Đầu tháng 6, các địa phương tổ chức cho học sinh thi tuyển vào lớp 10 gồm đại trà và lớp chuyên. Tham khảo đề thi một số tỉnh thành, là nhà giáo lâu năm tôi có nhiều suy nghĩ, trăn trở.
Đề thi mắc lỗi về kiến thức, tư duy, về diễn đạt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm bài và kết quả của thí sinh.
Cấu trúc đề cần thống nhất
Thứ nhất là, đối với đề thi quốc gia dành cho học sinh lớp 12, vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT vừa để các trường đại học dùng làm kết quả tuyển sinh, vẫn do Bộ GD-ĐT ra đề. Còn tuyển sinh vào lớp 10 vẫn do các sở GD-ĐT tổ chức ra đề. Điều đó là hợp lý.
Tuy nhiên, có lẽ bộ nên chỉ đạo chung về cấu trúc và cách thức ra đề, tránh hiện tượng mỗi địa phương ra một kiểu. Cấu trúc đề thi hiện nay hầu hết có hai phần: phần Đọc hiểu 2 – 3 điểm, người ra đề dẫn ngữ liệu 1 – 2 đoạn/bài có thể là thơ (văn bản biểu cảm) hoặc truyện (văn bản tự sự) hoặc văn bản nghị luận, khoa học, thông tin… trong hoặc ngoài sách giáo khoa (SGK).
Phần Làm văn gồm hai câu. Câu 1 yêu cầu viết bài văn ngắn hoặc đoạn văn nghị luận về một vấn đề xã hội hay đạo đức tư tưởng 2 – 3 điểm.
Câu 2 yêu cầu viết bài văn nghị luận một vấn đề văn học (tác phẩm có trong SGK) thường chiếm 4 – 5 điểm.
Tuy nhiên, có sở ra rất khác, không theo cấu trúc trên. Cấu trúc đề của sở này với 90 phút làm bài mà tới bảy câu hỏi, trong đó có tới ba câu kiểm tra kiến thức tiếng Việt. Cấu trúc như vậy khiến người đọc cảm thấy câu hỏi rối, vụn vặt.
Khoa học và chính xác
Thứ hai là, tính khoa học và chính xác của đề thi. Mấy năm gần đây, nhiều đề thi ngữ văn được học sinh, phụ huynh và xã hội khen hay; người ra đề có nhiều tìm tòi sáng tạo, đề thi tạo hứng thú cho học sinh viết bài. Đó là điều đáng mừng.
Tuy nhiên, rất tiếc là năm nay một số đề thi bị bạn đọc phát hiện lỗi. Lỗi có thể nằm ở xuất xứ của câu nói (sai nguồn dẫn), lỗi có thể ở dẫn câu nói sai, mà đề thi của Gia Lai là một ví dụ tiêu biểu khi dẫn câu nói trong một bài viết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (đang là chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam): “Thơ ca không làm ra lúa gạo, vàng trắng nhưng thơ ca làm ra giấc mơ cho người gieo trồng.
Chỉ có giấc mơ thiêng liêng và lộng lẫy mới giúp con người đi qua được bóng tối của dục vọng và tội lỗi, tìm đến đồng loại để chia sẻ và dâng hiến những vẻ đẹp của khát vọng sống cho mọi con người”; tiếc là đề thi lại dẫn sai “lúa vàng, gạo trắng” thành “lúa gạo, vàng trắng”.
Có đề thi, trích dẫn đoạn văn nói về người thợ đóng gạch, yêu cầu học sinh liên tưởng về công việc của nhà văn, e rằng yêu cầu như vậy là không chính xác.
Một bên là lao động chân tay, người thợ chỉ cần nhào nặn đất rồi đổ vào khuôn, sản phẩm giống nhau hàng loạt, trong khi nhà văn, nhà thơ là lao động sáng tạo, mỗi sản phẩm là độc nhất vô nhị, sản phẩm có tính thẩm mỹ cao.
Cũng ở yêu cầu này, có đề thi nêu câu hỏi (câu lệnh) chưa rõ ràng khiến học sinh băn khoăn, không hiểu yêu cầu của đề. Đề thi không nên và không bao giờ nên là đánh đố học sinh, nên viết gọn, diễn đạt rõ ràng, chính xác, tránh diễn đạt dài dòng, phức tạp hóa một ý đơn giản.
Phù hợp với học sinh
Thứ ba là, tính phù hợp. Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 dành cho học sinh đã tốt nghiệp THCS. Các em ở tuổi 15, hình thức thi viết trên giấy, thời gian 90 phút (lớp đại trà).
Với những yêu cầu như vậy, người ra đề phải tính toán để phần đông học sinh làm xong bài, điểm đạt mức trung bình khá khoảng 70 – 80%, khoảng 5 – 10% đạt điểm giỏi; tránh tình trạng đề quá dài (nhất là phần trích dẫn ngữ liệu), câu hỏi quá dễ hoặc quá khó với năng lực của hầu hết thí sinh.
Ở một đề thi dành cho học sinh đại trà, phần Đọc hiểu sẽ có câu hỏi dễ để cho tất cả thí sinh dễ dàng lấy điểm, là hợp tình, hợp lý; nhưng trong bốn câu hỏi mà đến hai câu đều quá dễ cũng là điều không nên.
Bên cạnh đó, có một số đề thi dành cho hệ chuyên (văn) là quá khó dù thời gian làm bài có thể là 120 phút hoặc 150 phút. Đã nhiều năm nay, bộ quy định ở THCS không có trường chuyên và lớp chuyên.
Tuổi 15 học sinh hầu hết đang trong vòng tay cha mẹ, chưa qua trải nghiệm của đời, chưa phải tuổi trưởng thành, cũng như chưa được trang bị kiến thức về lý luận văn học, về quá trình sáng tạo của nghệ sĩ nhưng một số đề thi yêu cầu học sinh nghị luận về những vấn đề quá tầm.
Thận trọng, kỹ càng cao độ của người ra đề
Chính vì cần rất nhiều yếu tố để đảm bảo một đề thi ngữ văn khoa học, chính xác, phù hợp, cho nên ở các kỳ thi quan trọng có hội đồng duyệt đề thi. Để tránh được những lỗi sai hoặc đề thi chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu của kỳ thi, cần sự thận trọng, kỹ càng cao độ của người ra đề và hội đồng thẩm định.
Để có được đề thi ngữ văn không chỉ chính xác, vừa sức mà còn hay, tạo cảm xúc, hứng thú cho thí sinh, đòi hỏi năng lực và những phẩm chất đặc biệt của người ra đề, của người thầy dạy văn yêu nghề, giỏi nghề và tâm huyết.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-tran-tro-ve-de-thi-van-20240610224419389.htm