Nhận định vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) cũng như tổ hợp tác rất quan trọng, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn, hướng đến xây dựng nông thôn mới… thời gian gần đây Ninh Thuận đã nỗ lực thúc đẩy kinh tế hợp tác xã phát triển…
Ninh Thuận vốn tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh Ninh Thuận gỡ khó đẩy mạnh cho vay hợp tác xã |
Kinh tế hợp tác xã khởi sắc
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX; kiện toàn, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX; đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh tế tập thể; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc…
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận, 7 tháng đầu năm 2024, hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn tiếp tục được duy trì ổn định, phát triển. Từ đầu năm đến nay có 5 HTX được thành lập mới, nâng số HTX ở địa phương lên 126 HTX, tổng vốn đăng ký hơn 252 tỷ đồng. Nhiều HTX trên địa bàn đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hình thành mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp; đưa sản phẩm đảm bảo chất lượng, sản phẩm tiêu biểu… tham gia sàn thương mại điện tử, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Đặc biệt, một số HTX trên địa bàn đã liên kết với doanh nghiệp, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường; hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở Ninh Thuận. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù ở địa phương đã được người tiêu dùng cả nước biết đến như, nho, táo, măng tây xanh, hành tỏi, lúa hữu cơ, ớt, dê cừu…
Bên cạnh các loại cây trồng truyền thống, nhiều HTX ở Ninh Thuận đang đầu tư trồng cây măng tây. Đưa cây măng tây trở thành một trong những sản phẩm đặc thù của vùng đất nắng gió Ninh Thuận, cho thu nhập trung bình từ 700 đến 800 triệu đồng/ha/năm. Hiện, cây măng tây đang được trồng nhiều ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn hay TP. Phan Rang – Tháp Chàm. Bên cạnh, các HTX măng tây tại Ninh Thuận còn có nhiều HTX trồng nho, táo, dưa lưới, chăn nuôi… Trong đó, cây trồng chủ lực là cây nho, hiện đang canh tác trên 1.160 ha theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Mô hình HTX trồng măng tây ở huyện Ninh Phước, Ninh Thuận |
Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động của một số HTX trên địa bàn Ninh Thuận vẫn còn khó khăn. Trong đó, nổi lên là việc định hướng phát triển chưa cụ thể, chưa có kế hoạch phát triển lâu dài, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ còn mang tính thời vụ… Đặc biệt, nhiều HTX được thành lập chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về hoạt động của Luật Hợp tác xã, nhất là các HTX thành lập trên cơ sở chuyển đổi. Phần lớn các HTX chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh khả thi, hoặc có xây dựng nhưng nội dung sơ sài, không bảo đảm các yêu cầu, nên khó tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, trong đó có cả việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…
Tiếp sức từ vốn ngân hàng
Trong điều kiện thực tế của các HTX, tổ hợp tác ở Ninh Thuận cũng như các địa phương khác việc mở rộng tín dụng cho vay thành phần kinh tế này vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi, nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu do hiệu quả hoạt động và khả năng đáp ứng điều kiện vay thấp, nhất là hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh tế không đầy đủ, phương án sản xuất kinh doanh không khả thi, nợ xấu các món vay trước đây khó xử lý do không có nguồn thu…
Trước những khó khăn trên, ngành Ngân hàng trên địa bàn Ninh Thuận đã không đứng ngoài cuộc mà nỗ lực tìm phương án gỡ khó, để tiếp vốn cho các HTX trên địa bàn. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Ninh Thuận cho biết, để nắm bắt tình hình, chi nhánh đã tổ chức khảo sát tình hình tiếp cận tín dụng của các HTX trên địa bàn, báo cáo cụ thể tình hình hoạt động và tiếp cận vốn cùng các đề xuất, kiến nghị của từng HTX cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở ngành liên quan tìm biện pháp tháo gỡ.
NHNN chi nhánh Ninh Thuận cũng tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù như, cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay phục vụ phát triển thủy sản, hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ, cho vay không có tài sản đảm bảo lên đến 70% đến 80% giá trị khoản vay; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn từ 0,5%-1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Bên cạnh, tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, các TCTD ở Ninh Thuận cũng đã dành nguồn vốn với lãi suất hợp lý cho vay đối với các HTX có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi, hoạt động trong các lĩnh vực mũi nhọn như nông nghiệp, công nghiệp chế biến…
Với những giải pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt, hoạt động tín dụng của ngành Ngân hàng Ninh Thuận đối với kinh tế tập thể, HTX đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng thực hiện đến 30/6/2024 đạt 13.701 triệu đồng; Dư nợ chủ yếu tập trung vào các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhu cầu về vốn của các HTX từng bước được tháo gỡ, hoạt động của các HTX được cải thiện đáng kể với những chuyển biến tích cực. Một số tổ hợp tác, HTX đã liên kết, mở rộng, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh một cách bền vững, nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa HTX với doanh nghiệp ra đời đã góp phần đảm bảo ổn định lâu dài về đầu ra cho sản phẩm trên thị trường, giải quyết việc làm và cải thiện mức thu nhập cho nhiều lao động tại vùng nông thôn…
Bên cạnh những đóng góp của ngành Ngân hàng, để tiếp tục thúc đẩy kinh tế HTX phát triển, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị, các sở, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương, địa phương về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, nhất là khẩn trương tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX theo quy định của Chính phủ; triển khai đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới trên địa bàn Ninh Thuận; đồng thời phát triển các mô hình HTX gắn với sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững; quan tâm hỗ trợ HTX tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; xây dựng, đăng ký thương hiệu, sản phẩm thương mại; tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước…
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/ninh-thuan-thuc-day-hop-tac-xa-phat-trien-154473.html