Chưa khi nào sân khấu dành cho các bạn nhỏ tại TP HCM lại sôi nổi như dịp hè năm nay, hầu như các đơn vị nghệ thuật đều công diễn vở mới.
Kịch bản hay, công nghệ mới
Các đơn vị nghệ thuật tại TP HCM sẽ phục vụ khán giả “nhí” nhiều vở diễn hay, hấp dẫn, có tính giáo dục cao như: “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Huyền thoại mắt thần” (Nhà hát kịch IDECAF), “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” (Sân khấu Sen Việt), “Trạm cứu hộ động vật hoang dã” (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM), chương trình xiếc “Ầu ơ – thanh âm đầu đời” (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam), “Truyện thần tiên 2 – Mễ Cốc phiêu lưu ký” (Sân khấu Trương Hùng Minh), “Colora – Xứ sở rực rỡ” (Sân khấu Ban Mai), Nhạc kịch “Đảo muôn màu – cuộc thử thách sinh tồn” (Sân khấu Quốc Thảo), “Cá chép hóa rồng” (Sân khấu múa rối nước Bảo tàng Lịch sử)…
Nhiều đơn vị đã đầu tư tiền tỉ cho sân khấu như Nhà hát kịch IDECAF và Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh để tạo sự mới lạ, hấp dẫn cho vở diễn nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của số đông khán giả nhỏ tuổi hiện nay. Nghệ sĩ Việt Hương quyết định đầu tư lớn cho dàn ghế có độ rung và hệ thống phun tuyết trong khán phòng rạp Vườn Lài (quận 10) chỉ để phục vụ cho một lớp diễn duy nhất trong vở “Mễ Cốc phiêu lưu ký” do chính Việt Hương làm đạo diễn.
“Do các em bây giờ đã xem nhiều chương trình sân khấu quốc tế dành cho thiếu nhi trên mạng xã hội nên vở diễn phải có sự đầu tư mang tính đột phá về kỷ xảo công nghệ mới có thể hấp dẫn được các em nhỏ” – nghệ sĩ Việt Hương bày tỏ.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Nhà hát kịch IDECAF) cũng đầu tư 1,7 tỉ đồng cho việc dàn dựng chương trình “Ngày xửa, ngày xưa” lần thứ 35 tại Nhà hát Bến Thành. “Sau một ngày mở bán vé trên mạng online đã có hơn 10.000 vé được bán hết. Năm nay tôi đặt hàng 2 nghệ sĩ Đình Toàn, Quang Thảo phải tạo sự độc đáo mang tính bứt phá và trong sáng tạo cũng phải vận dụng yếu tố mới từ kỹ xảo, công nghệ, đèn hiệu ứng để phục vụ diễn xuất của diễn viên, từ đó tạo sự lung linh, hấp dẫn cho câu chuyện cổ tích có tính chất xuyên không gian, thời gian” – ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nói.
Có thể nói, thành công của Nhà hát kịch IDECAF và Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh là cả một quá trình lao động nghệ thuật không đơn giản. Đó là sự dung hòa hợp lý giữa nguồn vốn đầu tư, cách vận dụng công nghệ để làm mới sản phẩm. Một điều quan trọng nữa là cách diễn, cách dàn dựng phải phù hợp, nhất là dàn dựng vở lịch sử.
Khan hiếm kịch bản dành cho thiếu nhi
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết sân khấu hiện nay gặp vấn đề nan giải là khan hiếm kịch bản dành cho khán giả thiếu nhi. Các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi ít, chất lượng chưa đồng đều, nhiều vở chạy theo tính giải trí quá lố làm giảm đi yếu tố văn hóa, giáo dục. Chưa kể những bài học lồng ghép trong vở còn gượng ép, chưa thiết thực, chưa phát huy được hết tác dụng, vai trò quan trọng trong việc định hướng nhân cách, lòng yêu nước và sự hiểu biết về văn hóa dân tộc.
Với nhiều năm kinh nghiệm phục vụ khán giả thiếu nhi, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho rằng việc phát triển sân khấu dành cho khán giả “nhí” là rất cần thiết bởi đó là thế hệ khán giả tương lai của sân khấu TP HCM.
Theo NSƯT Minh Nhí, từ khi làm bầu sô, ông thấy mình thiếu sót lớn khi không đầu tư chương trình dành cho thiếu nhi. Từ đó “Truyện thần tiên” đã ra đời. “Khâu kịch bản rất quan trọng. Chúng tôi làm rất kỹ công đoạn này, không để diễn viên thoại ẩu, thoại ngoài lề, mất đi tính giáo dục và thẩm mỹ của vở diễn dành cho các em” – NSƯT Minh Nhí nhấn mạnh.
NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, bày tỏ mong muốn các ban, ngành, từ Trung ương đến địa phương, nhất là ở TP HCM – trung tâm văn hóa lớn của cả nước, cần quan tâm, vào cuộc để phát triển sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng, từ xây dựng cơ sở vật chất, cho đến nguồn kinh phí, đào tạo nhân lực…, để sân khấu có nhiều tác phẩm hay đến với công chúng, đặc biệt là các khán giả thiếu niên, nhi đồng.
“Cuối năm 2023, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã phát động cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng và đạt được những kết quả tốt, có nhiều vở diễn từ cuộc vận động sáng tác đưa lên sân khấu ngay trong năm 2024, nhưng như vậy là chưa đủ. Phải có sự liên kết đào tạo nguồn nhân lực làm sân khấu dành cho thiếu nhi” – NSND Giang Mạnh Hà nêu ý kiến.
Sân khấu miền Bắc hè này, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ chào đón khán giả “nhí” bằng vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga”, “Chú mèo dạy hải âu bay”. Bên cạnh đó còn có chuỗi chương trình “Mùa hè yêu thương”, gồm 4 vở diễn: “Bữa tiệc của Elsa”, “Vị vua không ngai”, “Giải cứu bà nội”, “Zorba – chú mèo thám tử”. Ngoài ra, với hình thức mới tạo sự trải nghiệm đa dạng dành cho thiếu nhi còn có các vở, như “Tấm Cám – Bống bống bang bang” (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), “Lời bà kể” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Màu của ước mơ” (Nhà hát Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Hà Nội), “Cây tre trăm đốt” và “Nắm xôi kỳ diệu” (Nhà hát Chèo Hà Nội)…
Nguồn: https://nld.com.vn/nhung-vo-dien-hay-cho-khan-gia-nhi-dip-he-196240605214619226.htm