Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe đưa vào khai thác 4 dự án thành phần, có chiều dài 171,85km, tổng mức đầu tư 27.353 tỷ đồng, đi qua địa phận 4 tỉnh (Nam Định 5,1km, Ninh Bình 24,4km, Thanh Hóa 98,8km, Nghệ An 43,5km).
Trong đó, đoạn Cao Bồ – Mai Sơn dài 15,2km, tổng mức đầu tư 1.607,4 tỷ đồng do Sở GTVT tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư; đoạn Mai Sơn – QL45 dài 63,37km, tổng mức đầu tư 12.918 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư; đoạn QL45 – Nghi Sơn dài 43,28km, tổng mức đầu tư 5.534,5 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư và đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu dài 50km, tổng mức đầu tư 7.293,2 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư. Đến nay cả 4 đoạn đều đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Trong đó, đoạn Cao Bồ – Mai Sơn đưa vào khai thác tháng 2/2022; đoạn Mai Sơn – QL45 đưa vào khai thác tháng 4/2023 và 2 đoạn QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu đưa vào khai thác từ ngày 1/9/2023.
Trong quá trình thực hiện các dự án đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng lớn đến tiến độ như: đại dịch COVID-19, khó khăn về vật liệu, biến động giá nguyên, nhiên vật liệu, thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ,… Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT cùng với sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành liên quan; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân khu vực dự án; sự phối hợp kịp thời của các chủ công trình hạ tầng kỹ thuật nên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban để trực tiếp chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến các bộ, ngành, địa phương.
Bộ GTVT và các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, các tuyến vành đai vùng Thủ đô, Thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long để phấn đấu đến cuối năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có 5.000km đường bộ cao tốc theo đúng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Đồng thời, các địa phương cũng đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, cố gắng, quyết liệt, đồng hành cùng với Bộ GTVT thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, sự quyết tâm, cố gắng của các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và sự ủng hộ tích cực của nhân dân.
Nhờ đó, dự án đã kịp thời hoàn thành các hạng mục như: công trình hầm, cầu lớn, xử lý nền đất yếu… góp phần quan trọng đưa dự án vào khai thác đúng theo kế hoạch. Đến nay, đoạn đường bộ cao tốc từ Ninh Bình đến Nghệ An đã hoàn thành đáp ứng tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu kỹ thuật, nâng tổng chiều dài tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác trên cả nước lên 1.822km.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh: Việc hoàn thành cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Nghệ An (Diễn Châu) chỉ còn khoảng 3 – 3,5 giờ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ. Đồng thời giúp giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trên tuyến QL1; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và hình thành, phát triển các khu công nghiệp, trung tâm văn hóa, du lịch của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ. Yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, các nhà thầu thi công tiếp tục giữ tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, quyết tâm cao nhất để hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ rất nặng nề phía trước.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị trong thời gian tới các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của các dự án; đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình.
Ngoài ra, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp điều kiện thực tế, huy động đầy đủ nhân lực, tài chính, máy móc thiết bị hiện đại, tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường; chú trọng chăm lo quyền lợi chính đáng, đời sống tinh thần, động viên cổ vũ người lao động. Tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật của dự án, các quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Nguyễn Thơm – Anh Tuấn