Được thông báo có buổi khám, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng là người có công trên địa bàn do Lữ đoàn 279 phối hợp với Phòng Quân y, Binh chủng Công binh tổ chức, ông Nguyễn Văn Thứ, thôn Liên Minh, xã Xích Thổ (huyện Nho Quan) phấn khởi và đến từ rất sớm. Ông Thứ được các y, bác sĩ hướng dẫn thực hiện lần lượt các xét nghiệm cần thiết.
“Cũng lâu rồi tôi không đi kiểm tra sức khỏe vì nhà cách xa Trung tâm y tế huyện. Hôm nay, được các bác sĩ về tận nơi thăm khám, tôi rất vui. Cũng may mắn là sức khỏe của tôi rất ổn định. Bác sĩ đã tận tình tư vấn để tôi có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, phù hợp với thể trạng. Đây là hoạt động rất ý nghĩa làm ấm lòng những thương, bệnh binh như chúng tôi, nhất là trong những ngày tháng 7 này”- ông Thứ xúc động.
Không chỉ là các hoạt động chăm lo cho gia đình người có công vào những ngày lễ, tết, ông Thứ cho biết, những năm qua, người có công đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, của tỉnh. Ông Thứ vừa là bệnh binh 61%, vừa là thương binh mất 51% sức khỏe. Thay vì chỉ được hưởng 1 mức trợ cấp cao nhất như trước đây thì từ đầu năm 2023, ông Thứ đã được nhận đồng thời cả hai chế độ trợ cấp thương binh và bệnh binh theo tinh thần Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, ngày 30/12/2021 về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Tổng hai chế độ này, hiện nay ông Thứ được hưởng gần 6 triệu đồng/tháng.
Được tăng mức thu nhập khi tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, ông Thứ không còn phải lo toan về kinh tế nữa nên rất yên tâm. Ông phấn khởi: Đặc biệt, vừa qua, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết về việc ban hành chính sách hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người có công và thân nhân liệt sỹ khi đi thực hiện điều dưỡng tập trung, ngoài kinh phí được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp, tỉnh ta cũng sẽ thực hiện hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/người/đợt điều dưỡng. Chính sách này một lần nữa khẳng định sự quan tâm rất thiết thực của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với người có công với cách mạng.
Thượng tá Nguyễn Văn Công, Phó Chính ủy Lữ đoàn 279, Binh chủng Công binh cho biết: Những năm qua, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được đơn vị quan tâm triển khai thực hiện. Nhiều hoạt động nổi bật như: Xây Nhà tình nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng quà, chăm sóc sức khỏe cho người có công trên địa bàn đóng quân, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ… đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, thu hút sự hưởng ứng tích cực của các cán bộ, chiến sỹ trong toàn đơn vị.
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ, Lữ đoàn 279 đã phối hợp tổ chức chương trình khám, cấp thuốc miễn phí cho trên 100 người có công trên địa bàn xã Xích Thổ. Hoạt động này không chỉ góp phần chăm sóc sức khỏe cho người có công mà qua đó còn giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng; đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các cán bộ, chiến sỹ.
Ngay từ đầu tháng 7, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan được đón nhiều cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân tới thăm, tặng quà, tri ân các thương, bệnh binh.
Chị Nguyễn Thị Lý, thành viên CLB kết nối yêu thương thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Năm nay, tôi được trở lại Trung tâm để thăm sức khỏe, tặng quà tri ân các thương, bệnh binh nặng. Tôi rất mừng vì sức khỏe của các bác ổn định, có thể nhớ và chia sẻ với chúng tôi nhiều kỷ niệm về một thời hoa lửa. Với tôi, tri ân, tưởng nhớ không chỉ là những việc làm cụ thể bằng chế độ, chính sách, bằng những món quà, sự thăm hỏi, động viên… mà còn là sự răn mình, phải sống cho thật xứng đáng với sự hy sinh cao cả của những người đã ngã xuống hoặc dâng hiến một phần máu xương cho Tổ quốc.
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan cho biết: Nhiều tổ chức, cá nhân còn thường xuyên thực hiện các phần việc ý nghĩa, xúc động dành cho các thương, bệnh binh. Điển hình như CLB tóc và da Ninh Bình, từ ngày mùng 1-5 hàng tháng đều vào thăm, cắt tóc và tổ chức các chương trình văn nghệ để động viên tinh thần các thương, bệnh binh…
Đối với Trung tâm, cũng thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sỹ như: Đưa các thương, bệnh binh đi thăm lại chiến trường xưa; thăm các khu di tích lịch sử, viếng Lăng Bác Hồ; phối hợp tổ chức để các bác trò chuyện với các cháu học sinh trong những chuyến đi về nguồn của một số trường học trong và ngoài tỉnh… Được tham gia vào những hoạt động này, các thương, bệnh binh rất vui và xúc động. Với độ tuổi trung bình của các thương, bệnh binh đã khá cao, lại mang trong mình vết thương và bệnh thì những chuyến đi ý nghĩa như thế không dễ gì thực hiện được nhiều lần.
Ông Dương Viết Yên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm qua, ngoài việc quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước, những chính sách đặc thù của tỉnh, tỉnh ta cũng đã thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác người có công. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã có sức lan tỏa rộng khắp, từ đó tạo nguồn lực lớn để triển khai các hoạt động tiêu biểu như: Chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, dạy nghề, tạo việc làm; đón thương binh nặng về an dưỡng tại gia đình; xây dựng, sửa chữa Nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, đồ gia dụng tình nghĩa; vườn cây, ao cá tình nghĩa…
Đến nay, tỉnh Ninh Bình không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Dịp 27/7 năm nay, cùng với quà của Trung ương, tỉnh ta cũng dành kinh phí trên 8 tỷ đồng để thăm, tặng quà các thương, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình người có công với cách mạng. Đặc biệt, vào dịp tháng 7 hàng năm, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân đã chung tay thực hiện rất nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: thăm, tặng quà người có công; tổ chức khám, tư vấn điều trị, cấp thuốc miễn phí; trao tặng Nhà tình nghĩa… Những phần việc ý nghĩa ấy là tình cảm, là lời tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đào Hằng-Minh Quang