Ngành TT&TT đã trải qua những cuộc cách mạng chuyển từ analog sang digital đến công cuộc chuyển đổi số đều có sự đóng góp của những người mang tinh thần dám dấn thân, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới.
Vị “tư lệnh” Ðặng Văn Thân và tầm nhìn số hóa
Ông Ðặng Văn Thân (ông Ba Thân) là người có vai trò đặc biệt quan trọng – vị “tư lệnh” ngành có tầm nhìn về công nghệ số – đã đưa ngành Bưu điện trở thành lĩnh vực tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước.
Năm 1984, ông Ðặng Văn Thân được điều ra Hà Nội giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện. Ðây cũng là thời kỳ đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới.
Bưu điện là một trong những ngành nghèo và lạc hậu nhất của Việt Nam lúc bấy giờ, nhiều cán bộ đã bỏ sang nơi khác. Doanh thu chủ yếu đến từ các dịch vụ phát hành báo chí và bán tem thư.
Trong hoàn cảnh khó khăn, Tổng Cục trưởng Ðặng Văn Thân đã có quyết định táo bạo là làm cuộc cách mạng đi thẳng vào công nghệ hiện đại.
Cụ thể là chuyển từ Analog sang Digital, lấy phát triển viễn thông quốc tế làm khâu đột phá, tiến hành một loạt biện pháp mạnh mẽ khác để tạo vốn, tạo nguồn lực và cơ sở vật chất, lách dần ra ngoài vòng cấm vận của Mỹ.
Vượt qua nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam còn nghèo, không có tiền đầu tư, trong khi có thể tận dụng hệ thống tổng đài Analog của Ðức chuyển giao, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Ðặng Văn Thân đã “bấm nút” chọn Digital, cương quyết đi thẳng vào hiện đại hóa.
Sau này, lịch sử đã chứng minh quan điểm, tầm nhìn của ông Ðặng Văn Thân là đúng, tạo nên cuộc cách mạng trong ngành Bưu điện.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Cục trưởng Ðặng Văn Thân, ngành Bưu điện đã dũng cảm hội nhập quốc tế, được áp dụng lần đầu tiên cơ chế tự vay, tự trả để tạo nguồn vốn phát triển; đã nhạy bén, kịp thời vận dụng phương thức thu cước các cuộc gọi từ người nhận ở nước ngoài để tăng nguồn ngoại tệ; đề xuất một số cơ chế tạo vốn nhanh chóng từ các khoản vay nước ngoài được Nhà nước bảo lãnh và do ngành Bưu điện tự trả.
Kết quả nổi bật là bản hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa Tổng cục Bưu điện với Telstra (Australia) vào năm 1988, một hình thức đầu tư nước ngoài chưa từng được áp dụng ở Việt Nam.
Tiếp đó, năm 1995, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng ký một hợp đồng hợp tác kinh doanh với hãng Comvik (Thụy Ðiển) để xây dựng nên mạng MobiFone hiện nay.
Chính nhờ những cơ chế chính sách đột phá, ngành Bưu điện đã có nguồn lực để hiện đại hoá mạng lưới rộng khắp cả nước, cung cấp đa dịch vụ, quản trị tiên tiến và xây dựng được các doanh nghiệp viễn thông lớn mạnh như ngày nay.
Bản lĩnh Mai Liêm Trực để mở cửa thị trường, đưa Internet vào Việt Nam
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực cho biết, mở cửa thị trường viễn thông là chủ trương chung đã có từ năm 1995 của Chính phủ.
Suốt 2 năm triển khai chủ trương này rất khó khăn, nhưng Tổng cục Bưu điện rất quyết tâm mở cửa thị trường. Internet có những thuận lợi hơn viễn thông do yêu cầu bức thiết mở cửa dịch vụ của xã hội.
Thời đó, chưa có bất cứ một doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực này.
Thời điểm này, việc mở cửa thị trường Internet vẫn còn hạn chế, phải mở dần dần vì chỉ có duy nhất VNPT cung cấp hạ tầng truyền dẫn và các ISP khác phải phụ thuộc vào VNPT.
Mãi sau này, Tổng cục Bưu điện mới cấp phép thêm cho các doanh nghiệp khác được cung cấp dịch vụ như SPT, FPT. Mục đích cho các doanh nghiệp mới tham gia cung cấp dịch vụ Internet để tập hợp sức mạnh của xã hội về vốn và cán bộ kỹ thuật trong khi viễn thông chưa làm được.
Ông Mai Liêm Trực chia sẻ: “Thời điểm đó ý kiến phản đối đưa Internet vào Việt Nam cũng có, nhưng không nhiều. Tuy nhiên, lại lắm ý kiến lo ngại, kể cả ở lãnh đạo cấp cao. Ai cũng nghĩ rằng Internet sẽ vào Việt Nam, nhưng có điều đưa sớm hơn hoặc chậm hơn mà thôi. Vì vậy, vấn đề là liệu chúng ta có mất cơ hội lần nữa hay không. Lúc đó chúng tôi cảm nhận Internet sẽ vào Việt Nam nhưng có nguy cơ chậm và nếu cho mở thì sẽ bị nhiều yếu tố hạn chế ảnh hưởng đến tốc độ phát triển. Vì vậy, chúng tôi phải thuyết phục mở càng sớm càng tốt”.
Sau khi “thế chấp” chiếc ghế Tổng cục trưởng để thuyết phục cho mở Internet, ông Mai Liêm Trực đưa ra tư tưởng mở cửa thị trường viễn thông để tạo cạnh tranh và phổ cập dịch vụ cho người dân.
Ông cho biết, đặc thù của viễn thông là độc quyền tự nhiên vì thời kỳ đầu nó như một đơn vị sự nghiệp của cơ quan chính quyền, phục vụ cho lãnh đạo hoặc cho dân, dần dần trở thành đơn vị sự nghiệp.
“Quyết định cấp giấy phép đầu tiên duy nhất cho Viettel, không phải là ưu tiên hay chịu sức ép nào mà vì chúng tôi tin cậy đội ngũ cán bộ của doanh nghiệp này đã có kinh nghiệm.
Giờ đây tôi thấy chị bán rau, anh xe ôm đã dùng điện thoại di động. Tôi cảm thấy rất xúc động vì điện thoại đã được bình dân hoá”, ông Mai Liêm Trực nói.
Bộ trưởng Ðỗ Trung Tá: Tầm nhìn về hội tụ giữa viễn thông và CNTT
Trong giai đoạn đầu thế kỷ 21, ông Ðỗ Trung Tá với cương vị Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) đã có những đóng góp to lớn, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành TT&TT Việt Nam.
Ðóng góp quan trọng nhất của Bộ trưởng Ðỗ Trung Tá là việc đề xuất và thúc đẩy mở cửa Internet tại Việt Nam. Năm 1996, ông đã trình bày trước Hội nghị Trung ương 2 Khóa 8 về việc mở cửa Internet như một giải pháp phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.
Ðề xuất này đã được chấp thuận, tạo tiền đề cho việc khai trương Internet tại Việt Nam vào năm 1997. Ông cũng đưa ra khẩu hiệu “Internet về làng”, thể hiện quyết tâm đưa công nghệ mới đến với mọi miền đất nước.
Bộ trưởng Ðỗ Trung Tá cũng là người có công lớn trong việc phát triển mạng di động tại Việt Nam khi quyết định đưa công nghệ GSM vào Việt Nam từ năm 1990, theo tiêu chuẩn châu Âu.
Với tầm nhìn xa trông rộng, ông đã đặt ra phương châm phát triển “tiên tiến, tương thích, toàn cầu”, giúp ngành viễn thông Việt Nam bắt kịp xu hướng công nghệ thế giới.
Một quyết sách làm thay đổi ngành viễn thông của Bộ trưởng Ðỗ Trung Tá, là việc thúc đẩy cạnh tranh trong ngành; khi đưa ra chủ trương chuyển từ độc quyền sang nền kinh tế cạnh tranh, cho phép các doanh nghiệp mới tham gia thị trường.
Ðiều này đã tạo động lực để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá cước, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ viễn thông với chi phí hợp lý.
Dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông của ông Ðỗ Trung Tá là việc đề xuất đổi tên Bộ Bưu chính Viễn thông, từ đó hình thành nên Bộ TT&TT vào năm 2007. Ðiều này thể hiện tầm nhìn của ông về sự hội tụ giữa viễn thông, CNTT-TT trong tương lai.
Với những đóng góp to lớn, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Ðỗ Trung Tá đã đặt nền móng xây dựng đề án thành lập Bộ TT&TT vững chắc và để lại định hướng phát triển đúng đắn cho ngành TT&TT Việt Nam, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành trong những năm tiếp theo.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Người khai sinh Ðề án đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT
Ông Lê Doãn Hợp là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ TT&TT, sau khi Bộ được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bộ Bưu chính, Viễn thông và toàn bộ Khối Báo chí, Xuất bản của Bộ Văn hóa – Thông tin trước kia.
Trong cả nhiệm kỳ công tác trên cương vị Bộ trưởng (từ tháng 8/2007-8/2011), ông đã có nhiều đóng góp quan trọng suốt những năm đầu thành lập Bộ TT&TT.
Thành tựu nổi bật nhất của Bộ TT&TT dưới thời Bộ trưởng Lê Doãn Hợp là việc xây dựng và triển khai “Ðề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và Truyền thông”.
Ðề án này đặt ra tầm nhìn và định hướng phát triển dài hạn cho ngành, tạo nền tảng cho sự phát triển của CNTT Việt Nam sau này.
Ông cũng là người thúc đẩy việc thông qua Chương trình quốc gia “Ðưa CNTT về cơ sở”. Ðây là chiến lược quan trọng nhằm nâng cao dân trí và thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, đặc biệt là đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo.
Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp, ngành TT&TT đã có bước tiến quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý, với việc trình Quốc hội ban hành 4 đạo luật chuyên ngành, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển của ngành.
Trong nhiệm kỳ của ông, ngành TT&TT đã triển khai xây dựng nhiều dự án và quy hoạch phát triển chuyên ngành quan trọng, bao gồm quy hoạch báo in, quy hoạch truyền dẫn phát sóng, quy hoạch các đài PT – TH địa phương và quy hoạch các khu công nghiệp CNTT tập trung.
Ngành TT&TT cũng đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kỹ thuật then chốt, góp vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước.
Ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngành vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Với tầm nhìn chiến lược và các quyết sách đúng đắn, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển toàn diện của ngành TT&TT Việt Nam.
Những nỗ lực của ông đã tạo tiền đề quan trọng để ngành TT&TT tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời đại số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia
Tham gia vào Viettel từ những ngày đầu kinh doanh dịch vụ viễn thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã qua nhiều vị trí lãnh đạo của tập đoàn này và đã có những đóng góp to lớn giúp cho Viettel phát triển như vũ bão, đóng góp vào việc phổ cập dịch vụ viễn thông và Internet đến người dân Việt Nam.
Trải qua hành trình dài, ông và cộng sự đã đưa Viettel liên tục bùng nổ dịch vụ viễn thông di động ở nhiều thị trường trên thế giới. Tập đoàn Viettel đã phát triển nhiều ngành nghề mới như ngành công nghiệp viễn thông, ngành công nghiệp Vũ khí công nghệ cao, an ninh mạng…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng còn được bình chọn là 1 trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu vì có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam trong một thập kỷ, trong giai đoạn 2000 – 2009.
Ngày 4/10/2018, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT.
Trong thời gian này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã dành nhiều tâm huyết xây dựng chiến lược phát triển ngành ICT, trong đó, đặc biệt tập trung cho chuyển đổi số.
Trong các bài phát biểu, các buổi làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương thì chuyển đổi số luôn là chủ đề nổi bật được Bộ trưởng đề cập đến. Những tư tưởng, câu chuyện chuyển đổi số này đã được lan tỏa và tạo ra niềm tin của xã hội vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Bộ trưởng đã đưa ra nhiều quan điểm, tư tưởng về chuyển đổi số khi nhấn mạnh chuyển đổi số thì 70% là thay đổi, 30% là công nghệ. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Vì vậy, chuyển đổi số muốn thành công thì quyết định là người đứng đầu muốn thay đổi.
Thay đổi một tổ chức thì chỉ người đứng đầu mới đủ thẩm quyền, uy tín và có quyền lực để điều hướng các nguồn lực thực hiện. Chỉ có người đứng đầu mới có khả năng phá vỡ các thói quen cũ để chuyển đổi số.
Công nghệ số chỉ là công cụ hỗ trợ để thực hiện công cuộc chuyển đổi. Chuyển đổi số là số hoá toàn diện và sau đó là thay đổi cách vận hành của tổ chức.
Nếu người đứng đầu mà không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp chỉ đạo, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng, không trực tiếp tự mình chuyển đổi thì sẽ không thành công.
Theo Bộ trưởng, ở Việt Nam, qua 4 năm chuyển đổi số cơ bản các yếu tố công nghệ để thực hiện chuyển đổi số đã sẵn sàng, đã có một số thành công bước đầu rất đáng khích lệ, bây giờ quyết định sự thành công của công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ là người đứng đầu các cấp.
“Chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược, là con đường đưa Việt Nam đến hùng cường, thịnh vượng. Qua gần 4 năm, chúng ta đã nhìn ra con đường, đã nhìn ra cách tiếp cận Việt Nam, đã hành động mạnh mẽ, đã có những kết quả bước đầu. Nhưng bây giờ là lúc phải hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tạo ra các kết quả thiết thực hơn, toàn diện hơn cho người dân. Các nước cũng đang chuyển đổi số mạnh mẽ, nếu chúng ta không quyết liệt hơn, không có cách làm sáng tạo hơn, không liên tục đi đầu thì sẽ lại là nước đi sau, tụt lại phía sau. Và giấc mơ về một Việt Nam hùng cường sẽ lại tiếp tục là giấc mơ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nhung-tu-lenh-co-anh-huong-den-cac-cuoc-cach-mang-cua-nganh-tt-tt-2356750.html