Từ niềm say mê với cây hoa sen và nghệ thuật thủ công truyền thống, anh Kiều Cao Dũng (Thạch Thất, Hà Nội) đã hợp tác với một Công ty ở Ninh Bình để thực hiện ý tưởng táo bạo là làm giấy từ những chiếc đài sen bỏ đi. Và từ loại giấy đó anh lại tiếp tục sáng tạo ra nhiều sản phẩm mang đậm văn hóa Việt khác như: hoa sen giấy, quạt giấy….
Ròng rã gần 5 năm kiếm tìm nguyên liệu phù hợp
Là một chuyên gia trong ngành quản trị khách sạn, có việc làm ổn định với mức thu nhập hàng nghìn USD/tháng, tuy nhiên đam mê với nghệ thuật thủ công truyền thống đã kéo Kiều Cao Dũng rẽ sang một hướng đi hoàn toàn mới. Năm 2016 anh bắt đầu thử thách mình với dự án “Viết tiếp phần đời cho sen”. Theo đó, anh đã nghiên cứu, làm thành công chiếc nón lá từ lá sen và biến bông sen thành “bất tử” (lưu giữ hình hài, màu sắc của một bông sen tươi).
Sau đó, năm 2018, tình cờ trong một chuyến khảo sát vùng nguyên liệu, Kiều Cao Dũng thấy người dân thu hoạch hạt sen và đổ bỏ đi hàng tấn xác đài sen. Cảm thấy quá lãng phí, trong khi thành phần của đài sen có rất nhiều chất xơ nên anh Dũng đã nảy ra ý tưởng làm tại sao không làm giấy từ loại nguyên liệu này.
“Thử thách lớn nhất khi làm giấy từ đài sen là làm thế nào để những sợi xơ sen có thể gắn kết với nhau. Tôi đã mất gần 5 năm đi khắp các vùng miền, các dân tộc có nghề làm giấy trên đất nước Việt Nam để tìm hiểu cách làm giấy truyền thống và tìm kiếm loại nguyên liệu kết dính phù hợp, thử dùng chất nhầy từ cây mò, cây dây trơn,… nhưng đều không được. Đúng lúc nản chí muốn bỏ cuộc thì tình cờ tôi biết đến bột cây bời lời, một loại bột mà người dân làm hương truyền thống ở Hưng Yên thường dùng. Tôi đã thử thì thấy nó hoàn toàn hợp với sen.” – anh Dũng nhớ lại.
Chia sẻ về quy trình làm giấy sen, anh Dũng cho biết, đài sen sau khi thu lượm về sẽ được phơi thật khô, sau đó mới đem luộc. Thời gian luộc từ 8-10 tiếng, ngắt thành từng giai đoạn (luộc 4 tiếng rồi để nguội sau đó lại luộc tiếp 2-3 lần nữa, mỗi lần 2 tiếng). Từ phần đài sen luộc kỹ, anh Dũng sẽ xé thành từng mảnh nhỏ rồi đem giã tay lấy xơ. Xơ sen được ngâm ủ trong nước vôi chừng 3 tháng để trắng và mềm hơn. Sau đó, anh sẽ dùng khuôn chao đều và nhấc lên dứt khoát để được sản phẩm giấy ở dạng ướt. Sau khi phơi nắng 3 ngày liên tiếp, giấy sen sẽ tự long ra và được đem đi ép phẳng, điều này ngược lại với quy trình làm giấy gió hay giấy bản vì khi làm 2 loại giấy này người ta sẽ ép trước khi phơi.
Về cơ bản, tất cả các công đoạn tạo ra giấy sen đều được anh Dũng làm thủ công, không có máy móc can thiệp. Nhiều kỹ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ và hiểu biết sâu sắc về nguyên liệu.
Đưa hình ảnh văn hóa của Việt Nam đến bạn bè thế giới
Cùng chung niềm đam mê, yêu thích với loài hoa Sen, sở hữu một chuỗi sản xuất liên quan đến sen (bao gồm: cung ứng sen giống, trồng sen lấy hoa, hạt, củ, làm trà ướp hoa sen, trà lá sen kết hợp với làm các dịch vụ du lịch), chị Lê Thanh Huyền, Giám đốc Công ty CP sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại dịch vụ Hali (Ninh Bình) đã rất thích thú khi biết đến Kiều Cao Dũng và ý tưởng làm giấy từ đài hoa sen của anh.
“Khi nghe thấy đài sen có thể làm được giấy tôi mừng lắm nên đã mời anh Dũng về Ninh Bình hợp tác cùng phát triển các sản phẩm từ sen, nối dài chuỗi giá trị từ loài hoa đặc biệt này, từ đó góp phần gia tăng thu nhập cho những nông dân trồng sen ở địa phương, cũng như tạo dựng thêm một sản phẩm trải nghiệm thú vị cho du khách – chị Lê Thanh Huyền chia sẻ.
Anh Kiều Cao Dũng cũng cho biết: Ninh Bình là địa phương có các vùng chuyên canh sen khá lớn với đa dạng, phong phú các loài sen, cùng hoạt động du lịch rất phát triển. Do vậy, đây là mảnh đất lý tưởng để tôi thỏa sức sáng tạo các sản phẩm từ sen. Hơn nữa, hoa sen có vai trò và vị trí đặc biệt cả về tâm linh và văn hóa của người Việt, do vậy qua các sản phẩm từ sen, tôi mong muốn lan tỏa những câu chuyện về văn hóa, con người, đất nước Việt Nam tới với du khách, bạn bè khắp thế giới.
Thực tế, sau khi thành công với sản phẩm giấy sen, anh Kiều Cao Dũng đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm mang đậm văn hóa Việt khác. Cụ thể, anh đã thêm chất điệp vào quy trình để tạo ra giấy sen điệp. Bên cạnh đó, anh vào Huế để học kỹ thuật làm hoa sen giấy của người làng hoa giấy 400 tuổi Thanh Tiên; tới Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội để học cách làm quạt giấy…
Điều đặc biệt là trên mỗi chiếc quạt anh làm đều có in các dòng tranh dân gian như: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống. Ngoài ra, anh còn kết hợp với các họa sỹ để tạo nên những bức tranh trên giấy sen phủ bột điệp.
Hiện, nghệ thuật làm giấy sen và các sản phẩm thủ công làm từ giấy sen đang được anh Dũng phối hợp với Công ty Hali trưng bày và trình diễn ngay tại khu homestay Halihome (thôn Khả Lương, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư) và được đông đảo du khách trong nước và quốc tế yêu thích, đánh giá cao, lựa chọn mua sắm làm quà lưu niệm, trang trí nhà cửa.
Song Nguyễn