QUẢNG BÌNH Nhờ canh tác trồng bưởi theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, nhiều hộ dân có thu nhập tiền tỷ từ vùng đất gò đồi trước đây sản xuất kém hiệu quả.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lương thực, cây lâm nghiệp sang trồng cây bưởi trên vùng gò đồi. Với phương thức canh tác nông nghiệp sạch, hướng hữu cơ nên cây bưởi ngày càng có chất lượng, cho nông dân thu nhập cao.
Gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa) có khoảng 2ha đất đồi. Sau nhiều năm luân phiên trồng lạc, ngô, lúa kém hiệu quả, ông Minh đã mạnh dạn đưa giống bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) về trồng. Những năm gần đây, ông canh tác bưởi theo hướng hữu cơ, sử dụng phân chuồng ủ hoai bón cho cây trồng và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Toàn bộ gốc bưởi của ông đều được đánh số thứ tự từ 1 đến 650 và các lô khoảnh tùy theo độ dốc của đất hoặc vùng cao thấp theo triền núi. Ông Minh cho hay: “Làm như thế để kiểm soát dễ dàng cây khi chăm bón hoặc phát hiện sâu bệnh thì xử lý cũng gọn hơn. Vào vụ thu hoạch, thương lái đến đánh giá từng lô cây mà định giá mua”.
Khi cây bưởi ra hoa, ông Minh chỉ sử dụng các loại chế phẩm sinh học cho vào chai nhựa và treo lên các cành bưởi. Các loại côn trùng, bướm gây hại ngửi mùi chế phẩm mà bay vào chai. Khoảng một tháng ông lại thay chế phẩm để diệt côn trùng gây hại hoa và quả non.
Bưởi của gia đình ông Minh không chỉ có khách trong vùng mà phần lớn là các thương lái từ tỉnh Hà Tĩnh vào đặt mua từ trước. “Họ định giá xong là tự thu hoạch, đóng bao và vận chuyển đi. Gia đình tôi chỉ hỗ trợ họ phần nào thôi. Thu nhập từ vườn bưởi năm nào được mùa, được giá thì cũng được tỷ bạc. Năm nào thấp cũng được 500 – 600 triệu đồng” – ông Minh cho hay.
Cũng ở trên vùng đồi Kim Hóa, anh Trương Văn Sơn có diện tích trồng bưởi theo hướng hữu cơ rộng hơn 3ha. Vườn bưởi của anh Sơn cũng được quy hoạch thành từng khoảnh để dễ chăm sóc và quản lý.
Trước mỗi kỳ bón phân cho bưởi, anh Sơn mua phân chuồng từ các trang trại về phối trộn theo tỷ lệ với vôi bột để khử khuẩn gây hại và ủ hoai. Trước khi bưởi ra hoa, anh thuê nhân công rẫy cỏ, đào quanh gốc theo tán lá để bón phân hữu cơ đã ủ hoai. “Vườn chúng tôi cũng hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chuyên dùng chế phẩm sinh học để phun cho cây khi phát hiện có hiện tượng sâu bệnh hại” – anh Sơn cho hay.
Ngoài trồng bưởi, trang trại của anh Sơn còn trồng thêm các loại cam, chanh. Mỗi năm, gia đình anh cũng có thu nhập tiền tỷ từ bưởi, cam, chanh. Để sản phẩm ổn định về chất lượng và tạo niềm tin với khách hàng, anh Sơn đã xây dựng thương hiệu “bưởi Kim Lũ”, “cam Kim Lũ” cho vườn nhà. “Sản phẩm của trang trại chúng tôi có mã số, tem truy xuất nguồn gốc để khách hàng tin tưởng về sản phẩm nông nghiệp an toàn” – anh Sơn nói.
Từ mô hình vườn bưởi VietGAP trên địa bàn có hiệu quả cao, xã Kim Hóa đã thực hiện chuyển đổi trên 30ha đất vườn tạp, đất trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng bưởi Phúc Trạch theo hướng hữu cơ. Địa phương này cũng quy hoạch vùng trồng cây có múi nhằm hỗ trợ người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế.
Ông Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Hóa cho hay: “Chúng tôi tổ chức tập huấn cho hội viên và những người thực hiện mô hình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và tiêu chuẩn VietGAP vào quá trình canh tác cây bưởi nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả”.
Từ hiệu quả các mô hình trồng bưởi hướng hữu cơ, huyện Tuyên Hóa đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng bưởi tại các xã Sơn Hóa, Hương Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch.
Đến nay, toàn huyện Tuyên Hóa đã có trên 70ha bưởi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho hay: “Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động bà con thành lập hợp tác xã để phát triển thương hiệu bưởi Tuyên Hóa ngày càng lớn mạnh hơn”.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/nhung-vuon-buoi-tien-ty-o-vung-dat-go-doi-d384938.html