Năm 2008, huyện Kim Sơn có những lao động đầu tiên đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, có hiệu lực từ năm 2004). Đến nay, huyện Kim Sơn trở thành địa phương đứng đầu của tỉnh trong “kênh” xuất khẩu lao động (XKLĐ) này.
Anh Trịnh Văn An ở xóm 5, xã Cồn Thoi là một trong những lao động đầu tiên của huyện Kim Sơn sang Hàn Quốc. Anh An làm cho một công ty điện tử với mức lương trung bình khoảng 40 triệu đồng/tháng, chỉ sau hơn 4 năm, anh An đã tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể. Sau khi hết hạn hợp đồng, anh An trở về nước và bắt đầu một hướng khởi nghiệp mới.
Với kinh nghiệm được tích lũy, khi trở về nước anh thành lập Công ty TNHH điện máy công nghiệp Anh Tú, chuyên cung cấp và sửa chữa các loại máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho nhân dân địa phương. Hiện nay, Công ty đang tạo việc làm cho 6 lao động với mức lương từ 3-7 triệu đồng/người/tháng.
“Nếu không đi XKLĐ, tôi đã không thể tạo ra một bước ngoặt mới cho cuộc sống của mình. Sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hành trang trở về nước không chỉ là số tiền tích cóp được mà đó còn là những kỹ năng, kinh nghiệm giá trị được tích lũy. Có vốn, có nghề, có kinh nghiệm… việc khởi nghiệp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”- anh An nói.
Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động có tiềm năng lớn. Chi phí xuất cảnh cho một người đi lao động sang Hàn Quốc từ 1.200-1.500 USD, ngoài ra, còn khoản ký quỹ chống trốn 100 triệu đồng. Mặc dù chi phí không nhỏ, nhưng bù lại, mức thu nhập của người lao động khá cao, từ 40-60 triệu đồng/người/tháng.
Nhận thấy những mặt tích cực đó, đồng thời tận dụng thế mạnh miền ven biển trong thi tuyển lao động nghề ngư nghiệp, những năm gần đây, huyện Kim Sơn đã luôn quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động trong huyện tiếp cận được với cơ hội việc làm từ chương trình EPS.
Đến nay, Kim Sơn trở thành địa phương luôn đứng đầu của tỉnh, tốp đầu các huyện của cả nước về tỷ lệ lao động tham gia chương trình EPS. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Kim Sơn có 385/805 lao động của cả tỉnh đăng ký dự thi theo chương trình EPS. Kết quả, có 177/383 lao động của huyện Kim Sơn đã thi đỗ, chiếm tỷ lệ 46% tổng số lao động thi đỗ của cả tỉnh.
Hiện nay toàn tỉnh đã có 188 người đã xuất cảnh thì Kim Sơn có 102 người, chiếm 54%. Dự kiến, đến cuối năm, sẽ có khoảng 200-250 người lao động của huyện Kim Sơn xuất cảnh đi Hàn Quốc, trong đó có cả theo chương trình EPS.
Đây là tín hiệu rất đáng mừng, phản ánh nguồn chất lượng lao động đi xuất khẩu của địa phương đã ngày càng được nâng cao. Bởi lẽ để vượt qua được kỳ thi tiếng Hàn, thi tuyển tay nghề khá khắt khe trước khi được tham gia vào thị trường lao động Hàn Quốc thì người lao động phải có kiến thức, kỹ năng tốt.
Bù lại, khi làm việc ở thị trường này, người lao động sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp với mức lương khá, công việc rất ổn định. Nhiều lao động khi hết hạn hợp đồng, trở về nước còn dạy tiếng Hàn, đồng thời chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm để người lao động địa phương có nhu cầu đi xuất khẩu được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để tham gia kỳ thi tiếng Hàn theo chương trình EPS.
Bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kim Sơn cho biết: Để người lao động quan tâm hơn tới công tác XKLĐ, những năm qua, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Sơn đã chú trọng công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc một cách chủ động, tích cực của các địa phương. Trong đó, ưu tiên việc nâng cao năng lực cho đối tượng là trưởng thôn, đại diện các hội, đoàn thể, bởi đây là lực lượng tuyên truyền viên làm nhiệm vụ thông tin, tư vấn giúp người lao động đến gần hơn với cơ hội XKLĐ.
Huyện Kim Sơn cũng tích cực phối hợp với các ngành chức năng để tổ chức các buổi tập huấn nâng cao năng lực giúp các tuyên truyền viên cập nhật các chính sách hỗ trợ cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp người lao động nắm bắt được đầy đủ các thông tin về thị trường XKLĐ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…; gặp gỡ trực tiếp các cơ quan, doanh nghiệp làm công tác XKLĐ và được giải đáp các thắc mắc; nghe những chia sẻ về cuộc sống, thu nhập của lao động từng tham gia XKLĐ ở một số nước…
Tính từ đầu năm 2023 đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Kim Sơn có 257 người đi xuất khẩu lao động, đạt 95,18% kế hoạch được giao trong năm 2023.
Đào Hằng