Theo kế hoạch, từ tháng 1-4.2024, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát đột xuất các cơ sở giáo dục về công tác tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý và công tác vệ sinh, khử mùi, khử khuẩn, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa nhà vệ sinh, đảm bảo yêu cầu an toàn.
Cụ thể, ở khối các trường THPT, đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra, giám sát đột xuất việc tổ chức bữa ăn bán trú tại các đơn vị như: Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), Gia Định (Q.Bình Thạnh), Trưng Vương (Q.1), Trần Khai Nguyên (Q.5), Tân Phong (Q.7), Thanh Đa (Q.Bình Thạnh).
Từ bậc mầm non đến THCS, Sở GD-ĐT sẽ kiểm tra các trường thuộc quản lý của các phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, Q.4, Bình Tân.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ kiểm tra bữa ăn bán trú ở những trường nào
Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết, hiệu trưởng chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn và cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căn tin trong trường học phải bảo đảm an toàn theo quy định, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, người đứng đầu trường học chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý, cơ quan thẩm quyền trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại đơn vị và tăng cường dinh dưỡng hợp lý cho học sinh.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục phát huy vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh trong ban chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường học theo quy định hiện hành. Ban chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường xây dựng kế hoạch cụ thể về kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bữa ăn học đường và vệ sinh môi trường.
Cụ thể, ban chăm sóc sức khỏe học sinh cần giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành từng bữa ăn của học sinh hàng ngày; thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp; thực hiện nghiêm việc tự kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn, căn tin trong trường học.
Ngoài những yêu cầu về việc tổ chức bữa ăn bán trú, Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý các trường tiếp tục thực hiện những hoạt động bảo vệ môi trường, giáo dục và truyền thông về bảo vệ môi trường trong trường học, đặc biệt khu nhà vệ sinh của học sinh. Tuyên truyền, vận động giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần. Đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong đơn vị việc giữ gìn vệ sinh chung.