Powered by Techcity

Dự án xây dựng tuyến đường Đông Tây Phấn đấu thông xe kỹ thuật trong năm 2023

Nâng tổng mức đầu tư để đảm bảo quyền lợi người dân

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông – Tây (giai đoạn I) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1190/QĐ – UBND ngày 29/10/2021, có tổng mức đầu tư là 1.486 tỷ đồng. Quy mô đầu tư xây dựng tuyến đường Đông – Tây với tổng chiều dài 23 km đoạn từ Tam Điệp (tại nút giao Đồng Giao, xã Quang Sơn) đến Nho Quan (giao với QL12 tại xã Văn Phong) với quy mô trước mắt 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cấp II (riêng đoạn đầu tuyến đến nút giao tuyến đường cao tốc Bắc – Nam với chiều dài 1,64 km được đầu tư với quy mô 8 làn xe theo quy hoạch đô thị Tam Điệp); thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho 8 làn xe toàn bộ tuyến.

 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, dự án kinh phí GPMB tăng. Nguyên nhân tăng là do chênh lệch giá bồi thường GPMB (giá thực tế và giá theo đơn giá của tỉnh đã lập trong chủ trương đầu tư được duyệt). Bên cạnh đó, việc áp dụng chính sách hỗ trợ đền bù đối với các loại đất vườn, ao liền kề không phải là đất ở theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND ngày 23/02/2021 của HĐND tỉnh và do một số khối lượng công tác GPMB trong bước lập chủ trương đầu tư chưa tính toán được chi tiết… làm gia tăng tổng mức đầu tư. 

Đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình, đại diện chủ đầu tư cho biết: Sau khi rà soát, cập nhật lại các chi phí tổng mức đầu tư của dự án là 1.913,754 tỷ đồng, tăng 427,754 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương là 500 tỷ đồng và ngân sách tỉnh là 1.413,754 tỷ đồng. Do tổng mức đầu tư tăng nên theo quy định dự án điều chỉnh từ nhóm B lên dự án nhóm A. Theo Luật Đầu tư công thời gian thực hiện dự án đối với dự án nhóm A tối đa 6 năm, vì vậy thời gian điều chỉnh thực hiện dự án là 2021 – 2026.

Đánh giá về việc nâng tổng mức đầu tư để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi GPMB, đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Với đơn giá đền bù đất và tài sản vật kiến trúc trên đất tăng so với quy định trước đây đã giúp huyện tháo gỡ được nút thắt trong GPMB dự án tuyến đường Đông – Tây. Hiện Nho Quan đang vào cuộc tích cực để tiến hành các thủ tục đền bù, hỗ trợ cho người dân, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu tái định cư để người dân sớm ổn định chỗ ở với phương châm chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ. 

Không để khó khăn làm chậm tiến độ

Không quản ngại thời tiết nắng nóng kéo dài những ngày qua, trên công trường dự án xây dựng tuyến đường Đông – Tây vẫn nhộn nhịp không khí lao động khẩn trương của các cán bộ, kỹ sư, công nhân các nhà thầu thi công. Tất cả cùng nỗ lực để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo kế hoạch của UBND tỉnh đã giao. 

Kỹ sư Ngô Văn Bình, cán bộ kỹ thuật nhà thầu Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường cho biết: Mặc dù thời tiết những ngày qua nắng nóng nhưng xác định đây là công trình trọng điểm của tỉnh, phía nhà thầu đã tập trung huy động máy móc, nhân lực thi công cả 3 ca để đảm bảo tiến độ và chất lượng mà chủ đầu tư đề ra.

“Chúng tôi sẽ tập trung ở mức độ cao nhất để thực hiện dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh và chủ đầu tư, phấn đấu thông xe kỹ thuật trong năm 2023. Để thực hiện được mục tiêu này, chúng tôi mong muốn các địa phương nhanh chóng bàn giao mặt bằng sạch để tạo điều kiện cho chúng tôi thi công”. 

Những khó khăn trong công tác GPMB cũng dần được tháo gỡ khi tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh tăng. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã bàn giao được 20,2/22,9 km, trong đó, địa bàn thành phố Tam Điệp đã bàn giao được được 6,627/6,627 km; trong phạm vi bàn giao còn vướng một số vị trí đất ở và công trình hạ tầng kỹ thuật. Địa bàn huyện Nho Quan đã bàn giao được 13,64/16,3 km đất nông nghiệp, đạt khoảng 83,66% diện tích giải phóng mặt bằng, hiện còn 2,66 km chưa bàn giao là đất ở và công trình hạ tầng kỹ thuật.

Quyết tâm không để khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, các nhà thầu đã thực hiện phương châm có mặt bằng đến đâu thi công đến đó. Đến nay, dự án đã và đang thi công 11,5/23 km phần nền đường, cống ngang và các cầu trên tuyến, giá trị xây lắp thực hiện đến nay đạt khoảng 30% khối lượng, giá trị giải ngân được 405,479 tỷ đồng/1.034,983 tỷ đồng. 

Dự án xây dựng tuyến đường Đông Tây Phấn đấu thông xe kỹ thuật trong năm 2023
Thi công đoạn nút giao với cao tốc Bắc – Nam. Ảnh: Trường Huy

 

Quyết tâm về đích “trước hẹn”

Vừa qua, trong chuyến thị sát tuyến đường Đông- Tây của tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng  Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, biểu dương tỉnh Ninh Bình và các đơn vị thi công đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai giai đoạn 1 của dự án. Đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của dự án đây là tuyến đường “4 trong 1” để phát triển đô thị, dịch vụ, công nghiệp, khoa học công nghệ, khi hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển mới, góp phần giảm tải cho thành phố Ninh Bình và các địa phương khác của tỉnh, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Bình cần khẩn trương làm tốt công tác quy hoạch để khai thác tối đa dư địa phát triển.  

Cùng với đó, tập trung cho nhiệm vụ triển khai xây dựng tuyến đường Đông-Tây của tỉnh, tạo thành chuỗi kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia và khu vực nhất là với các tỉnh miền núi phía Bắc và kết nối với các tuyến đường ven biển. Do vậy Thủ tướng giao tỉnh Ninh Bình và các cơ quan nghiên cứu, chuẩn bị các thủ tục để lập dự án cho giai đoạn tiếp theo, tính toán phương án đầu tư, các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn Trung ương và các địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

Đồng thời giao các cơ quan Trung ương có liên quan tiếp thu những kiến nghị, đề xuất, xem xét, giải quyết những khó khăn, đảm bảo đúng quy định, tạo điều kiện để tỉnh Ninh Bình và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra, góp phần kết nối vùng, mở ra không gian, tạo dư địa và bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực.

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Đông – Tây, tỉnh Ninh Bình (Giai đoạn I) đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định là công trình trọng tâm, phải hoàn thành sớm nhất để tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trước mắt và có tầm chiến lược, dài hạn. 

Trục giao thông này hoàn chỉnh sẽ đi qua 4 huyện, thành phố, kết nối cực phía Tây với cực phía Đông của tỉnh Ninh Bình, từ vùng rừng núi huyện Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn, mở ra không gian, dư địa và động lực phát triển cho khoảng 50.000 ha phía Nam của tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là khu vực rừng núi, sinh thái của huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp, huyện Yên Mô và toàn bộ vùng ven biển huyện Kim Sơn; Tạo trục giao thông chiến lược, liên thông đồng bộ với hệ thống giao thông của tỉnh; Kết nối các trung tâm kinh tế với Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, vùng rừng núi Cúc Phương và ven biển Kim Sơn đầy tiềm năng; mở ra không gian, tạo dư địa và động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững của tỉnh Ninh Bình.

Dự án xây dựng tuyến đường Đông Tây Phấn đấu thông xe kỹ thuật trong năm 2023
Thi công phần nền đường tại khu vực thành phố Tam Điệp. Ảnh: Trường Huy

 

Đặc biệt, tuyến đường kết nối đồng bộ với các trục giao thông quan trọng của Quốc gia như: đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đường QL1A, đường bộ ven biển, đường sắt Bắc – Nam…; mở ra hướng kết nối liên thông với tuyến đường Hồ Chí Minh và kết nối liên vùng giữa vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La) với vùng đồng bằng sông Hồng…

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền và các đơn vị liên quan đang tập trung cao để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm “về đích trước hẹn” sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng. 

Đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình khẳng định: Mặc dù dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư lên dự án nhóm A với tổng mức 1.913,754 tỷ, thời gian thực hiện để đảm bảo theo quy định của luật đầu tư công đối với nhóm A nên được kéo dài đến năm 2026. Tuy nhiên dự án phát sinh điều chỉnh chỉ do chi phí GPMB; về quy mô dự án, quy mô GPMB không thay đổi, quá trình thực hiện điều chỉnh dự án lên nhóm A không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công dự án. 

Để sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ đầu tư hiện đang phối hợp với các đơn vị có liên quan quyết tâm đẩy nhanh tiến độ GPMB và thi công phấn đấu hết năm 2023 thông xe kỹ thuật dự án và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng dự án trong năm 2024, sớm hơn so với kế hoạch 1 năm. 

Với mục tiêu này, rất cần có sự đồng lòng, chung tay của cấp ủy chính quyền các địa phương và sự chia sẻ của tầng lớp nhân dân để dự án nhanh chóng hoàn thành góp phần đưa Ninh Bình sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng vào năm 2030. 

Nguyễn Thơm- Nguyễn Lựu



Nguồn

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

70 năm Giải phóng Thủ đô: Du lịch xanh thân thiện và cuốn hút

Hội tụ các yếu tố phát triển du lịch xanh Nhiều năm qua, phát triển du lịch xanh, bền vững luôn được Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để các địa phương, nhất là những tỉnh, thành trọng điểm du lịch thực hiện. Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tích cực triển khai. Có thể kể đến như: Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn...

Tại sao thị trường đi ngang suốt nhiều ngày qua?

Giá heo hơi miền Bắc hôm nay ngày 7/10/2024 Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi hôm nay ngày 7/10/2024 đi ngang ổn định so với ngày hôm qua, giao dịch trong khoảng 68.000 – 69.000 đồng/kg. Cụ thể, thị trường giá heo hơi miền Bắc ghi nhận ổn định tại Thái Nguyên và Bắc Giang ở mốc 69.000 đồng/kg cùng giá với các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình và TP. Hà Nội. Đây hiện cũng là mức...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất