Thứ nhất, cần bỏ tư duy xem giáo viên mầm non là “người trông trẻ”, như cách gọi trông chiếc xe đạp, xe máy vậy. Cách gọi này vừa hạ thấp tính chuyên nghiệp, vừa thể hiện sự coi thường đối với giáo viên mầm non, dẫn đến thái độ và hành vi ứng xử không tôn trọng của chính phụ huynh gây thêm những ấm ức cho họ. Có thể chính những ấm ức bị dồn nén lâu ngày đó sẽ dẫn theo cơ chế “giận cá chém thớt” lên những đứa trẻ. Với những đứa trẻ chưa biết nói, mới chỉ 17-18 tháng tuổi, người chăm sóc luôn phải đáp ứng rất nhiều kỹ năng ngoài việc trông giữ trẻ từ việc cho ăn, huấn luyện giấc ngủ, luyện đi vệ sinh, tắm rửa cho trẻ, tương tác ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi của trẻ, hay đòi hỏi phải hiểu và có kỹ năng sơ cứu, xử lý các tình huống khẩn cấp như hóc dị vật…
Không chỉ kỹ năng, người chăm sóc trẻ ở độ tuổi càng nhỏ thì càng phải đáp ứng các phẩm chất cơ bản như là người có hứng thú với sự phát triển và tình yêu thật sự với những đứa trẻ (không chỉ yêu những đứa trẻ xinh đẹp và ngoan ngoãn mà yêu cả những đứa trẻ khiếm khuyết, thiệt thòi, nghịch ngợm). Những người chăm sóc trẻ chuyên nghiệp phải là những người đáng tin cậy. Họ phải chứng minh được rằng có khả năng giữ bình tĩnh trong mọi tình huống căng thẳng; dùng lý trí để chuyển hóa cảm xúc tiêu cực…
Muốn trở thành người chăm sóc trẻ, giáo viên phải có đủ trình độ văn hóa nhận thức để hiểu trẻ dưới 18 tháng tuổi chưa biết nói, chúng sẽ lè nhè, rên rỉ, muốn ta chú ý đến chúng, muốn ta chơi cùng hoặc thể hiện sự thất vọng như đang chơi và không muốn rời khỏi chỗ chơi. Hành vi của trẻ không phải là sự thù hằn, có tính gây tổn thương cho người lớn. Điều người chăm sóc trẻ cần làm là cố gắng hiểu chúng muốn gì và dạy trẻ cách biểu đạt những gì chúng đòi hỏi, chứ không phải trừng phạt chúng bằng đòn roi máu lạnh.
Mặc dù giáo viên mầm non không cần yêu cầu năng lực học thuật cao (Luật Giáo dục năm 2019 quy định giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm mầm non trở lên) nhưng lại đòi hỏi năng lực, kiến thức chăm sóc trẻ tốt và phẩm chất, tấm lòng của người mẹ nên họ cần phải được coi như một nghề chuyên nghiệp. Cha mẹ phải dành sự tôn trọng xứng đáng và biết ơn họ vì họ đã chăm sóc con chúng ta với giá cả của lao động phổ thông (khoảng 18.000-20.000 đồng/giờ).
Thứ hai, qua vụ việc, chúng ta nhìn thấy quá nhiều sự tắc trách của các bên liên quan đã dẫn đến hậu quả không thể vãn hồi là một trẻ em đã ra đi mãi mãi. Sự tắc trách đầu tiên đến từ cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương. Vụ việc xảy ra ở một nhóm trẻ tự phát và cơ sở này hoạt động trái phép, điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm an toàn, ẩm thấp mất vệ sinh, nhiều nguy cơ gây bệnh cho trẻ. Bảo mẫu thiếu kiến thức, năng lực, không được đào tạo đã bị Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín lập biên bản hai lần, nhưng tại sao vẫn tiếp tục hoạt động.
Tiếp đến là sự tắc trách của cha mẹ khi phó mặc con vào môi trường không an toàn, không tìm hiểu cơ sở trông giữ trẻ có đủ điều kiện và được cấp phép. Cha mẹ cũng thiếu trách nhiệm khi không tìm hiểu người chăm sóc con mình có đủ năng lực kiến thức đáp ứng điều kiện hành nghề hay không. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể bị xử lý trách nhiệm vì đã không quan tâm và nhận ra các dấu hiệu nguy cơ con bị bạo hành dẫu đứa trẻ đã chịu đựng bạo hành trong một thời gian.
Cuối cùng là sự tắc trách từ chính quyền địa phương. Giáo dục của chúng ta chịu nhiều tổn thương sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là đối với giáo dục mầm non. Chúng ta đã biết trước và dự báo những khó khăn, thiếu thốn nguồn lực giáo viên mầm non nhưng các địa phương đã làm gì trước thực trạng này? Liệu đã có những giải pháp cụ thể nào được triển khai để hỗ trợ con cái người lao động trong bối cảnh trở lại với bình thường mới phải cố gắng gấp đôi, gấp ba để phục hồi lại nền kinh tế?
Liệu sau mỗi vụ việc xảy ra, các cơ quan bảo vệ trẻ em lại thể hiện sự phẫn nộ, lại khuyến nghị phải kiểm tra, rà soát lại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không đăng ký, chưa đủ điều kiện cấp phép để đình chỉ là đã đủ tận tâm? Chỉ cấm và đóng cửa thôi thì con cái người lao động sẽ được gửi ở đâu. Các giải pháp cấp bách và lâu dài thế nào để bảo đảm việc chăm sóc trẻ mầm non đáp ứng chuẩn và không để sự việc xảy ra thì chưa thấy trở thành trọng tâm của các bàn luận.
Ví dụ, chúng ta cần các giải pháp hỗ trợ tài chính và cơ chế để thu hút nhiều nhà đầu tư triển khai các cơ sở giáo dục mầm non. Quy hoạch và đặt hàng với các trường đại học, cao đẳng sư phạm để đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn cho địa phương. Xây dựng phương án khai thác tận dụng nguồn nhân lực sinh viên năm thứ 4 các ngành cử nhân sư phạm mầm non trong quá trình thực hành nghề nghiệp dưới sự giám sát của giáo viên đại học có thể cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ cho cộng đồng. Xây dựng chứng chỉ hành nghề bảo mẫu để đào tạo và trang bị kiến thức tối thiểu cho những người cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ.
Chúng ta cũng cần học tập kinh nghiệm quốc tế để tăng cường tầm soát, phòng ngừa những nguy cơ gây hại từ người lớn đối với các dịch vụ chăm sóc trẻ như thế này. Bản thân tôi trong quá trình đi du học tại Mỹ ngành tâm lý học, khi đi xuống trường thực hành tham vấn tâm lý cho học sinh, tôi bắt buộc phải trải qua quá trình kiểm tra lý lịch tư pháp và trả lời một số bảng hỏi về nhân cách để loại trừ tất cả những nguy cơ gây hại cho những đứa trẻ. Chẳng hạn, trắc nghiệm nhân cách chỉ ra bạn là một người có xu hướng lo âu và khó kiểm soát cảm xúc; bạn đã từng bị lạm dụng trong quá khứ hoặc có những hành vi bạo lực với bạn bè thời phổ thông cũng sẽ bị loại khỏi danh sách được xuống gặp trực tiếp học sinh.
Còn đối với các bạn trẻ đang định hướng nghề nghiệp tương lai của mình trở thành giáo viên mầm non thì cần nhớ rằng đây là một nghề cần sức khỏe dẻo dai, tâm hồn của nghệ sĩ và tấm lòng của người mẹ. Nếu bạn không thực sự yêu trẻ con hoặc chỉ cảm thấy yêu thương những đứa trẻ sạch sẽ, thơm tho, ngoan ngoãn thôi thì đừng chọn nghề này. Nếu bạn nghĩ đây chỉ là một nghề để kiếm tiền mưu sinh phù hợp với năng lực học tập của mình thôi thì cũng đừng làm. Nếu bạn cảm thấy tính cách của mình thiếu kiên nhẫn, không tỉ mỉ, thiếu sáng tạo, kém giao tiếp, thiếu trách nhiệm thì cũng đừng làm nghề. Vì sớm muộn nó cũng sẽ dẫn đến những sơ suất nghề nghiệp tạo nên những hậu quả không thể vãn hồi, không những ảnh hưởng đến những đứa trẻ mà còn cắt đứt tương lai của chính bạn.
PGS, TS TRẦN THÀNH NAM, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội