Sau 70 năm kể từ ngày giải phóng, người dân cả nước kỳ vọng và tin tưởng Hà Nội sẽ làm nên một “kỳ tích sông Hồng” để chuyển mình cùng dân tộc.
Hà Nội đang đứng trước những vận hội lớn
“Hà Nội đang đứng trước những vận hội lớn để phát triển mạnh mẽ thành một thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại”, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh trong bài viết tại Hội thảo kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng thủ đô.
Trong Nghị quyết số 15 ngày 5.5.2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã xác định: lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông; xây dựng mô hình thành phố trong thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai). Cùng đó, xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân – Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng…
Những định hướng quan trọng nói trên là cơ hội để Hà Nội tập trung nguồn lực phát triển, thể hiện tầm nhìn và khát vọng xây dựng và phát triển thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị như một “cương lĩnh mới” cho phát triển của Hà Nội trong thời kỳ mới.
Cụ thể hóa Nghị quyết 15, luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua đã mở ra cho Hà Nội được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong tổ chức bộ máy, trong phân cấp, phân quyền, trong huy động và khai thác các nguồn lực, trong thu hút và sử dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao… Cùng đó, Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt trong thời gian tới, mở ra nhiều không gian phát triển mới.
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, đánh giá Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 chính là 2 quy hoạch “trung tâm”, là “trụ đỡ” quan trọng định hướng cho Hà Nội phát triển trong tương lai.
Không chỉ toàn thời cơ “màu hồng”
Trong bài viết nói trên, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cũng thừa nhận Hà Nội “còn rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị” như: tăng trưởng chưa thực sự ổn định, bền vững; các vấn đề về phát triển đô thị, nhiều bất cập nảy sinh trong quá trình đô thị hóa nhanh; mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, nhất là khu vực phố cũ, khu vực nội đô lịch sử; tình trạng quá tải đối với hệ thống hạ tầng KT-XH; khoảng cách giàu – nghèo có xu hướng gia tăng; các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp… Đây là những thách thức Hà Nội phải giải quyết và phải giải quyết nhanh để đạt được mục tiêu thành phố “văn hiến – văn minh – hiện đại”.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội có nhiều định hướng phát triển đã được đặt ra nhưng nhiều điều vẫn không thực hiện được. Trong đó tồn tại lớn nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng. Đây là đột phá cần thiết nhất cho sự phát triển của thủ đô nhưng vì nhiều lý do chủ quan, khách quan nên làm chưa tốt. “Cạnh đó là mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh và chùm sinh thái cũng chưa thực hiện được, nên chưa tạo ra sự hấp dẫn của đô thị vệ tinh làm giảm áp lực ở đô thị nội đô”, ông Nghiêm phân tích.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, thẳng thắn cho rằng trong giai đoạn vừa qua, Hà Nội đã không – chưa tận dụng và phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế phát triển rất to lớn của mình. Một trong các nguyên nhân là do cách tiếp cận phát triển từ tương lai chưa được chú trọng đúng mức, bị cách tiếp cận tĩnh, chủ yếu căn cứ vào năng lực hiện tại và các giá trị truyền thống, lấn át. “Lập luận này giải thích tình trạng phát triển chậm chạp hiếm thấy của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, hay tiến trình khởi sự đầy khó khăn của hoạt động khởi nghiệp – đổi mới – sáng tạo ở thủ đô”, ông Thiên phân tích.
Quan trọng hơn, với tư cách là địa phương có những đặc điểm riêng, có sứ mệnh đặc thù, có điều kiện, năng lực phát triển vượt trội, cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa được trao quyền “đúng vai”. Điều này dẫn tới không gian chủ động, sáng tạo của Hà Nội trong việc triển khai, thực thi đường lối, chiến lược và quy hoạch phát triển chưa được xác định đầy đủ, rõ ràng, bị hạn chế. “Cơ bản giống như các địa phương khác trong cả nước, xin – cho và hành chính hiện vẫn là cơ chế chủ đạo trong phân bổ nguồn lực và quản lý phát triển thủ đô”, ông Thiên nói.
Với tinh thần khởi động quỹ đạo phát triển mới, luật Thủ đô mới và Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chứa đựng nhiều giải pháp vượt thoát tình trạng thể chế nói trên. “Nhưng mọi chuyện chỉ mới bắt đầu. Khó khăn thực thi chưa bộc lộ đầy đủ, trong khi những đòi hỏi đột phá và hoàn thiện thể chế trên quan điểm phân quyền và trao quyền để đáp ứng các yêu cầu phát triển hiện đại là rất cao”, ông Thiên bày tỏ.
Định hình “kỳ tích sông Hồng”
Hướng tới mục tiêu phát triển thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại”, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài xác định cần phải thực hiện đồng bộ hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm, từ bảo vệ môi trường, cảnh quan; phát triển đô thị và nông thôn cho tới phát triển kinh tế.
Bà Hoài nhấn mạnh nhiệm vụ giải quyết căn bản ô nhiễm môi trường không khí và môi trường nước; xóa bỏ tình trạng ngập, úng cục bộ; xử lý nước thải, làm sống lại các dòng sông; tạo cảnh quan môi trường đặc sắc của thủ đô với sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm, là không gian văn hóa, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Cùng đó là phát triển giao thông công cộng, cơ bản hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu qua sông Hồng trước năm 2035; giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ và khu vực nội đô.
Về kinh tế, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. Hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước năm 2030. Cạnh đó, ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, các ngành mới nổi.
Về phát triển văn hóa, xã hội, KH-CN và đổi mới sáng tạo, bà Hoài nhấn mạnh việc hình thành các không gian văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Đồng thời, có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội về thu hút, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân tài, đặc biệt là các chuyên gia bậc cao, những nhà phát minh, sáng chế trong nước và trên thế giới đến sinh sống, làm việc tại Hà Nội…
Nhưng để những phác thảo nói trên định hình thành bức chân dung của Hà Nội tương lai như một “kỳ tích sông Hồng” cần những nỗ lực vượt trội.
Nhấn mạnh vai trò của thể chế như một giải pháp vượt trội tạo bước ngoặt phát triển cho Hà Nội, PGS-TS Trần Đình Thiên gợi ý thay vì xin cơ chế đặc thù, Hà Nội cần tiếp cận theo hướng xin cải cách thể chế. Theo ông, Hà Nội cần đề xuất cơ chế khuyến khích phát huy tài năng sáng tạo, thu hút đầu tư đẳng cấp với những giải pháp khác thường.
“Logic hành chính, xin cho như vẫn được sử dụng để phân bổ nguồn lực hiện nay chỉ làm triệt tiêu các cơ hội tạo động lực. Ở đây, thực sự cần cách tiếp cận đột phá để đề xuất cơ chế vượt trội, thậm chí khác thường. Nếu không, khó mà hình dung cách Hà Nội phát huy lợi thế ngàn năm văn hiến, hội tụ tinh hoa trong không gian hiện đại”, ông Thiên phân tích.
Theo logic đó, Hà Nội cần hiện thực hóa các quyền thể chế mở rộng, mới được thể chế hóa bằng luật Thủ đô. Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN cho rằng luật Thủ đô đã xác lập những bước tiến quan trọng về phân quyền và trao quyền cho chính quyền Hà Nội, trao thêm quyền sáng tạo – chủ động cho người dân và các chủ thể phát triển của thủ đô. “Tuy nhiên, hiện thực hóa những bước tiến, dù đã được “thể chế hóa” đòi hỏi những điều kiện và năng lực mới”, ông Thiên chốt lại.
Phải làm cho sông Hồng trở thành “kỳ tích”
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, đánh giá việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình điều chỉnh chung xây dựng thủ đô nhằm sớm đưa thủ đô phát triển đồng bộ, văn minh, hiện đại, bền vững. Nhất là trong bối cảnh nhiều quận trung tâm không còn quỹ đất để phát triển nhằm phục vụ an sinh xã hội.
“Vì vậy, cần có các giải pháp đột phá và hiệu quả để sớm có dự án về phát triển không gian nhất là khai thác đất bãi, bãi giữa sông Hồng vào mục đích cho dịch vụ du lịch, công viên giải trí của người dân, để sông Hồng phải trở thành kỳ tích sông Hồng Hà Nội”, ông Chính nói.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/niem-tin-ha-noi-lam-nen-ky-tich-song-hong-185241009225947538.htm