Những viên gạch đặc biệt in hình Quốc huy dùng để xây chùa, công trình ở Trường Sa
Những viên gạch đó là biểu trưng cho sự kiên định bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Cho tới bây giờ, dù đã mấy năm đi qua nhưng không bao giờ tôi quên giây phút ấy. Giây phút đứng tựa lưng vào bức tường gạch màu đỏ ở chùa Song Tử Tây nằm trên đảo Song Tử Tây, thuộc xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa nhìn ra phía biển cả mênh mông.
Thông điệp bảo vệ chủ quyền
Dường như biển và sóng ở đâu vẫn thế, chỉ bức tường gạch đỏ phía sau lưng tôi là đặc biệt. Bức tường được xây bởi những viên gạch có in hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chùa Song Tử Tây xây dựng theo phong cách truyền thống miền Bắc với chánh điện có lợp mái ngói tam quan, chóp vòm cong cong trang trí điêu khắc khá quen thuộc, tượng Phật hướng ra phía biển, hai bên là gian nhà thờ riêng… Những bức tường chắc chắn được xây bằng gạch đỏ tạo lên một ngôi chùa uy nghiêm, tường quanh khuôn viên chùa nổi bật giữa biển xanh.
Trò chuyện cùng những cán bộ, chiến sĩ, người dân sinh sống trên đảo tôi được biết tất cả viên gạch sử dụng để xây chùa Song Tử Tây đều được thiết kế đặc biệt với hình Quốc huy in nổi ở mặt cạnh của viên gạch. Khi xây dựng, các cạnh này được đặt sát nhau, giúp cho hình in ẩn vào phía trong bức tường. Vì vậy, nhìn bên ngoài, bức tường gạch đỏ ấy cũng bình thường như bất kỳ bức tường nào khác. Tôi đã nghĩ rằng những viên gạch đặc biệt này có thiết kế thực sự rất hài hòa bởi nó giúp cho các công trình xây dựng ở Trường Sa vừa đặc biệt lại vừa bình thường.
Nó là thông điệp khẳng định sự kiên định bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc nhưng cũng rất khiêm nhường chứ không khoa trương, phô diễn. Nói cách khác, như từng viên gạch ấy, chúng ta muốn làm bạn với tất cả các quốc gia nhưng cũng kiên định lập trường bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại.
Nhưng không chỉ có chùa Song Tử Tây được xây dựng lên bởi những viên gạch đặc biệt này. Do đặc thù công việc, tôi đã nhiều lần tới Trường Sa và đặt chân lên hầu hết các đảo. Khi trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo thì được biết các ngôi chùa như chùa Sinh Tồn ở đảo Sinh Tồn, chùa Linh Sơn trên đảo Sơn Ca, chùa Trường Sa trên đảo Trường Sa Lớn… cũng được xây dựng bởi những viên gạch đặc biệt có hình Quốc huy.
Ngoài ra, các ngôi chùa trên các đảo ở Trường Sa còn có thêm những điều đặc biệt khác, như cổng chùa (cũng là hướng chánh điện) luôn hướng về thủ đô Hà Nội – trái tim của đất nước. Điều đó làm cho các ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa không chỉ là địa chỉ tâm linh nơi sóng gió đại dương mà còn là cột mốc vững chắc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Bức tường của Tổ quốc
Không hiểu sao khi chạm tay vào những viên gạch đỏ in hình Quốc huy ở Trường Sa, tôi lại nghĩ về viên gạch đỏ mà Bác Hồ từng dùng để sưởi ấm trong ngày mùa đông lạnh giá nơi đất khách quê người trong hành trình đi tìm đường cứu nước.
Dù ở Trường Sa không có mùa đông lạnh giá, dù viên gạch hồng mà Người sưởi ấm không in hình Quốc huy nhưng sợi dây để gắn kết những viên gạch ấy là lòng yêu nước, truyền thống 4.000 năm dựng nước và giữ nước chảy trong huyết quản mỗi người dân Việt Nam. Từ người lính trẻ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa hôm nay cho tới Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tất cả đều có chung một tình yêu ấy. Nếu coi đất nước như một ngôi nhà thì viên gạch mà Người từng sưởi ấm, viên gạch in hình Quốc huy hay những viên gạch xây lên các tòa chung cư, cao ốc, những căn nhà nhỏ bé khác… trên khắp dải đất hình chữ S này chính là một phần không thể thiếu, là mảnh ghép để đất nước ngày càng to đẹp, vững vàng hơn.
Từ trăm năm trước cho tới trăm năm sau, từ Trường Sa xa xôi hay Lũng Cú, Mũi Cà Mau, những viên gạch vẫn ngày ngày được tiếp tục xây dựng thêm nữa. Có lẽ không điều gì gần gũi và thân quen với người dân Việt Nam bằng những viên gạch đỏ. Như chính bản thân tôi cũng vậy. Bức tường gạch đỏ ở Trường Sa xa xôi này cũng giống như bức tường gạch đỏ của con ngõ nhỏ với những chái nhà quay lưng vào nhau ở vùng quê ven dòng sông Đáy ngoại thành Hà Nội của tuổi thơ tôi, cũng như căn nhà tránh lũ của nông dân vùng biên giới Tây Nam rộng lớn tôi qua, cũng như căn nhà cổ ven sông ở phố cổ Hội An nổi tiếng khắp năm châu…
Không hiểu sao tôi cảm thấy rất yên bình khi đứng cạnh những bức tường gạch có in hình Quốc huy dù đang ở giữa biển khơi mênh mông cách đất liền hàng trăm hải lý. Dường như viên gạch ấy mang lại cảm giác gần gũi, cũng như cảm giác an tâm, vững chắc cho bất cứ ai – không chỉ người đã đặt chân lên đảo, tận tay chạm vào viên gạch mà còn tất cả người dân Việt Nam ở mọi miền đất nước.
Bởi mọi người đều biết những viên gạch ấy không chỉ xây lên bức tường của ngôi chùa hay căn nhà mà còn xây lên bức tường của Tổ quốc, của lãnh thổ thiêng liêng bao đời cha ông truyền lại – một bức tường vững chắc giữa muôn vàn sóng gió hiểm nguy nơi đại dương bao la.
Trường Sa đổi thay từng ngày
Theo tìm hiểu, những viên gạch đỏ và các vật liệu xây dựng khác như cát đá, xi-măng, sắt thép, gỗ… để xây chùa ở Song Tử Tây hay những công trình khác ở Trường Sa đều được vận chuyển từ đất liền. Trước đó, các chuyến tàu vận chuyển vật liệu mất từ vài ngày cho tới hàng tuần lễ. Còn những năm gần đây, khi đất nước ngày càng phát triển và tàu lớn được đóng mới đã giúp việc vận chuyển giữa đất liền với các đảo ở Trường Sa thuận tiện hơn.
Nói vậy để thấy để đưa được những viên gạch từ đất liền ra các đảo ở Trường Sa phục vụ công tác xây dựng rất khó khăn, vất vả. Nhưng tất cả vì Trường Sa thân yêu. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng của người dân trên khắp mọi miền đất nước, Trường Sa đang đổi thay từng ngày.
Nguồn: https://nld.com.vn/nhung-vien-gach-mang-hinh-dat-nuoc-196241214195530927.htm