Trong 2 ngày 3-4/7, tại Ninh Bình đã diễn ra hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam. Tại các phiên thảo luận chuyên đề, nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học… được trao đổi, chia sẻ làm cơ sở quan trọng mở ra những cơ hội hợp tác và phát huy giá trị di sản thế giới bền vững hơn trong tương lai tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.
Tham gia hội nghị có hơn 20 tham luận, cùng nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu, đã tập trung làm rõ 3 chuyên đề trọng tâm, bao gồm: Thực tiễn về phát huy các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững và giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.
Trong đó, nhiều vấn đề trọng tâm đã được thảo luận như: Cơ chế, chính sách đặc thù trong phân loại đô thị, bảo đảm các đô thị là di sản được UNESCO vinh danh không bị cuốn theo mô hình “đô thị nén”, vừa thúc đẩy đô thị hóa, hiện đại hóa phù hợp chức năng đô thị di sản, vừa giữ gìn, bảo tồn được các giá trị cốt lõi mà UNESCO vinh danh.
Cùng với đó là có cơ chế, chính sách đặc thù cho lựa chọn mô hình cơ cấu kinh tế phù hợp với chức năng đô thị di sản đủ khả năng loại trừ kiểu công nghiệp hóa cổ điển gây tổn thương cho di sản văn hóa, xung đột với bảo vệ môi trường sống; cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân trong các vùng di sản; cơ chế, chính sách đặc thù trong huy động, phân bổ các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững các đô thị di sản, từ các cơ chế, chính sách giải phóng nguồn lực đất đai, tài chính, tự nhiên đến nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa, thúc đẩy kết nối các loại nguồn lực cho phát triển, khắc phục các mâu thuẫn, xung đột giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển…
Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định, sau 9 năm kể từ khi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014, đến nay, Tràng An luôn được đánh giá hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Trong đó, du lịch có trách nhiệm được lựa chọn làm mô hình phát triển với sự tham gia của 3 trụ cột: Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng cư dân. Tỉnh Ninh Bình cũng nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa và thách thức của biến đổi khí hậu cùng các vấn đề xã hội khác, từ đó xác định quan điểm phát triển bền vững dựa trên nền tảng các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là về hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên, các danh hiệu UNESCO.
Trong đó, xác định con người là trung tâm, là mục tiêu của phát triển bền vững, do đó cần tăng cường sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện mô hình hợp tác công – tư trong quản lý, phát huy giá trị di sản, tạo động lực cho phát triển bền vững. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không thể tái tạo. Tăng cường quản lý và phát triển nguồn nhân lực phát triển bền vững. Quan tâm giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát huy giá trị phục vụ phát triển trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nâng cao công tác tuyên truyền cho cộng đồng, đặc biệt tại nơi có di sản được khai thác du lịch, nhằm làm cho cộng đồng thấy được tầm quan trọng và giá trị của di sản, về bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác đối với việc bảo vệ di sản, môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng…
Ninh Bình tự hào khi được bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu ghi nhận, khẳng định tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được tổ chức tại Ninh Bình vào ngày 6/9/2022: “… Di sản văn hóa – thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên. Nơi đây đã trở thành hình mẫu, câu chuyện thành công trong việc duy trì mối quan hệ cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản…”.
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình quyết tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ, khoa học và có hiệu quả nhằm tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được, hoàn thiện các mô hình, cơ chế, chính sách để thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, các danh hiệu UNESCO gắn với phát triển bền vững, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xuyên suốt của tỉnh.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng thống nhất và chia sẻ quan điểm: Để bảo tồn di sản, các quốc gia phải nhìn nhận nguồn lực theo hướng đa dạng chứ không chỉ ở lĩnh vực tài chính. Trong đó, xác định con người là trung tâm, mục tiêu của phát triển bền vững, do đó cần tăng cường sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản. Đặc biệt, việc bảo tồn không chỉ chú trọng vùng lõi di sản mà cần có hoạch định cụ thể trên cả vùng đệm.
Cùng với đó, cần tiếp cận một cách toàn diện cũng như mang tính hòa nhập để có thể giải quyết được những thách thức mà các khu di sản hiện nay đang đối mặt, như mất cân bằng đa dạng sinh học, đối phó với thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu gây nên. Cần có hướng dẫn, hành động rõ ràng, cụ thể để cùng nhau giải quyết được những thách thức đó…
Trao đổi về mô hình hợp tác công-tư trong quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Quần thể danh thắng Tràng An, ông Michel Croft, Quyền trưởng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng, ông đã theo dõi và chứng kiến những thành tựu từ mô hình hợp tác công-tư tại Ninh Bình từ những năm đầu tiên tỉnh Ninh Bình xây dựng danh hiệu cho di sản.
Đây là bài học rất thành công của Ninh Bình, có thể áp dụng cho nhiều khu di sản thế giới khác ở Việt Nam, kêu gọi hiệu quả sự quan tâm và tham gia của nhiều đối tác khu vực công và khu vực tư trong việc xây dựng và duy trì bền vững công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới đã được công nhận. Từ sự thành công của mô hình tại Ninh Bình nên chia sẻ, giới thiệu, nhân rộng tại các mô hình, di sản khác trong đất nước Việt Nam cũng như trên thế giới học tập, làm theo…
Kỳ vọng tạo ra sự hợp tác rộng lớn hơn trên quy mô quốc gia, khu vực và thế giới từ hội nghị lần này, các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng, cần có giải pháp cụ thể hơn nữa để áp dụng các kinh nghiệm quý, bài học hiệu quả của các quốc gia thành viên trong quản lý di sản thế giới.
Ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại chia sẻ: “Chúng ta cần phải có cơ chế, chính sách rất đặc thù cho những khu vực đô thị để vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Nhu cầu của mọi người là cần có việc làm, đặc biệt là thế hệ trẻ, vì vậy chính sách cần phải áp dụng khác nhau giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn…”.
Hạnh Chi – Minh Quang