Với mong muốn giúp đỡ người gặp nạn, lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn trong cộng đồng, gần 5 năm qua, những “thiên thần” áo cam trong đội hỗ trợ cứu hộ cứu nạn FAS Angel đã cống hiến hết mình trên những cung đường của thủ đô, đặc biệt trong vụ hỏa hoạn thương tâm gần đây.
Xông pha cứu người trong vụ cháy
Đêm 23/5, rạng sáng 24/5, anh Phạm Quốc Việt (Hà Nội) cùng đồng đội đang hỗ trợ sơ cứu cho người dân bị tai nạn giao thông tại phố Khâm Thiên (quận Đống Đa, TP Hà Nội), thì nhận được tin cháy tại ngõ 119 Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Ngay lập tức, anh Việt giao nhiệm vụ cho các thành viên trong đội hoàn thiện nốt việc hỗ trợ nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông, còn bản thân anh điều 1 xe cứu thương đến hiện trường vụ cháy.
1 giờ 5 phút, anh Việt có mặt tại hiện trường, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt anh là đội phòng cháy chữa cháy đang nỗ lực hết sức mình phá cổng, đạp cửa, xịt nước tại các khu vực đang bốc cháy dữ dội.
“Mái tôn, mái che ở sân, lan can, cầu thang bên trong nhà trọ trong đám cháy tỏa ra lượng nhiệt rất lớn. Trong phút chốc, mái che bằng tôn ở sân bị lửa làm yếu, đổ sập xuống sân, may mắn là đội phòng cháy chữa cháy đã có những biện pháp phòng bị an toàn, đảm bảo công tác cứu hộ cứu nạn. Lực lượng phòng cháy chữa cháy cũng rất vất vả để len lỏi, đi qua các khu vực chứa đồ đạc chủ nhà, người thuê để lại.”
Sau khi đã nắm bắt tình hình có người mắc kẹt, cùng kinh nghiệm cứu hộ nhiều đám cháy, anh Việt phán đoán số lượng người mắc kẹt trong đám cháy, cần hỗ trợ không phải là con số nhỏ. Anh Việt tiếp tục điều động xe cứu thương, cùng 14 đội viên hỗ trợ lực lượng chức năng cứu nạn, sơ cứu nạn nhân…
Khoảng 10 – 20 phút sau, một người phụ nữ lớn tuổi được đưa ra đầu tiên. Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel cùng lực lượng 115 chăm sóc sức khỏe, mở đường thở, sơ cứu và chuyển bà tới bệnh viện Giao thông vận tải.
“Khi ngọn lửa dần được kiểm soát, tôi cùng các đội viên được lực lượng cứu hỏa điều động, phối hợp thâm nhập sâu vào hiện trường để tìm kiếm những người bị nạn, đặc biệt những người còn sống. Chúng tôi cùng nhau dọn dẹp đồ đạc cản lối đi để công tác cứu hộ diễn ra thuận tiện hơn và cung cấp các thiết bị y tế để giảm bớt lây nhiễm chéo từ nạn nhân sang lực lượng cứu hộ. Khoảng 2 giờ sáng, chúng tôi đã hỗ trợ cho nhiều nạn nhân, rà soát từng tầng, từng phòng, từng vị trí nghi ngờ có nạn nhân và lên kế hoạch di dời những người tử nạn”- đội trưởng đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel chia sẻ.
Mặc dù sức nóng của ngọn lửa liên tục bào mòn sức lực của những “thiên thần” áo cam, song ý chí, quyết tâm cứu nhiều người thoát khỏi đám cháy luôn nồng nhiệt trong tim mỗi đội viên FAS Angel. Là một trong những thành viên của đội hỗ trợ cứu hộ FAS Angel có mặt tại hiện trường vụ cháy, sau nhiều giờ hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, anh Nguyễn Văn Bằng (20 tuổi, lái xe công nghệ, Nam Định) chia sẻ: “4 giờ 30 phút – 5 giờ sáng, bản thân tôi vừa di chuyển nạn nhân cuối cùng ra khỏi hiện trường đám cháy, lúc này người tôi cảm thấy rất mệt, bước chân không vững. Đồng đội của tôi và các lực lượng cứu hỏa cũng vậy, họ mệt rã rời, ngồi dọc theo con ngõ, mặt mũi, chân tay đen sì, đầy bụi bẩn…”
“Trắng đêm” hỗ trợ cứu hộ tại vụ cháy, mỗi thành viên trong đội FAS Angel đều cảm thấy toàn thân đau nhức, mệt mỏi, nhưng họ cảm thấy mãn nguyện vì đang góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để cùng nhau cứu sống, hỗ trợ những người không may mắn mắc kẹt trong đám cháy.
“Trắng đêm” cứu hộ trên đường
Không biết từ khi nào, hình ảnh những “thiên thần” áo cam đã quen thuộc với người dân trên nhiều tuyến phố, nút giao thông trọng điểm của Hà Nội như Vành Đai 2, Cầu Giấy, Đại Cồ Việt, Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Hoàng Cầu, đường Vành Đai 3, Nguyễn Trãi,… Sau mỗi giờ tan làm, những thành viên trong đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel lại cùng nhau tụ họp, cùng nhau làm công việc có ích cho đời, hỗ trợ người gặp tai nạn trên đường.
Được thành lập từ tháng 9/2019, dưới sự dẫn dắt của anh Phạm Quốc Việt (sinh năm 1987, Nam Định), đến nay đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel đã có 150 tình nguyện viên, và 50 tình nguyện viên nòng cốt, tích cực tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, đội có 30 tình nguyện viên hàng đêm có mặt tại các “điểm đen” giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội để hỗ trợ người tham gia giao thông. Các thành viên trong đội được đào tạo, huấn luyện sơ cấp cứu, có đủ kỹ năng xử lý các tình huống bất ngờ tại hiện trường.
Sau gần 5 năm hoạt động, đội đã cứu hộ, cứu nạn miễn phí cho 17 nghìn người. Trong những năm gần đây, FAS Angel không chỉ dừng lại ở việc cứu hộ, cứu nạn những người bị tai nạn giao thông mà họ còn nhiệt huyết, không ngại khó khăn, nguy hiểm tham gia cứu hộ, cứu nạn trong những vụ tai nạn lao động, hỏa hoạn. Mỗi thành viên là những mảnh ghép khác nhau về hoàn cảnh, cuộc sống, độ tuổi cũng như nghề nghiệp, song tất cả mọi người đều có chung một mục đích cứu người, giúp đỡ người gặp nạn, lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn ra cộng đồng.
Từ 21 giờ đến 0 giờ 30 phút, các thành viên túc trực tại các “điểm đen” giao thông, những tuyến đường hay xảy ra tai nạn. Các thành viên trong đội thu thập thông tin, báo vị trí tai nạn qua một nhóm trên mạng xã hội Zalo để kíp trực kịp thời hỗ trợ. Những hình ảnh cũng được cung cấp cho lực lượng chức năng và người nhà nạn nhân để nắm được tình hình.
“Có hôm chúng tôi mất cả đêm, cả ngày hôm sau để hỗ trợ cho lực lượng chức năng, hay nạn nhân. Thậm chí có những nạn nhân, người nhà ở xã chưa đến kịp để chăm sóc, chúng tôi sẽ sắp xếp thành viên ở lại bệnh viện chăm sóc họ. Chúng tôi đều đặn làm công việc này được gần 5 năm, hỗ trợ, sơ cứu 18 nghìn vụ, giúp đỡ 17 nghìn người. Có những người vượt qua ranh giới tử thần có cơ hội sống thứ hai, có những người tử nạn được chúng tôi đưa về nhà tang lễ hoặc quê hương của họ khi các thủ tục hoàn tất”- anh Phạm Quốc Việt cho biết.
Ngoài ra, FAS Angel cũng tổ chức các buổi chia sẻ kỹ năng thoát hiểm thoát nạn, kỹ năng sơ cứu cho bản thân. Đồng thời, anh Việt và các thành viên trong đội cũng không ngừng học hỏi kỹ năng của lực lượng phòng cháy chữa cháy, để nâng cao chuyên môn cứu hộ, cứu nạn và gắn kết sâu sắc hơn với các lực lượng phòng cháy chữa cháy, cùng nhau cứu hộ nhiều người hơn.
Nói về khó khăn của đội hỗ trợ cứu hộ cứu nạn FAS Angel, anh cho biết, có nhiều khó khăn, trong đó kinh phí duy trì hoạt động là một trong những trở ngại lớn. Hiện tại, kinh phí đến từ việc kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người, từ mô hình Trạm cứu hộ 01 dạy nghề sửa xe cho mọi người.
“Thêm vào đó nữa là khó khăn về số lượng tình nguyện viên nòng cốt. Đây là công việc rất vất vả, không phải một trò đùa, tính kỷ luật cao, yêu cầu khắt khe trong các thao tác hỗ trợ nạn nhân (đúng quy trình và đạt hiệu quả trong sơ cứu). Nhiều thành viên sau thời gian huấn luyện không chịu được yêu cầu và xin rút lui. Ngoài ra cũng có những người không hoạt động tiếp với đội vì họ cũng có những nỗi lo về “cơm áo gạo tiền”, thay đổi chỗ ở, công việc,… Bên cạnh đó, nhiều bạn cảm thấy sợ hãi khi tiếp xúc với những trường hợp tai nạn nặng, mặc dù những trường hợp nhẹ các bạn đã làm tốt. Họ dần mất đi ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng…”- anh Phạm Quốc Việt chia sẻ.
Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, nhưng đến hiện tại, nhiều thành viên còn gắn bó với đội hỗ trợ cứu hỗ FAS Angel, tiếp tục lan tỏa đi khắp các ngả đường của Thủ đô, không quản ngày đêm hỗ trợ các vụ cháy,… Dưới sự dẫn dắt của đội trưởng Phạm Quốc Việt, các thành viên trong đội FAS Angel luôn tâm niệm: “Cứu người không phải là một trò đùa, không phải là anh hùng; đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho nạn nhân một cách hiệu quả, đó mới là cứu người.”