Để phát triển kinh tế tập thể, những năm qua, huyện Ninh Phước tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương.
Trên địa bàn huyện Ninh Phước hiện có 29 HTX thuộc các ngành, lĩnh vực đăng ký kinh doanh hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong đó có 22 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, 4 HTX tiểu thủ công nghiệp, 3 HTX kinh doanh lĩnh vực phi nông nghiệp, với 8.236 thành viên tham gia, tổng vốn đăng ký trên 19 tỷ đồng. Bám sát tinh thần chỉ đạo của tỉnh và huyện, những năm qua, các HTX đã tập trung củng cố, chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng phát huy năng lực, nâng cao hiệu quả, tạo được sức mạnh tập thể trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao doanh thu, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên. Nhiều HTX đã áp dụng các mô hình tiên tiến vào sản xuất từ đó hình thành được các mô hình liên kết trong sản xuất chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làm cầu nối chuyển giao khoa học – kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa, bắp, măng tây xanh; mô hình tưới nước tiết kiệm, sản xuất rau an toàn, sản xuất nho, táo theo tiêu chuẩn VietGAP… phù hợp với điều kiện địa phương. Qua đó, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Châu Rế, xã Phước Hải (Ninh Phước) liên kết với doanh nghiệp sản xuất măng tây xanh,
mang lại hiệu quả cho các thành viên. Ảnh: Tiến Mạnh
Đơn cử như HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Phước An trước đây hoạt động theo mô hình cũ nên hiệu quả mang lại không cao. Năm 2013, thực hiện theo Luật HTX mới, đơn vị tập trung vào việc chuyển đổi cây trồng, cung ứng các DVNN và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Ông Lê Phúc Hoa, Giám đốc HTX DVNN Phước An cho biết: Thông qua hợp đồng ký kết, HTX đứng ra điều phối, đại diện quyền lợi, trách nhiệm của thành viên; doanh nghiệp có trách nhiệm về quy trình sản xuất, thu mua nông sản… Nhờ vậy, HTX không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo được niềm tin cho thành viên. Theo tính toán, năng suất bắp giống bình quân đạt 8-9 tấn/ha, với giá bán 12.800 đồng/kg, trừ chi phí nông dân có lãi từ 30-40 triệu đồng/ha.
Hay như HTX DVNN Tuấn Tú đã tập trung vào chuyển đổi cây trồng, đổi mới phương thức sản xuất theo hướng liên kết, ứng dụng KH-KT vào sản xuất; cung ứng DVNN và bao tiêu sản phẩm. Ông Hùng Ky, Giám đốc HTX DVNN Tuấn Tú cho biết: Thực hiện chuyển đổi theo mô hình mới, HTX tập trung xây dựng mô hình cánh đồng lớn trồng măng tây xanh, chú trọng áp dụng KH-KT vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. HTX đứng ra ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, nên tạo được niềm tin cho thành viên. Nhờ đó, mỗi năm thành viên HTX thu về lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng.
Việc đổi mới mô hình HTX trên địa bàn huyện Ninh Phước đang từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã hình thành được một số mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể ở địa phương ngày càng phát triển. Đến nay, có 16 HTX duy trì và nhân rộng được 15 cánh đồng lớn trồng lúa, bắp, măng tây xanh, với diện tích 2.353 ha.
Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Để đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, thời gian tới, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực thúc đẩy kinh tế tập thể, nâng cao hiệu quả của các HTX có sức cạnh tranh trên thị trường; xây dựng và phát triển các mô hình HTX kiểu mới hoạt động gắn với chuỗi giá trị nông sản an toàn, có giá trị kinh tế cao; xây dựng mô hình HTX gắn kết với Chương trình mỗi xã một sản phẩm; hỗ trợ vốn cho các HTX đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng KH-KT vào sản xuất trong các HTX; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giúp các HTX nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh việc liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về Luật HTX năm 2012; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể ở địa phương.
Tiến Mạnh