Ngày 27/4, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát huy vai trò, giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới”. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương tham dự sự kiện.
Phát huy giá trị của Tràng An trong xây dựng Đô thị di sản
Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (2014-2024).
Hội thảo được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An, ghi nhận, đánh giá công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế trong việc phát huy vai trò, giá trị của di sản trong việc hiện thực hóa định hướng chiến lược của tỉnh là xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, một trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của vùng, quốc gia và mang tầm quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết: “Sau 10 năm được UNESCO ghi danh là di sản Văn hóa – Thiên nhiên thế giới, khu danh thắng Tràng An đã trở thành một minh chứng rõ nét cho một xu hướng tất yếu: Đó là, kết nối du lịch di sản liên tỉnh, liên vùng, xa hơn nữa là liên quốc gia, nhằm tạo dựng giá trị và thương hiệu độc đáo của khu di sản. Điều đặc biệt là, Tràng An đã tạo dựng thêm những giá trị mới để kết nối tính bản địa và tính hiện đại, của đô thị quá khứ với đô thị tương lai trên nền tảng bảo tồn hiệu quả, hài hoà, bền vững các giá trị di sản; trở thành sự lựa chọn, một điểm đến, một nơi chốn thân quen đáp ứng nhiều đối tượng du khách, cũng như đã bắt kịp với những nhu cầu phát triển chung của tình hình xã hội, kinh tế thị trường và đặc biệt hơn cả luôn gắn liền với chủ trương phát triển tổng hòa các yếu tố văn hóa của Đảng và Chính phủ, cùng định hướng phát triển của tỉnh Ninh Bình.
Tuy nhiên, những lợi thế trên cũng là những thách thức cho công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, thể hiện trách nhiệm của người dân và chính quyền đối với di sản quý báu của ông cha trước những vấn đề như: trách nhiệm của chính quyền và người dân trong việc bảo tồn và giữ vững danh hiệu “Di sản thế giới”, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế di sản… Những thách thức này cần được giải quyết bằng những mục tiêu cụ thể và tầm nhìn Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đó là đến năm 2035 trở thành đô thị trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Du lịch – sản phẩm du lịch từ di sản là sự lựa chọn và lời giải cho mục tiêu này.
Qua đó, ông Phạm Quang Ngọc mong muốn, tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ tập trung thảo luận một số nội dung chính như: Tôn vinh, quảng bá và lan tỏa các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững, là tiền đề hướng tới xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành Đô thị Di sản thiên niên kỷ; Nhìn lại những thành tựu nổi bật trong 10 năm, và đề xuất định hướng quy hoạch bảo tồn tổng thể khu di sản với tiếp cận liên ngành, đa ngành – như một mẫu hình đô thị di sản; xác định vai trò, vị trí của Di sản trong phát triển kinh tế du lịch, phát triển kinh tế – xã hội; Nghiên cứu, đề xuất những giải pháp để chia sẻ, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa ở trong nước và trên thế giới những kinh nghiệm thực tiễn bảo tồn và phát triển từ Quần thể danh thắng Tràng An, từ đó đề xuất những chính sách phù hợp với Chính phủ và UNESCO…
“Tỉnh Ninh Bình sẽ luôn nỗ lực tôn vinh, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản và nâng cao hiệu quả trong quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản; tiếp tục thực hiện những cam kết với UNESCO trong công tác quản lý, phát huy giá trị để gìn giữ và bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau” – ông Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh.
Cần sự hợp tác của cộng đồng quốc tế
Tại Hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu của các chuyên ngành nghiên cứu trong nước và quốc tế đã tập trung đánh giá những thành tựu nổi bật trong 10 năm của Di sản Tràng An, từ đó, đưa ra những định hướng, giải pháp quy hoạch phù hợp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ Ninh Bình trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: Nhìn lại chiều dài lịch sử của Hoa Lư – danh xưng của đô thành – đế đô đầu tiên của quốc gia Đại Việt, là đô thị – cảng thị tựa núi, nhìn sông, mở ra biển Đông. Nhìn lại lịch sử vùng đất Tràng An cổ, có thể thấy tầm nhìn về chiều sâu của lịch sử, chiều rộng không gian xứng tầm vùng đất có vị trí địa chính trị, địa quân sự và địa văn hóa với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm. Những đặc điểm này đã là tiền đề xây dựng cố đô di sản. Việc phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai không làm tổn hại tới các giá trị của di sản, phù hợp với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp Quốc và yêu cầu, quy định quản lý, bảo vệ di sản thế giới của UNESCO.
Tuy Nhiên, ông Bùi Văn Mạnh cho rằng, việc bảo tồn và phát triển đô thị di sản đòi hỏi sự hợp tác và hiểu biết sâu rộng từ cộng đồng quốc tế. Vậy nên, chúng ta cần phải duy trì sự cân bằng giữa việc bảo vệ giá trị lịch sử và khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai. Đô thị di sản không chỉ là một kho tàng của quá khứ, mà còn là một nguồn cảm hứng, một tài liệu cho tương lai. Do đó, khi một đô thị di sản được UNESCO công nhận không chỉ trách nhiệm của người dân địa phương mà còn trách nhiệm của nhân loại trên toàn thế giới cần tôn vinh và bảo vệ những nơi này, để chúng có thể tiếp tục kể câu chuyện về nhân loại, văn hóa và sự phát triển bền vững trong tương lai.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, sự phát triển của Ninh Bình trong hiện tại và tương lai, đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi mau lẹ, có nhiều yếu tố mang tính thời đại và nếu tận dụng được thì tỉnh Ninh Bình sẽ đảo ngược tình thế để bứt phá phát triển rất nhanh.
Do vậy, cùng với cách tiếp cận đa chiều, để xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ toàn diện và bền vững rất cần có các giải pháp chính sách, cơ chế đặc thù, vượt trội nhằm chuyển hóa việc bảo tồn, phát huy di sản thành động lực cho phát triển các ngành kinh tế phù hợp, đặc biệt cho ngành du lịch; huy động nguồn lực trong việc bảo tồn và khai thác di sản; quy hoạch đô thị gắn với đền bù giải phóng mặt bằng; chính sách bảo vệ di sản, môi trường di sản.
Để phát huy toàn vẹn giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử của di sản, phục vụ phát triển bền vững, xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ như Ninh Bình đang hướng tới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho rằng, Ninh Bình cần tiếp tục tăng cường gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới theo quy chuẩn của UNESCO; Tăng cường giáo dục và nhận thức cộng đồng, nâng cao nhận thức về giá trị của Di sản thế giới Tràng An đối với cộng đồng và du khách; Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác địa phương khác để chia sẻ kinh nghiệm quản lý di sản và học hỏi từ thành công của các điểm đến khác…
“Thời gian tới, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ninh Bình để Quần thể danh thắng Tràng An tiếp tục là điển hình mẫu mực về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo của UNESCO, đưa Ninh Bình trở thành miền đất giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế, xanh – sạch về môi trường, hội tụ đủ tiêu chí cho sự phát triển bền vững” – Thứ trưởng Phạm Thanh Bình khẳng định.
Đồng quan điểm trên, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Jonathan Baker cho biết, UNESCO vẫn kiên định với cam kết hỗ trợ Tràng An vượt qua những thách thức. Văn phòng UNESCO sẵn sàng cung cấp các lĩnh vực chuyên môn bảo đảm Tràng An tiếp tục là ngọn hải đăng cho các hoạt động du lịch có trách nhiệm và bền vững. Tầm nhìn hiện tại của Tràng An hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh cốt lõi của UNESCO đó là thúc đẩy sự hiểu biết văn hóa hòa bình và phát triển bền vững thông qua bảo tồn di sản. “Qua đó, Tràng An sẽ tiếp tục đóng vai trò hình mẫu phát triển ổn định, có trách nhiệm cho thế hệ mai sau” – ông Jonathan Baker tin tưởng./.