Ngoài việc tích cực học hỏi kỹ thuật chăm sóc, khai thác mật, hiện nay, các thành viên của HTX Mật ong vùng đồi, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp còn chú trọng tới việc đầu tư công nghệ, máy móc vào khâu đóng gói, bảo quản, để “nâng chất” sản phẩm.
Chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi ong lấy mật của ông Nguyễn Quang Vinh, thôn Hang Nước, xã Quang Sơn – một thành viên HTX Mật ong vùng đồi, đúng dịp gia đình đang quay mật. Mặc dù không phải chính vụ hoa nhưng chỉ sau hơn 1 tiếng thu hoạch, lượng mật quay được lên tới nửa tạ nên ông rất phấn khởi.
Nhiệt tình mời tôi dùng thử chén mật vàng sánh, thơm dịu, ông Vinh chia sẻ: “Tham gia HTX, được học hỏi kinh nghiệm từ các thành viên mà kỹ thuật nuôi ong của tôi đã được nâng lên rất nhiều. Đặc biệt, mật sau khi khai thác giờ đây không chỉ đưa vào lưới để lọc rồi bán như thông thường, mà còn được đưa đi hạ thủy phần, đóng chai, có tem nhãn, mã vạch, mã code đầy đủ. Bởi vậy, uy tín, chất lượng, giá cả sản phẩm được nâng tầm. Chúng tôi thực sự rất phấn khởi”.
Xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp là vùng đồi núi có khí hậu trong lành, hệ sinh thái, thảm thực vật khá đa dạng với các tán rừng tự nhiên, vùng chè, cây ăn quả rộng lớn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
Thực tế, người dân nơi đây đã có nghề nuôi ong từ rất lâu đời. Hiện, toàn xã có khoảng hơn 40 hộ nuôi ong với số lượng 3.000 đàn ong, sản lượng mật mỗi năm lên tới 30 tấn. Đặc biệt, mới đây các hộ nuôi ong ở đây đã cùng nhau thành lập nên HTX Mật ong vùng đồi để xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, phát triển hơn nữa nghề nuôi ong lấy mật.
Ông Lê Anh Bình, Giám đốc HTX chia sẻ: Trước đây, hoạt động nuôi ong và thu hoạch mật chủ yếu được tiến hành với quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Mỗi hộ một cách làm khác nhau, không theo quy chuẩn nào cho nên chất lượng sản phẩm không đồng đều. Trước thực trạng đó, được sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ nuôi ong chúng tôi đã liên kết với nhau thành lập HTX. Ngoài chia sẻ, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, chúng tôi còn bàn bạc, thống nhất đưa là một quy trình sản xuất chuẩn để tất cả các thành viên cùng tuân thủ. Bên cạnh đó, góp vốn mua sắm thêm các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ khâu thu hoạch, bảo quản. Nhờ vậy mà chất lượng cũng như sản lượng mật của các thành viên đã được cải thiện đáng kể. Từ đầu năm tới nay, HTX thu hoạch gần 15 tấn mật, giá trị 2,4 tỷ đồng. Đặc biệt, sản phẩm mật ong của HTX đã được đưa đi phân tích, vượt qua nhiều cuộc kiểm định, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cả về thực phẩm dinh dưỡng và dược liệu.
Với 50 năm kinh nghiệm, từng là cán bộ kỹ thuật nuôi ong của Nông trường Đồng Giao xưa kia, được chuyên gia Trung Quốc lúc bấy giờ trực tiếp truyền thụ các kỹ thuật của nghề nuôi ong, ông Lương Trường Yên (thôn Tân Nhuận) cũng tự hào khẳng định về chất lượng mật ong của mình: Khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng và nguồn hoa dồi dào nên mật ong vùng đồi Quang Sơn luôn có hương vị thơm ngon đặc trưng cùng màu sắc bắt mắt. Mật nào, hoa nào ra mùi thơm, màu sắc đó, rất đặc trưng. Đặc biệt, toàn bộ đàn ong ở đây là ong nội, sản lượng mật không cao nhưng chất lượng mật thì vượt trội so với ong ngoại.
Hơn nữa, chúng tôi rất tỷ mỉ trong việc chọn địa điểm đặt ong, tránh xa các nguồn cung cấp phấn, mật hoa có nguy cơ ô nhiễm hóa chất. Thời điểm quay mật cũng được tính toán kỹ lưỡng, chỉ thu hoạch khi các lỗ trên bánh tổ đã vít nắp, căng tròn mật. Lúc này thủy phần trong mật thấp, mật đặc nên bảo quản vài năm vẫn giữ nguyên màu sắc, hương vị. Nhiều nơi mật chỉ khoảng 1,2-1,3 kg/1 lít nhưng riêng mật của chúng tôi đạt tới 1,5 kg/1 lít. Bởi vậy, mật quay đến đâu là bán hết đến đấy.
Có thể thấy rằng, mô hình nuôi ong ở xã Quang Sơn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, mà còn có lợi cho sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái. Đước biết, để mô hình phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, hiện nay, xã Quang Sơn đang hỗ trợ người dân tiếp cận, áp dụng những kỹ thuật tiên tiến vào trong quy trình sản xuất, tiến tới, xây dựng mật ong vùng đồi trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, từ đó phát triển bền vững nghề nuôi ong, nâng cao thu nhập từ nghề này.
Bài, ảnh, video: Nguyễn Lựu