Với ý tưởng giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, gắn bó với đồng ruộng, năm 2021, Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Nam Đại Dương, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) được thành lập. Đến nay, HTX đã có nhiều sáng kiến độc đáo ứng dụng vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao.
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm gạo mầm tươi của Hợp tác xã Thanh niên Nam Đại Dương, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng). |
Thật “khó” để gặp được anh Lương Văn Trường, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương, cũng là tác giả của rất nhiều sáng kiến độc đáo phục vụ sản xuất nông nghiệp bởi hầu hết thời gian anh dành cho việc nghiên cứu, hỗ trợ các mô hình ứng dụng và tham gia các diễn đàn khoa học liên quan đến lĩnh vực hoạt động của HTX ở trong và ngoài nước. Quá trình trải nghiệm công việc trồng lúa từ lúc sinh ra và lớn lên, anh Trường nhận thấy phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống manh mún, nhỏ lẻ và có rất nhiều khó khăn, vất vả cho người nông dân trực tiếp sản xuất. Khao khát của anh là xóa bỏ những ô thửa nhỏ để phát triển sản xuất quy mô lớn trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay, sử dụng máy móc thay thế sức lao động của con người. Tốt nghiệp ngành công nghệ sau thu hoạch của Trường Đại học Đà Lạt năm 2011, anh Trường được tham gia Dự án Quốc gia 600 Phó Chủ tịch UBND xã trẻ giai đoạn từ năm 2012-2016; được nhận nhiệm vụ phụ trách nông lâm nghiệp tại xã Lử Thẩn, huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai). Năm 2017, sau khi hoàn thành nhiệm vụ Đề án, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp để thực hiện khát khao của mình. Với sức trẻ đầy đam mê và hoài bão lại được sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền xã Tân Thịnh (Nam Trực), anh Trường thuê được 7ha đất nông nghiệp, thành lập “Nông trại Cờ Đỏ” để trồng lúa. Sản xuất quy mô lớn, ban đầu anh đã gặp rất nhiều khó khăn, có thời điểm toàn bộ diện tích lúa bị mất trắng do mưa nhiều, không kịp tiêu thoát nước, gieo giống xong lại mưa, nên giống chết; ngâm hạt giống để gieo tiếp thì nước chưa rút, giống lại thối. Anh Trường mất trắng 4-5 tấn thóc giống, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Rồi thiệt hại do thiên địch và đất đai chưa được cải tạo tốt… Nhưng cũng từ thất bại đó, đã giúp anh càng khẳng định chìa khóa để thành công chính là có giải pháp sản xuất tốt. Do đó anh đã cùng các cộng sự của mình tập trung vào nghiên cứu các giải pháp sản xuất và thành lập HTX Thanh niên Nam Đại Dương. Đây cũng chính là thời điểm anh cho ra đời nhiều giải pháp cải tiến kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa. Trong đó một số giải pháp đã được Nhà nước và thị trường công nhận như: Quy trình sản xuất hạt giống nảy mầm siêu tốc, kỹ thuật trồng lúa không cày bừa, thuốc diệt ốc bươu vàng từ phụ phẩm nông nghiệp, máy chăm sóc lúa 3 trong 1, gạo mầm tươi… Trong đó giải pháp sản xuất hạt giống nảy mầm siêu tốc nhằm đưa hạt giống đã nảy mầm về dạng khô, khi sử dụng không cần ngâm ủ mà mang gieo trực tiếp, hạt giống sẽ trở lại trạng thái nảy mầm trong 30 phút. Theo anh Trường ưu điểm của giải pháp này là hạt giống nảy mầm nhanh lại ở dạng khô nên chịu lực va đập tốt, người dân dễ dàng sử dụng mà không bị gãy mầm hay thối, hỏng như cách ngâm ủ hạt giống truyền thống; Chi phí sản xuất công nghiệp chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, trong khi nếu người nông dân ngâm ủ hạt mầm tươi thì chi phí cho 1kg (gồm công, vật tư, nước, điện…) phải mất tối thiểu 10 nghìn đồng. Theo các chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp như của Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN và PTNT) và tổ chức PUM (Hà Lan) thì Việt Nam đang trồng khoảng 7 triệu ha lúa, cần khoảng 700 nghìn tấn giống mỗi năm. Nếu thực hiện theo quy trình này sẽ tiết kiệm khoảng hơn 3.000 tỷ đồng và hàng triệu công lao động mỗi vụ. Giải pháp này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận quyền tác giả số 10205/2020/QTG; được chấp nhận đơn đăng ký sáng chế tháng 2-2021. Sản phẩm hạt giống nảy mầm siêu tốc của anh Trường đang được các tập đoàn sản xuất lúa giống hàng đầu tại Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài quan tâm, liên hệ hợp tác sản xuất bởi có tính đột phá về công nghệ, chi phí thấp nên có tính cạnh tranh thương mại cao, dễ dàng tích hợp với các công nghệ sẵn có của đơn vị sản xuất hạt giống; chuyển hạt giống cận thời hạn sử dụng, quá hạn sang sản phẩm mới giá trị cao hơn; thời hạn sử dụng kéo dài (6 đến 12 tháng), bảo quản đơn giản và áp dụng được trên nhiều loại hạt giống khác nhau. Trong chuỗi các sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) vùng đồng bằng sông Hồng năm 2023 tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh đã đề nghị Liên minh Ảnh hưởng Đông Nam Á hỗ trợ phát triển, nâng cấp và nhân rộng giải pháp của dự án. Từ công nghệ sản xuất hạt mầm siêu tốc, anh Trường đã nảy ra ý tưởng sản xuất gạo mầm tươi với giá trị dinh dưỡng cao giúp hỗ trợ kiểm soát mỡ máu và phòng ngừa xơ vữa động mạch, hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa, chống ô-xy hóa, làm chậm quá trình lão hóa. Sản phẩm gạo mầm tươi có thể dùng để nấu cơm, rang làm trà, cốm gạo lứt, làm sữa gạo, chế biến bột ăn dặm cho trẻ nhỏ và làm nguyên liệu sản xuất bột dinh dưỡng… Với những lợi ích đó nên sản phẩm gạo mầm tươi của HTX khi đưa ra thị trường được đông đảo người tiêu dùng tiếp nhận. Năm 2021, anh Trường đã được Trung ương Đoàn trao tặng Bằng khen “Đoàn viên, thanh niên có công trình, giải pháp, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu toàn quốc”. Sản phẩm của anh lọt Top 10 cuộc thi khởi nghiệp quốc gia năm 2021, trở thành Đại sứ chương trình: Dự án phát triển xã hội bền vững SEF 2021. Dự án “Nông trại Cờ Đỏ” của anh đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức và anh vinh dự được trao Giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc năm 2021.
Từ khát vọng “làm cho nông dân nhàn hơn” của anh Lương Văn Trường, đến nay, HTX Thanh niên Nam Đại Dương mở rộng quy mô sản xuất với diện tích lên đến 40ha tại các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc và Vụ Bản; doanh thu mỗi năm đạt 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 50-70 lao động. Thời gian tới, anh Trường cùng HTX Thanh niên Nam Đại Dương sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cải tiến, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, chống thoái hoá đất sản xuất và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, HTX sẽ tiếp tục nghiên cứu cải tiến, mở rộng sản xuất, phấn đấu đưa công nghệ hạt giống nảy mầm siêu tốc và gạo mầm tươi thành sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh và của toàn quốc; đồng thời xuất khẩu gạo mầm tươi và công nghệ hạt giống nảy mầm siêu tốc, góp phần khẳng định giá trị nông sản và công nghệ nông nghiệp của Việt Nam trên thế giới./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương