Trên lĩnh vực y tế, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men để đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tăng cường chức năng quản lý, xử lý nghiêm những vi phạm, khắc phục tình trạng vi phạm trong kinh doanh thuốc. Có chính sách thu hút, ưu tiên đối với các bác sỹ giỏi về công tác tại các bệnh viện tuyến dưới để giảm tải, tạo sự phát triển đồng đều. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tăng thêm nguồn nhân lực đối với các Trạm y tế phường, xã để đảm bảo tốt công tác y tế dự phòng.
Trên lĩnh vực đất đai, xây dựng nhà ở, tài nguyên môi trường, cử tri đề nghị có chính sách, quy hoạch cụ thể, quản lý chặt chẽ đất trồng lúa, trồng cây lương thực để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia lâu dài; đề xuất nâng diện tích khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 50 ha trở lên thì địa phương phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ thay vì 10 ha như quy định hiện nay; việc đấu giá quyền sử dụng đất ở các địa phương ồ ạt, người dân có nhu cầu thực sự về đất ở thì không đấu giá nổi, trong khi nhiều khu đất được mua đầu cơ thì để không, gây lãng phí tài nguyên đất…
Cử tri cũng kiến nghị, việc thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, sửa đổi năm 2022 còn những bất cập, gây cách hiểu khác nhau, khó áp dụng; việc điều động công chức giữa cấp huyện, cấp xã gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện; cần có sự bình đẳng công chức các cấp trong hệ thống để thuận lợi cho việc luân chuyển, điều động cán bộ.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri 2 phường Thanh Bình, Bích Đào đã được lãnh đạo các sở, ngành tiếp thu, trao đổi, trả lời, làm rõ theo thẩm quyền.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri và cho rằng các ý kiến của cử tri nêu ra đều rất chính đáng. Đồng chí đã trao đổi, làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm.
Đối với kiến nghị về việc thực hiện điều động liên thông công chức cấp huyện và cấp xã, đồng chí cho biết: Nội dung kiến nghị này đã từng được Bộ Nội vụ trả lời bằng văn bản. Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thì cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên đều thuộc diện đối tượng điều chỉnh của Luật. Các quy định về chế độ tuyển dụng, sử dụng, tiêu chuẩn điều kiện chế độ, chính sách đối với hai nhóm đối tượng này ngày càng có nhiều sự tương đồng, không quá khác biệt. Hiện nay, sự khác biệt cơ bản giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên xuất phát từ quy định của Luật Cán bộ, công chức, theo đó đối với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được bổ nhiệm vào ngạch và nằm trong tổng biên chế hành chính; cán bộ, công chức cấp xã được bổ nhiệm vào các chức vụ, chức danh theo vị trí việc làm và không được bổ nhiệm vào ngạch. Tuy nhiên, cùng với lộ trình đổi mới tiền lương thì hệ thống thang, bảng lương cũng đang được xây dựng trên cơ sở vị trí việc làm, áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Bộ Nội vụ đã ghi nhận nội dung kiến nghị nêu trên để nghiên cứu, tổng kết và đánh giá tác động đầy đủ, báo cáo cấp có thẩm quyền khi sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức trong thời gian tới.
Đối với kiến nghị về những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, sửa đổi năm 2022, đồng chí đề nghị lãnh đạo các sở có thẩm quyền của tỉnh tổng hợp ý kiến cử tri để rà soát lại và có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét trình Quốc hội (nếu có vướng mắc thực sự).
Trả lời các nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đồng chí Nguyễn Thị Thanh thông tin: Ngày 18/9/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 về Giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có nêu nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời nhấn mạnh: Trong quyền hạn, nhiệm vụ của mình, Đoàn ĐBQH, ĐBQH tỉnh sẽ giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đoàn cũng sẽ tiếp thu và tiếp tục phản ánh kiến nghị về tình trạng sinh viên học xong đại học không xin được việc làm và vấn đề đưa một số trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đồng chí lưu ý cử tri cũng cần có những định hướng cho con em mình trong việc lựa chọn ngành, nghề đào tạo phù hợp với năng lực, trình độ và tình hình thực tiễn.
Đối với các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực y tế, đồng chí Nguyễn Thị Thanh đồng tình với trả lời của lãnh đạo Sở Y tế tại buổi tiếp xúc cử tri và thông tin thêm: Việc sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm xã hội sẽ sớm được đưa vào trong chương trình của Quốc hội trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng khám sức khỏe cho nhân dân.
Đồng chí cũng đã trả lời làm rõ các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường. Trong đó nhấn mạnh: Chính phủ đã giao các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất; chỉ đạo tổng kết, đánh giá việc thực hiện; đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Đoàn ĐBQH tỉnh xin ghi nhận ý kiến của cử tri và nghiên cứu để có ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Đất đai tại kỳ họp thứ 6.
Liên quan đến vấn đề quản lý đất trồng lúa, đồng chí Nguyễn Thị Thanh cho biết: Ngày 13/11/2021, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 39/2021/QH15 về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025 trong đó nêu rõ “giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa”. Tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội tiếp tục thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghị quyết nêu rõ: Quản lý diện tích đất trồng lúa 3,5 triệu ha. Trong phạm vi diện tích phù hợp, cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đi đôi với việc bảo đảm lợi ích của người trồng lúa và địa phương trồng lúa. Để bảo đảm sự đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và đã được Quốc hội thảo luận tại 2 kỳ họp, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6. Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận.
Đối với đề xuất nâng diện tích cần phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, Đoàn ĐBQH tỉnh xin tiếp thu để nghiên cứu và phát biểu tại kỳ họp.
Kiều Ân – Đức Lam