Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP.
Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, thu hút 6 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu như kỳ vọng, tỉnh Ninh Thuận cần kiểm tra, rà soát lại toàn diện các dự án đầu tư, nhất là các dự án động lực chậm tiến độ, vi phạm Luật Đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, tính đến đầu năm 2024, địa bàn tỉnh có 56 dự án du lịch đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (còn hiệu lực), với tổng vốn đăng ký trên 52.469 tỷ đồng. Trong đó, 23 dự án đã đưa vào hoạt động, chiếm khoảng 41%; 20 dự án đang triển khai thi công, chiếm trên 35% và 13 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư, chiếm trên 23%.
Tuy nhiên, một số dự án du lịch trọng điểm, động lực triển khai rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra. Một số dự án đang triển khai nhưng gặp khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết nên cứ dậm chân tại chỗ.
Cụ thể, trong số 22 dự án du lịch trọng điểm, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận đã rà soát và tổ chức kiểm tra xử lý vi phạm hành chính, đề xuất xử lý ngừng hoạt động đối với hai dự án: Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia-Ninh Chữ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Aminia Ninh Chữ; dự án Ninh Chữ Sailing Bay của Công ty Cổ phần Ninh Chữ Bay do quá chậm tiến độ thi công, chậm tiến độ sử dụng đất…
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận đang rà soát hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ đầu tư dự án Resort Spa nho-Trang trại trồng nho và Nhà máy rượu vang nho do Công ty Cổ phần Smart Asgard Việt Nam làm chủ đầu tư tại xã Vĩnh Hải ở huyện Ninh Hải, chứng minh năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện dự án, vì dự án này đã hết thời hạn gia hạn vào cuối năm 2023 nhưng chủ đầu tư vẫn không hoàn thành dự án.
Tám dự án du lịch khác đã giao đất, đang triển khai xây dựng còn trong tiến độ nhưng việc tổ chức thi công khá chậm. Qua kiểm tra, rà soát, các dự án này đang vướng những khó khăn do nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, đối với các dự án này, các sở, ngành có liên quan của tỉnh Ninh Thuận đang tập trung hỗ trợ, tìm giải pháp để tháo gỡ cho doanh nghiệp, nhất là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chưa được giao đất…
Liên quan đến các dự án này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đồng thời đưa ra hướng xử lý dứt điểm đối với các dự án vi phạm tiến độ theo quy định của Luật Đầu tư, thiếu năng lực thực hiện dẫn đến thi công ì ạch.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cho hay Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao cho các sở, ngành có liên quan phối hợp với chính quyền địa phương nơi có dự án đầu tư khẩn trương rà soát, tham mưu, giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn vướng mắc gặp phải; đồng thời yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết triển khai của từng dự án, có phương án huy động nguồn vốn khả thi để thực hiện theo tiến độ đã cam kết với tỉnh.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các sở, ngành sớm tổ chức thanh tra toàn diện dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Ba Bể và dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ. Đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng quá chậm tiến độ, đủ điều kiện cho ngừng hoạt động, cụ thể như dự án Ninh Chữ Sailing Bay và Khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia-Ninh Chữ, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ xem xét cho chủ trương thực hiện, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định của pháp luật./.