Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, bị cáo buộc nổ súng vào ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump từ trên nóc tòa nhà trong cuộc vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania, khiến tai phải của cựu Tổng thống bị thương. Một khán giả đã tử vong và hai người khác bị thương nặng.
Tuy nhiên, trên mạng lại lan truyền nhiều thuyết âm mưu và thông tin sai sự thật về vụ việc này.
Nhà báo Ý bị gán là nghi phạm
Chỉ vài giờ sau vụ nổ súng, hình ảnh một người đàn ông mặc áo len đen, đội mũ và đeo kính râm đen xuất hiện trên mạng. Các bài đăng trên mạng xã hội cho biết người đàn ông này là Mark Violets thuộc “nhóm cực đoan Antifa”, đã bị cảnh sát địa phương nêu tên là nghi phạm trong vụ ám sát.
Tuy nhiên, người đàn ông trong bức ảnh là Marco Violi, người không liên quan gì đến vụ nổ súng. Violi thậm chí là một nhà báo thể thao người Ý chuyên chia sẻ nội dung về đội bóng đá Ý AC Roma.
Violi cho biết thời điểm xảy ra vụ việc, anh đang ở Rome và tỉnh giấc lúc 2 giờ sáng với rất nhiều tin nhắn. Anh cũng khẳng định mình không liên quan gì đến vụ việc này.
Violi không phải người duy nhất bị xác định nhầm sau vụ xả súng. Các bài đăng lan truyền cũng xác định nhầm một người đàn ông khác, Maxwell Yearick, là kẻ nổ súng. Năm 2016, nhiều phương tiện truyền thông khác nhau đưa tin rằng Yearick bị bắt bên ngoài một buổi mít tinh của Trump ở Pittsburgh khi đụng độ với cảnh sát.
Xuyên tạc nghi phạm là người Trung Quốc
Cộng đồng người Mỹ gốc Á cũng phản ứng giận dữ trước một báo cáo nói rằng kẻ nổ súng là người Trung Quốc. Bài viết được đăng trên trang tin New York Post, ban đầu cho biết kẻ xả súng “được xác định là một người đàn ông Trung Quốc”. Sau đó hơn một giờ, trang này đưa tin tay súng “được xác định là một người đàn ông da trắng”.
Ông Gary Locke, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cho biết: “Các phóng viên này đã gây tổn hại thêm cho cộng đồng người Mỹ gốc Hoa vì đã đưa tin sai sự thật một cách vô trách nhiệm, rằng tay súng bị cáo buộc là người Trung Quốc”.
Trong khi đó, bà Grace Lee, thành viên hội đồng bang New York, cho biết: “Việc đưa tin sai trái, liều lĩnh như thế này sẽ tiếp tục gây ra sự căm ghét và bạo lực đối với cộng đồng người châu Á. Trang tin New York Post phải xin lỗi về sai sót này và làm tốt hơn nữa để đảm bảo đưa tin chính xác”.
Chỉnh sửa ảnh tuyên truyền thuyết âm mưu vụ ám sát
Ngay sau vụ ám sát, trên mạng đã xuất hiện những hình ảnh photoshop về ông Trump và các nhân viên Mật vụ Mỹ mỉm cười sau khi ông Trump bị bắn trúng tai phải. Những hình ảnh giả mạo được chia sẻ để hỗ trợ cho tuyên bố rằng vụ ám sát đã được “dàn dựng” như một âm mưu nhằm nâng cao sự nổi tiếng của ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Những bức ảnh gốc được chụp bởi một nhiếp ảnh gia của hãng tin Associated Press, cho thấy ông Trump và các đặc vụ có nét mặt nghiêm trọng.
Hoài Phương (theo Reuters, SCMP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nhung-thong-tin-sai-lech-ve-vu-am-sat-ong-trump-post303582.html