Đặc biệt, đây là một hoạt động sôi nổi được tổ chức thường niên vào tháng Tư tại khắp các trường phổ thông trên toàn thành phố Hà Nội. Hòa trong không khí đó, vào sáng ngày 15/4/2024, Ngày hội đọc sách với chủ đề “Tinh hoa nghệ thuật Việt” đã được long trọng khai mạc tại trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp.
Trước ngày khai mạc Ngày hội đọc sách, nhà giáo Ngô Thị Hồng Hà – Phó Hiệu trưởng trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp đã nhấn mạnh: “Năm nay, Ngày hội đọc sách chọn chủ đề “Tinh hoa nghệ thuật Việt” để tập trung giáo dục truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc đến từng học sinh. Hơn nữa, mục tiêu của Ngày hội này hoàn toàn phù hợp với tinh thần cốt lõi của Chương trình Giáo dục Phổ thông mới, giúp học sinh phát triển toàn diện”.
Nhận nhiệm vụ quan trọng mà Ban Giám hiệu giao phó, tổ Ngữ văn đã tổ chức thành công buổi lễ khai mạc Ngày hội đọc sách, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đại biểu tham dự và học sinh toàn trường.
Đặc sắc nhất của buổi lễ là chương trình văn nghệ hội tụ đầy đủ tinh hoa nghệ thuật ba miền. Một sân khấu mở đã được dàn dựng ngay giữa sân trường, nơi khán giả có thể thưởng thực một cách chân thực nhất các tiết mục văn nghệ vô cùng công phu: màn hát xẩm kết hợp nhảy hiphop đương đại biểu tượng cho nét đặc trưng đồng bằng sông Hồng cùng sự tái hiện cảnh chợ nhộn nhịp trên đất Thăng Long; tiết mục Cá gỗ trẩy kinh thấm đẫm vẻ đẹp nghệ thuật và tâm hồn người miền Trung chịu thương chịu khó mà hiếu học, rất mực tôn sư trọng đạo, ca khúc Bài ca đất phương Nam đưa người xem về vùng Nam Bộ dạt dào sông nước, và bài hát Một vòng Việt Nam là cái kết đẹp cho sự quảng bá tinh hoa nghệ thuật Việt tới các khán giả trẻ tuổi.
Góp phần quan trọng làm nên thành công của buổi lễ khai mạc Ngày hội Đọc sách còn là phần giới thiệu sách vô cùng độc đáo. Cuốn sách được giới thiệu tại Ngày hội đọc sách của trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp năm nay là cuốn “Văn minh Việt Nam” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên.
Cuốn sách đã giới thiệu đến độc giả những nét đẹp phong phú, đa dạng mang tính truyền thống của nền văn minh Việt Nam, với hi vọng khơi gợi ở các độc giả trẻ lòng yêu quý, tự hào về những nét đẹp văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, khách mời và học sinh tham gia Ngày hội đọc sách còn được chiêm ngưỡng các khu vực trưng bày sách, tham dự triển lãm tranh dân gian…Các hoạt động cổ vũ văn hóa đọc được tiếp tục diễn ra xuyên suốt ngày 15/4 và các ngày sau đó. Có thể kể đến các hoạt động như lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Cuốn sách em yêu”, các gian hàng trưng bày, giới thiệu, trao đổi sách đến từ các nhà sách và các tổ chức như Alphabooks, OEA, FPT Afterschool…
Vừa bước ra từ một gian hàng đổi sách lấy cây xanh, em Nguyễn Trúc Linh – học sinh lớp 6E hồ hởi cho biết: “Em rất mong chờ Ngày hội đọc sách. Ngày hội vừa vui vừa bổ ích, giúp em học tốt hơn những tiết học Ngữ văn trên lớp, vì em đã hiểu hơn về văn hóa nước mình”.
Nhà vua Trần Nhân Tông – một vị vua lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam, đã từng có mong ước: “Bán song đăng ảnh, mãn sàng thư ” (Bài thơ Nguyệt), có nghĩa là “Dưới ánh đèn soi là đầy một giường sách”. Truyền thống đọc sách và hiếu trọng việc học đã song hành cùng lịch sử Việt Nam suốt bao thế kỉ, góp phần làm nên sự phát triển của nước nhà. Đó cũng là kì vọng của Chính phủ Việt Nam vào tương lai của đất nước, khi sách trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân. Nhiệm vụ quan trọng ấy một phần trông cậy vào sự giáo dục ở nhà trường phổ thông, nơi lan truyền văn hóa đọc tới các thế hệ học sinh, nơi những Ngày hội đọc sách được tiếp nối hàng năm để góp phần bồi đắp những công dân toàn cầu xứng đáng.
PV