Chính quyền quân sự Niger cáo buộc Pháp vi phạm lệnh cấm không phận và “trả tự do cho khủng bố”, đề cập tới phiến quân Hồi giáo.
Hội đồng Bảo vệ Tổ quốc Niger (CNSP), do chính quyền quân sự thành lập, ngày 9/8 cáo buộc Pháp đã đơn phương trả tự do cho một số phiến quân Hồi giáo và những người này sau đó tập hợp lại để lên kế hoạch tấn công khu vực biên giới chung giữa ba nước Niger, Burkina Faso và Mali.
“Những sự kiện vô cùng nghiêm trọng đang xảy ra ở Niger là do lực lượng Pháp và đồng lõa của họ”, CNSP ra tuyên bố, thêm rằng một đơn vị lực lượng vũ trang Niger đã bị tấn công cùng ngày ở địa điểm cách mỏ vàng ở Samira phía tây đất nước 30 km.
Chính quyền quân sự Niger cũng cáo buộc Pháp cùng ngày đã cho phép một máy bay quân sự cất cánh từ nước láng giềng Chad, sau đó bay qua Niger, bất chấp nước này đóng không phận từ cuối tuần trước.
“Chiếc máy bay đó cố tình cắt mọi liên lạc với kiểm soát không lưu khi đi vào không phận Niger trong khoảng 6h39-11h15”, chính quyền quân sự Niger nói.
Một quan chức chính phủ Pháp bác các cáo buộc, khẳng định họ đã liên lạc với lực lượng vũ trang Niger trước khi thực hiện chuyến bay từ Chad. Nguồn tin cũng nhấn mạnh “Pháp không thả bất kỳ phần tử khủng bố nào”.
Pháp có khoảng 1.500 quân ở Niger và quan hệ thân thiết với chính quyền Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Niger đã là đồng minh quan trọng của Pháp trong cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo cực đoan. Paris cho rằng cách khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger tùy thuộc vào Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).
Lực lượng cận vệ tổng thống Niger dưới quyền chỉ huy của tướng Abdourahamane Tiani ngày 26/7 tiến hành đảo chính, lật đổ tổng thống Bazoum và thành lập chính quyền quân sự. Đây là quốc gia thứ ba ở vùng Sahel rung chuyển vì đảo chính quân sự trong vòng ba năm qua, sau Mali và Burkina Faso.
ECOWAS ra hạn chót cho chính quyền quân sự Niger phải trao trả quyền lực cho Tổng thống Bazoum trước 6/8, nếu không sẽ can thiệp quân sự vào nước này. Tuy nhiên, hạn chót đã qua và khối dường như chưa sẵn sàng can thiệp Niger.
Khối Tây Phi dự kiến họp thượng đỉnh về tình hình Niger vào ngày 10/8. Nigeria, quốc gia đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên ECOWAS, ngày 8/8 nói khối không loại trừ lựa chọn nào, nhưng tin ngoại giao là “con đường tốt nhất” để giải quyết khủng hoảng.
Rhissa Ag Boula, cựu thủ lĩnh phe nổi dậy ở Niger, ngày 9/8 thông báo thành lập phong trào chống đảo chính nhằm khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum. Boula từng là bộ trưởng du lịch Niger giai đoạn 1996-1999 và 1999-2004. Năm 2008, ông thành lập FFR, phong trào nổi dậy chống chính phủ. Một năm sau, FFR tham gia tiến trình hòa bình do Libya bảo trợ để chấm dứt xung đột ở Niger, đổi lại các thành viên tham gia nổi dậy được ân xá. Boula sau đó tiếp tục hoạt động chính trị ở Niger.
Ngọc Ánh (Theo AFP)