Ninh Bình không chỉ là vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, tươi đẹp mà còn có Cố đô Hoa Lư nghìn năm lịch sử, địa linh nhân kiệt, đa dạng về văn hóa. Đây được xem là nguồn sức mạnh là động lực để phát triển kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, để di sản bước tiếp cùng thời gian thì việc xây dựng thương hiệu cho di sản là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của ông cha, tạo thành nguồn lực giúp định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương.
Vùng đất hội tụ di sản
Ninh Bình tự hào là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở nước ta thế kỷ X, nơi khai sinh Nhà nước Đại Cồ Việt, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh – Tiền Lê – Lý với các dấu ấn lịch sử oai hùng của dân tộc, cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và đa dạng. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế như: Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc – Bích Động, núi Non Nước, chùa Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An…
Văn hóa nghệ thuật truyền thống của Ninh Bình rất phong phú và đa dạng, đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân, đó là những câu hát Xẩm mộc mạc chân quê, những làn điệu Chèo mượt mà, đằm thắm được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Mường… đã khẳng định giá trị trường tồn và sức sống mãnh liệt của các loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân gian.
Ninh Bình là quê hương của vua Đinh Tiên Hoàng, Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không, Thái phó Trương Hán Siêu, Trạng Bồng Vũ Duy Thanh, Thượng thư Phạm Thận Duật… Qua các thời kỳ lịch sử, nhiều anh hùng, danh nhân, nhà quân sự, khoa học, chính trị, tướng lĩnh lực lượng vũ trang, các học giả, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ người Ninh Bình có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Nghệ thuật kiến trúc qua các giai đoạn lịch sử cũng được ghi dấu trên các công trình kiến trúc văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng như Đền Thánh Nguyễn, Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Đền thờ vua Lê Đại Hành, Nhà thờ đá Phát Diệm, Đền Thái Vi… Các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc: Lễ hội Hoa Lư, lễ hội đền Bình Hải, lễ hội Báo bản làng Nộn Khê, lễ hội Đền Thái Vi….
Các nghề truyền thống như nghề thêu ren Ninh Hải, nghề cói Kim Sơn, nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, nghề gốm Bồ Bát… ngoài giá trị kinh tế còn chứa đựng giá trị văn hóa, nghệ thuật qua các giai đoạn lịch sử. Đó là tiềm năng, nguồn lực để Ninh Bình xây dựng một thương hiệu di sản văn hóa có tính nhận diện và cạnh tranh cao.
Cần xây dựng thương hiệu cho di sản
Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã ban hành và thực hiện nhiều đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần khơi dậy ý thức của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của ngành Văn hóa, toàn tỉnh có 1.821 di tích được kiểm kê, có 395 di tích đã xếp hạng, trong đó có 314 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới), 5 bảo vật quốc gia. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang được đầu tư, trùng tu, nâng cấp phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu.
Hằng năm, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí tu bổ chống xuống cấp di tích bằng nguồn ngân sách Nhà nước cho hàng chục di tích. Đặc biệt, trong những năm gần đây, phong trào xã hội hóa hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích đã được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Nhiều di tích đã nhận được sựủng hộ, công đức của nhân dân. Bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh có từ 20 – 25 di tích được thực hiện tu bổ, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa.
Di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh cũng rất đa dạng, giàu giá trị lịch sử, văn hóa. Ninh Bình tự hào là nơi lưu giữ Di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư. Năm 2020 – 2022, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các chuyên gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khảo cổ học “Nghiên cứu lịch sử vùng đất Gia Thủy từ đầu Công nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt” và “Nghiên cứu lịch sử vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến Cố đô Hoa Lư”, đã thực hiện 5 đợt khai quật di tích mộ gạch thuộc các xã Gia Thủy, Gia Lâm, Gia Tường (huyện Nho Quan), Liên Sơn (huyện Gia Viễn) và khai quật nhiều vị trí khác nhau ở Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư. Ngoài ra, Ninh Bình có 1 di tích khảo cổ Mán Bạc (xã Yên Thành, huyện Yên Mô) được xếp hạng cấp tỉnh. Các cuộc nghiên cứu khảo cổ học tại Quần thể danh thắng Tràng An được thực hiện liên tục trong 8 năm (từ năm 2007) đã phát hiện 30 địa điểm khảo cổ có dấu tích cư trú của người tiền sử.
Từ những kết quả nghiên cứu khảo cổ trên đã ghi nhận vùng đất Ninh Bình ở giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên đã có những hoạt động sôi nổi và sớm trở thành một trong những trung tâm lịch sử – chính trị – văn hóa – xã hội có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử hình thành quốc gia, dân tộc, đóng góp thêm những nhận thức mới, quan trọng về vùng đất Ninh Bình giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên và Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X trong tiến trình lịch sử.
Bên cạnh đó, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh khá phong phú về loại hình, gồm nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian… Toàn tỉnh hiện có 430 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê; 4 di sản đã được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia; tỉnh cũng nằm trong vùng thực hành di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 8 nghệ nhân được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian; trong lĩnh vực làng nghề truyền thống có 36 nghệ nhân nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư) được tôn vinh.
Có thể thấy, di sản văn hóa Ninh Bình rất phong phú nhưng để tạo ra giá trị cốt lõi cần nghiên cứu xây dựng thương hiệu di sản. Xây dựng thương hiệu di sản văn hóa phải dựa trên cơ sở tài nguyên di sản văn hóa của địa phương. Để di sản bước tiếp cùng thời gian, cần thực hiện tốt hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư để xác lập được các giá trị bản sắc riêng có của tỉnh Ninh Bình.
Nguyễn Thơm