LCĐT – Kin Chu Phìn, vùng đất xa xôi nhất xã Nậm Pung (huyện Bát Xát), trước đây được ví như “ốc đảo” giữa núi rừng. Mỗi lần đến nơi này, chúng tôi lại thêm một lần bất ngờ về sự đổi thay của đời sống đồng bào Hà Nhì, Dao nơi đây.
Nhà tường trình đất truyền thống của người Hà Nhì ở Kin Chu Phìn. |
Chuyện kể bên vườn hoa lê
Tỉnh lộ 155 kết nối giữa huyện Bát Xát với thị xã Sa Pa, đi từ ngã ba Cán Tỷ, xã Bản Xèo (Bát Xát) sang xã ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa) khá thuận lợi vì đường rải nhựa. Trong chuyến đi lần này, chúng tôi không sang Sa Pa, mà qua ngã ba Cán Tỷ khoảng 10 km rồi rẽ phải theo con đường mới để đến Kin Chu Phìn. Trước đây, muốn đến Kin Chu Phìn phải đi qua xã Mường Hum, ngược dốc vào trung tâm xã Nậm Pung, sau đó đi tiếp vào thôn, đường xa và khó đi. Nay đi theo con đường mới này vừa gần vừa dễ, Kin Chu Phìn vì thế không còn xa xôi với du khách nữa.
Dừng chân ở đầu thôn Kin Chu Phìn 1, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi những vườn lê bung hoa trắng ngần. Từ chục năm trước, cây lê VH6 đã bén rễ đất Nậm Pung và được trồng nhiều nhất ở Kin Chu Phìn, nơi có những quả đồi thoai thoải, đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ quanh năm. Hôm nay, trong khu vườn lê của gia đình, chị Tẩn San Mẩy đang hối hả với công việc hái tỉa mầm lê và chăm sóc để những cây lê đậu nhiều quả. Những cây lê được trồng theo hàng lối, quét vôi trắng ở gốc, cành được đốn tỉa và xòe tán như những chiếc ô. Cành lê nào cũng đầy hoa, những bông hoa nhụy màu tim tím, cánh hoa trắng muốt rung rinh trong gió gọi đàn ong mật bay về.
Chị Mẩy kể: Nhà tôi ở thôn Kin Chu Phìn 1 nhưng vợ chồng ít khi ở nhà mà chủ yếu ở lán để vừa chăm sóc lê, vừa chăn nuôi đàn lợn, đàn gà. Năm 2015, gia đình tôi chọn mảnh đất này làm trang trại, mạnh dạn trồng 600 cây lê. Vất vả chăm sóc 7 năm, cây lê cũng trả công người. Năm 2022, gia đình tôi bán lê thu được hơn 50 triệu đồng. Năm nay lê sai hoa, nếu thời tiết thuận lợi, vườn lê sẽ cho thu nhập gấp đôi năm trước.
Từ vườn lê nhà chị Mẩy, phóng tầm mắt nhìn ra xa là vùng đất được phủ trắng bởi sắc hoa lê. Năm 2022, không chỉ gia đình chị Mẩy mà nhiều hộ khác cũng phấn khởi bởi lê được mùa, được giá. Tháng 7 vào mùa lê chín, gia đình ông Tẩn Sài Lù bán lê được hơn 100 triệu đồng, ông Tẩn Sài Liềm, Tẩn Sài Quáng, Tẩn Vần Kiêm đều thu hơn 50 triệu đồng từ vườn lê. Tính chung cả thôn Kin Chu Phìn 1, Kin Chu Phìn 2 thu hoạch khoảng 40 tấn lê, bán được gần 1 tỷ đồng.
Những vườn lê vừa tạo cảnh quan vừa tăng thu nhập cho người dân Kin Chu Phìn. |
Những triệu phú nông dân
Miền đất Kin Chu Phìn hôm nay đưa chúng tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trước đây, đồng bào Dao, Hà Nhì ở Kin Chu Phìn chỉ trông vào cây ngô, cây lúa, bây giờ ngoài trồng lê, bà con còn mạnh dạn trong phát triển chăn nuôi, đặc biệt là nuôi cá nước lạnh. Còn nhớ năm 2016 khi tôi vào Kin Chu Phìn, nơi đây mới có 2 trại cá hồi, cá tầm mà chủ nhân là người từ thành phố vào đầu tư xây dựng. Trước đó, người dân Nậm Pung chưa bao giờ nhìn thấy con cá hồi vân da lấp lánh ánh bạc hoặc con cá tầm đầu nhọn như măng vầu, nói gì đến việc nuôi cá. Vậy mà chỉ hơn 6 năm sau, Kin Chu Phìn đã trở thành vùng nuôi cá nước lạnh lớn nhất nhì của huyện Bát Xát, với khoảng 20 trại nuôi cá lớn, nhỏ.
Anh Tẩn Láo San, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Pung đưa tôi vào thôn Kin Chu Phìn 2, đi qua bản Hà Nhì với những ngôi nhà đất, xuôi dốc chừng 5 phút là tới suối Nậm Vẩn. Từ lưng chừng dốc nhìn xuống, tôi đã thấy trại cá hồi, cá tầm đang được xây dựng với gần chục ao cá, nằm ngay ven suối. Anh San bảo, gia đình anh học theo người Kinh nuôi cá hồi từ năm 2017 đến nay. Ngoài 4 ao cá ở thôn Kin Chu Phìn 1, mỗi năm bán hơn 3 tấn cá, thu lãi hơn 300 triệu đồng, gia đình đang đầu tư cùng 2 hộ khác xây trại cá hồi mới ở thôn Kin Chu Phìn 2, có thể nuôi được 1,5 vạn con mỗi năm.
Rời trại cá nhà anh San, chúng tôi sang trại cá của gia đình ông Tẩn Phù Quang và ông Tẩn Sin Dùn. Nhìn đàn cá hồi bơi trong bể nước, ông Quang nhẩm tính, nếu vụ cá này thắng lợi, sẽ bán ra thị trường 7 tấn cá, trừ chi phí mua giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh cho cá, lãi khoảng 700 triệu đồng. Thấy tôi có vẻ hoài nghi về số tiền quá lớn, ông Quang cười hể hả: Từ năm 2019 gia đình tôi đã thu lãi 200 triệu đồng từ trại cá hồi. Qua 2 năm dịch Covid-19 giá cá nước lạnh sụt giảm, đến cuối năm 2022 giá cá hồi đạt đỉnh, 1 kg bán được 350 – 400 nghìn đồng, trừ mọi chi phí nuôi cá, gia đình tôi thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Giờ tôi đang đầu tư tiếp 500 triệu đồng để xây thêm một trại cá mới.
Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Pung Tẩn Láo San xác nhận: Mô hình nuôi cá nước lạnh đã giúp một số hộ trở thành triệu phú. Tiêu biểu như năm 2022, ông Lý Sin Dùn thu lãi 800 triệu đồng; ông Tẩn Láo Tả, ông Tẩn Vần Kiêm thu 300 – 400 triệu đồng.
Mô hình nuôi cá nước lạnh giúp nhiều hộ ở thôn Kin Chu Phìn 1 nâng cao thu nhập. |
Đánh thức tiềm năng du lịch
Đến thôn Kin Chu Phìn 1, Kin Chu Phìn 2 hôm nay, câu chuyện về đồng bào Dao, Hà Nhì thay đổi tư duy trong sản xuất, mạnh dạn chuyển sang phát triển cây lê và nuôi cá nước lạnh khiến chúng tôi cảm nhận rõ khát vọng làm giàu của người dân nơi đây. Mặt khác, chính sự thay đổi này đang thêm cơ hội thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Kin Chu Phìn khi tạo ra những giá trị mới và tiếp động lực để Kin Chu Phìn phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Nhiều năm qua, ai đến mảnh đất Kin Chu Phìn cũng ngỡ ngàng với cảnh sắc thiên nhiên và nét đẹp bản sắc văn hóa của vùng đất này. Kin Chu Phìn nằm trong lòng chảo được bao quanh bởi những dãy núi đá hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh, những dòng suối trong vắt và khí hậu mát mẻ quanh năm chẳng khác gì xã Y Tý hoặc xứ sở sương mờ Sa Pa. Từ nhiều đời trước, đồng bào Dao, Hà Nhì ở đây đã khai khẩn đất hoang, đào mương dẫn nước về làm ruộng, tạo nên quần thể ruộng bậc thang tuyệt đẹp.
Tôi không thể quên ấn tượng khi lần đầu đến Kin Chu Phìn cách đây khoảng 10 năm. Tôi đã ồ lên sung sướng khi phát hiện ra khu làng người Hà Nhì với những ngôi nhà đất cổ, mái lợp cỏ mọc rêu xanh đẹp như trong truyện cổ tích. Ấn tượng hơn nữa là khi được gặp những phụ nữ Hà Nhì mặc trang phục thổ cẩm với đường chỉ thêu hoa văn màu xanh và gùi củi bằng sợi dây vải vắt ngang trán. Phụ nữ người Dao thì xúng xính trong bộ trang phục thổ cẩm nhiều sắc đỏ, đính kèm bạc trắng được chạm trổ cầu kỳ.
Chính vẻ đẹp thiên nhiên và nét văn hóa độc đáo của Kin Chu Phìn đã và đang thu hút du khách. Dạo quanh thôn Kin Chu Phìn 1, có hộ đang làm mô hình homestay với những ngôi nhà nhỏ để đón du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, thưởng thức cá hồi, cá tầm và ngắm hoa lê. Vậy là Kin Chu Phìn như nàng tiên núi đã bừng tỉnh sau giấc ngủ dài. Hẹn gặp lại Kin Chu Phìn vào mùa hè, tưng bừng trong lễ hội Khu Già Già của người Hà Nhì, cũng là lúc những chùm lê chín thơm trên cành mời gọi bước chân du khách…