Nhắc đến những biểu tượng của mùa Thu Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến cốm bởi cốm Hà Nội tuy bình dị, mộc mạc nhưng lại là thức quà du khách khó bỏ lỡ khi có dịp tới Thủ đô.
Mùa Thu Hà Nội không chỉ có không khí lãng mạn của nắng vàng nhè nhẹ giữa tiết trời mát dịu cùng mùi hương hoa sữa nồng nàn, mà còn có những những thức quà gây thương nhớ đặc trưng.
Cốm
Nhắc đến những biểu tượng của mùa Thu Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến cốm. Cốm Hà Nội tuy bình dị, mộc mạc nhưng lại là thức quà khó bỏ lỡ khi tới Hà Nội.
Khi tiết trời vào Thu, không khí trở nên dịu mát, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những gánh hàng cốm trên các tuyến phố Hà Nội.
Cốm là một thức quà ngọt ngào đặc biệt nhất trong mọi thức quà mùa Thu Hà Nội. Được làm từ gạo nếp xanh, cốm có màu xanh mướt đặc trưng và hương vị dịu dàng. Người thợ đã sáng tạo nên món cốm thông qua quy trình làm bằng tay tinh tế.
Cốm thường được đặt trong lá chuối hoặc lá sen và trình làng vào dịp trung thu. Vị ngọt của bánh cốm cùng với hương thơm từ lá chuối sẽ làm bạn cảm nhận được hương vị độc đáo của mùa Thu Hà Nội.
Nổi tiếng nhất là cốm làng Vòng. Người làng Vòng luôn tự hào về đặc sản của làng mình. Cốm Vòng xanh mịn, mảnh và hạt cốm còn lấm tấm chất cám. Thơm hương thơm của lúa nếp còn ngậm sữa. Những hạt cốm thơm dẻo được thưởng thức cùng với những quả hồng đỏ mọng hay chuối tiêu trứng cuốc. Một thứ ngọt thanh, một thứ ngọt sắc, hai vị ngọt hòa quyện, như nâng đỡ nhau cho cuộc nhân duyên thêm phần ý nhị.
Cốm Hà Nội được chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau như bánh cốm, chả cốm, xôi cốm, chè cốm dẻo, cốm xào, chuối tiêu chấm cốm, cốm dẹp trộn dừa dẻo… Mỗi món ăn đều mang đến những hương vị đặc trưng làm mê mẩn thực khách.
Sấu chín
Mùa Thu Hà Nội đến là khi gió heo may se lạnh tràn về trên trên phố, lá vàng xào xạc rụng trên mái ngói ở các con phố cổ rêu phong. Đây cũng là lúc những chùm sấu còn sót lại qua mùa Hè bắt đầu chín vàng.
Đây là món quà vặt đặc biệt đối với người Hà Nội mỗi độ Thu về. Từng quả sấu vàng ươm, giòn tan với vị chua cay mặn ngọt hài hòa khiến cho bất cứ ai đều khó có thể từ chối thức quà giản dị mà hấp dẫn này.
Sấu vừa chín có vỏ màu xanh vàng, bên trong chứa những hạt nhỏ đầy hương vị. Chỉ cần cạo lớp vỏ sấu bên ngoài, cắt thành đường xoắn ốc sau đó trộn hoặc chấm một ít muối ớt để làm tôn lên vị chua chua và giòn giòn đặc trưng của thức quà mùa Thu Hà Nội này.
Đưa một miếng sấu nhỏ lên miệng cắn, thấy đủ vị chua-cay-mặn-ngọt tan trên đầu lưỡi. Thưởng thức sấu là một trải nghiệm tuyệt vời của vị giác và cũng là một cách tuyệt hay để tận hưởng hương vị mùa Thu độc đáo.
Quả hồng
Thời điểm cuối thu còn là thời điểm của hồng. Hồng giòn là một loại trái cây đặc sản mùa Thu của Hà Nội. Vỏ ngoài tưởng còn xanh nhưng khi bổ ra bên trong lại có màu vàng cam, vị ngọt nhẹ và ăn rất giòn.
Khi quả chín mùi, vỏ ngoài của hồng giòn có màu cam đặc trưng và khiến cho trái cây trông rất hấp dẫn. Thưởng thức một quả hồng giòn trong những ngày se lạnh của mùa Thu sẽ mang lại cảm giác tươi mát và sảng khoái.
Cùng với quả tươi, đặc sản hồng ngâm cũng là một trong những thức quà mùa Thu Hà Nội du khách có thể chọn mua làm quà du lịch. Hồng ngâm chỉ rộ lên chừng hơn tháng, sau rằm tháng 8 là thưa dần rồi nhanh chóng kết thúc.
Hồng ngâm có dạng quả nhỏ, vỏ xanh pha vàng, khi vừa hái xuống không thể ăn được ngay mà phải ngâm nước vài ngày để khử chát và để hồng lên bột, lúc này quả hồng trở nên giòn hơn, ngọt hơn.
Không giống với hồng đỏ mang đậm vị Thu Hà Nội, hồng ngâm lại mang một vị ngon rất riêng và là đặc sản của những ngày cuối thu đầu đông. Khác với hồng đỏ có đặc trưng mềm, ngọt và ăn nhanh ngán thì hồng ngâm lại có vị ngọt nhẹ, giòn dai, ăn vui miệng và khi ăn có thể ăn liền cả cân một lúc.
Quả thị
Thị không chỉ là loại quả mang nét đẹp dung dị của làng quê Bắc Bộ xưa mà đây còn là dấu hiệu đặc biệt nhận biết mỗi mùa Thu sang.
Mùa thị Hà Nội thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11. Những ngày này, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong bán thị trên khắp các tuyến phố Hà Nội.
Quả thị có hai dạng đó là dạng quả hình cầu, đáy tròn, thường được gọi là thị muộn và dạng quả nhỏ hơn, hơi dẹt, đáy bằng, có tên là thị sáp hay thị lục sáp. Thị chín vàng có thể để từ 4-5 ngày, đối với những quả xanh có thể trưng cả nửa tháng.
Quả thị có hương thơm mộc mạc, vốn là thứ quả để “chơi,” để ngửi, chứ không phải để ăn. Quả thị thường được mua để trưng vào ngày rằm, mùng 1 vào những tháng mùa Thu.
Chả rươi
Rươi là loài hải trùng chỉ sinh sống ở một số vùng tiếp giáp nước lợ và nước ngọt gần biển. Đặc sản này chỉ vào mùa Thu mới trở nên đặc biệt đúng điệu.
Mùa rươi thường rất ngắn vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch. Chả rươi với vị ngọt đậm của thịt rươi trộn với trứng gà quyện cùng vị thanh thanh của vỏ quýt, hương thơm của lá gừng, lá lốt khiến ai ăn cũng phải thèm thuồng.
Rươi có thể chế biến thành nhiều món ngon như chả rươi, mắm rươi, rươi hấp, rươi xào lá gấc… Mỗi món ngon một kiểu khác nhau và có cách thưởng thức riêng, nhưng có lẽ phổ biến nhất vẫn là món chả rươi thơm ngon./.