Quảng Bình nhận được hơn 235 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon (giai đoạn 2023 – 2025), qua đó, nguồn thu của gần 11.000 chủ rừng trên địa bàn tỉnh này tăng lên đáng kể, góp phần hiệu quả vào công tác quản lý, bảo vệ rừng theo hướng bền vững.
Những cánh rừng cho tiền tỷ từ bán tín chỉ carbon
Bản Phú Minh, xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đang quản lý, bảo vệ trên 720ha rừng cộng đồng tại tiểu khu 239. Khu rừng này nhà nước giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ từ 10 năm trước.
Hiện trong khu rừng này có nhiều loại gỗ quý có trữ lượng lớn. Trước đây, bà con tham gia bảo vệ rừng được hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha/năm nên rừng được bảo vệ tốt.
Ông Thái Xuân Hồng, Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng bản Phú Minh, xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi miệt mài bảo vệ rừng và chỉ nhận mức tiền hỗ trợ vài trăm ngàn đồng theo quy định. Từ khi vùng rừng địa phương quản lý được đưa vào diện khai thác tín chỉ carbon, chúng tôi mới biết việc bảo vệ rừng phát triển xanh tốt còn thu được tiền từ bán cái gọi là tín chỉ carbon”.
“Vừa qua, cộng đồng bản được nhận thêm mỗi ha rừng hơn 170 nghìn đồng/năm từ tiền bán tín chỉ carbon, ai cũng rất vui. Nhiều người hay nói về việc ăn của rừng rưng rưng nước mắt, nhằm nói về việc tàn phá rừng sẽ phải chịu hậu quả. Thế nhưng bây giờ, ăn của rừng không còn rưng rưng nữa rồi, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng”, ông Thái Xuân Hồng nói.
Ông Đỗ Minh Cừ – Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Đơn vị đang quản lý, bảo vệ hơn 52.000 ha rừng. Năm 2023, đơn vị được chi trả 8,2 tỷ đồng tiền bán tín chỉ carbon.
Với số tiền này, đơn vị chi 10% nguồn kinh phí được phân bổ cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, như: mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác quản lý, hỗ trợ xăng dầu cho xe, thuyền khi tuần tra truy quét… Số còn lại sẽ hỗ trợ người dân trên địa bàn tham gia bảo vệ rừng và xây dựng các mô hình sinh kế”.
Thay đổi tư duy người dân sống gần rừng
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Long – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm kiêm Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Bình, chia sẻ: “Số tiền bán tín chỉ carbon của địa phương đã phân bổ cho các đơn vị chủ rừng trên địa bàn khá lớn. Các nguồn hỗ trợ nói chung và từ bán tín chỉ carbon nói riêng sẽ góp phần giảm áp lực về công tác bảo vệ rừng cho lực lượng Kiểm lâm và các chủ rừng, giảm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, khả năng phòng hộ của rừng, nhận thức bảo vệ rừng của bà con ngày càng được nâng cao”.
Ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Truyền thống của người dân nhiều địa phương giáp rừng thường lấy việc sống dựa vào rừng là chính. Vì thế, giá trị lớn nhất của việc bán tín chỉ carbon không chỉ là tiền mà chính là việc thay đổi tư duy của người sống gần rừng”.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng có thể thu được tiền và giá trị tiền cũng không kém việc khai thác sản vật từ rừng, từ đó thay đổi tư duy, người dân sẽ không còn tác động tiêu cực đến rừng.
Tỉnh Quảng Bình có chủ trương mở rộng diện tích rừng khai thác trữ lượng carbon thêm với cả rừng trồng, đưa trữ lượng thu được toàn tỉnh có thể lên gấp đôi, mức tiền được trả cũng sẽ tăng cao.
Định hướng chính sẽ mở rộng diện tích rừng trồng theo chứng chỉ FSC (chứng chỉ của Hội đồng quản lý rừng, sản xuất gỗ được kiểm soát các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và kinh tế).
Quảng Bình hiện có trên 590.000ha rừng, trong đó trên 469.000ha rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng 68,70%, chất lượng rừng ở Quảng Bình còn khá tốt, trữ lượng trên 50 triệu m3. Rừng tự nhiên của tỉnh chủ yếu được giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng và các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, UBND cấp xã… quản lý, bảo vệ.
Nguồn: https://danviet.vn/quang-binh-niem-vui-o-nhung-canh-rung-thu-tien-ty-tu-ban-tin-chi-carbon-nghe-nhu-vo-hinh-20241120170242895.htm