SGGP
“Tôi chưa từng nghĩ những việc làm thầm lặng của mình cho cộng đồng lại được thành phố vinh danh. Càng không nghĩ hành động nhỏ ấy lại cho tôi cơ hội được vào Lăng viếng Bác Hồ và về quê hương của Bác”, bà Phan Thị Kích, ngụ huyện Củ Chi (TPHCM), chia sẻ trong niềm xúc động.
Các thành viên trong đoàn đến thăm quê ngoại Bác Hồ tại làng Hoàng Trù, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An |
Chuyến đi nhiều cảm xúc
Một ngày cuối tháng 11-2023, bà Phan Thị Kích được tham gia hành trình về nguồn do UBND TPHCM phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức. Là người con miền Nam, bà Kích luôn yêu kính, ngưỡng mộ và tôn thờ Bác Hồ. Thế nhưng, mãi đến khi đã bước qua tuổi 57, bà mới có cơ hội được đến thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Bác và đến huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), được tận mắt thấy căn nhà lá đơn sơ, chiếc giường con, mảnh sân và khu vườn nơi Bác Hồ sinh ra, lớn lên.
Trước cảnh vật mộc mạc nhưng đầy trang nghiêm, được tận mắt nhìn thấy các hiện vật còn lưu giữ và qua lời kể của người thuyết minh, bà Kích cùng nhiều đại biểu đã không khỏi bồi hồi, xúc động.
“Trước giờ, tôi chỉ được nghe, thấy Bác qua hình ảnh và phim tư liệu. Nay được tận mắt nhìn thấy căn nhà lá đơn sơ nơi Bác sinh ra và lớn lên, lòng tôi dâng trào cảm xúc. Từ lúc được thông báo tham gia chuyến về nguồn, tôi hồi hộp đếm ngược từng ngày”, bà Kích nói.
Sau khi cùng đoàn vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Anh Đông, 70 tuổi (quê Hà Nội, hiện ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM), nghẹn ngào đưa tay lau giọt nước mắt. Bà nói, đây là lần thứ 2 bà được viếng Bác Hồ. Lần đầu tiên bà viếng Bác là khi đi cùng đoàn học sinh đến tiễn đưa Bác vào năm 1969. “Lần này, về thăm Bác, tôi cùng anh chị em trong đoàn báo công lên Bác những việc làm của mình trong trợ sức cho cộng đồng, xã hội. Tất cả những việc chúng tôi làm đều noi gương Bác”, bà Anh Đông tâm sự.
Trong chiếc áo bà ba và cổ quàng chiếc khăn rằn Nam bộ, bà Nguyễn Bích Thủy (67 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) đưa tay dò tìm tên liệt sĩ các tỉnh miền Nam hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). Dâng nhành hoa cúc trắng lên mộ các nữ liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, bà Bích Thủy nghẹn ngào: “Tôi xúc động và hạnh phúc bởi đây là lần đầu tôi được viếng Lăng Bác, được đi thăm các địa chỉ đỏ. Chuyến đi với tôi thật ý nghĩa, giúp tôi hiểu thêm về đất nước mình cũng như những tấm gương thầm lặng mà cao quý xung quanh”.
Nguyện dành sức cống hiến nhiều hơn
Trong hành trình của chuyến đi ý nghĩa, bà Dương Thị Kim Dung (69 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) thành kính báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh những việc làm của mình. Bà Kim Dung bày tỏ, những việc làm nhỏ của bà đều xuất phát từ học tập Bác Hồ. Gần 20 năm qua, rất nhiều người cơ nhỡ được bà cưu mang, trợ sức; nhiều học trò được bà hỗ trợ, chăm lo, thậm chí đón về nhà mình nuôi ăn học. Bà còn tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia” để nuôi dưỡng sinh viên nước bạn đến TPHCM học tập. “Trong cuộc đời này, tôi đã nguyện phải làm nhiều hơn nữa những việc có ích để góp sức cho cộng đồng, cho TPHCM và đất nước. Dù tuổi đã cao, tôi quyết vẫn cống hiến sức mình đến cùng”, bà Kim Dung bày tỏ.
Được tham gia chuyến đi, được gặp các tấm gương với những việc làm cao quý vì cộng đồng, chị Đỗ Thị Khánh Trâm (thành viên nhóm thiện nguyện tuổi trẻ từ tâm TPHCM) thấy rằng sự đóng góp của mình quá nhỏ bé. Chị Trâm và các thành viên trong nhóm nguyện rằng sẽ dành sức trẻ, sự năng động, khỏe mạnh và năng lực để cống hiến nhiều hơn nữa, ngày càng lan tỏa tình yêu thương.
Còn với cựu Thanh niên xung phong 71 tuổi Trần Thị Kim Hai (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM), dù đã nhiều lần được về thăm quê Bác, nhưng với bà, chuyến về nguồn lần này vô cùng ý nghĩa. Bởi trong chuyến đi này, bà Kim Hai được gặp gỡ những tấm gương điển hình với những việc làm vô cùng ý nghĩa cho cộng đồng. “Chuyến đi đã động viên, khuyến khích tôi cũng như các tấm gương thầm lặng khác thêm động lực để làm nhiều việc tốt hơn nữa. Từ đó, có thể giúp những mảnh đời khó khăn cũng như cuộc sống người dân ở địa phương ngày càng tốt hơn”, bà Kim Hai bày tỏ.
Trong tháng 11-2023, UBND TPHCM phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức 2 chuyến về nguồn cho các điển hình tiên tiến “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TPHCM, giai đoạn 2014-2022. Từ thành phố mang tên Bác, các đại biểu đã đến thủ đô Hà Nội và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Phạm Minh Tuấn, từ năm 2014, qua 5 lần tổ chức, TPHCM đã tuyên dương 618 gương thầm lặng mà cao cả. Các tấm gương đã âm thầm đóng góp cho xã hội bằng những việc làm nhân ái, nghĩa tình, góp phần xây dựng TPHCM ngày càng có chất lượng sống tốt, văn minh – hiện đại – nghĩa tình.