Chiều nay (19.6), Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt giai đoạn 2020-2024 và công bố cấu trúc đề thi đánh giá năng lực chuyên biệt 2025.
Xây dựng phương án tuyển sinh độc lập từ kết quả kỳ thi
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt bắt đầu được tổ chức năm 2022 với 1.972 lượt thí sinh tham gia. Năm 2023, kỳ thi đã nâng lên thành 2 đợt và tổ chức tại cơ sở chính của trường với 4.362 lượt thí sinh tham gia. Năm 2024, kỳ thi đã tăng quy mô lên 5 đợt và mở rộng địa điểm tổ chức ở Long An, Gia Lai và Đà Nẵng. Đặc biệt năm 2024, tổng số lượt thí sinh tham gia cả 5 đợt tăng lên trên 8.500.
Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt kết hợp với kết quả học tập THPT là một phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM từ năm 2022. Tỷ trọng của phương thức này đã tăng từ 20% của năm 2022 thành 30% của năm 2023 và có những ngành tăng lên 50% vào năm nay. Bên cạnh đó, số ngành sử dụng phương thức này cũng tăng từ 19 ngành năm 2022 lên đến 28 ngành trong năm 2023 (tăng 47,3%) và 31 ngành cho năm 2024 (tiếp tục tăng 10,7%).
Từ năm 2022, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bắt đầu áp dụng phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT kết hợp thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Theo đánh giá sơ bộ của trường, sinh viên trúng tuyển bằng phương thức này có kết quả học tập tốt hơn so với nhóm thí sinh xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT. Đây chính là động lực để xây dựng phương án tuyển sinh độc lập thông qua kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt từ năm 2025 trở đi (thay vì kết hợp điểm kỳ thi với kết quả học tập THPT trong cùng phương thức xét tuyển như hiện nay)”.
Chia sẻ tại hội nghị, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), mong muốn kỳ thi này không chỉ xét tuyển cho trường mà còn cho các trường ĐH khác, đặc biệt nhóm trường về lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, lưu ý thêm về kỳ thi này, tiến sĩ Thu Thủy cho rằng trường cần tiếp tục thực hiện đối sánh kết quả học tập người học ở phương thức này so với phương thức khác làm sao để đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh khi xét tuyển bằng các phương thức khác nhau.
Mở rộng xét tuyển nhóm trường sư phạm và y dược
GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trường sẽ tiếp tục giữ ổn định việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt và sử dụng kết quả để tuyển sinh vào các ngành của trường trong giai đoạn từ năm 2025. Tuy nhiên, trường cần nghiên cứu bổ sung môn thi theo lộ trình và mở rộng sử dụng kết quả để tuyển sinh vào nhiều ngành học của trường hơn nữa. Đặc biệt là xem xét cả nội dung thi năng khiếu, sử dụng các bài phỏng vấn với một số ngành khác.
Cụ thể, từ năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt vẫn tiếp tục được thực hiện với các bài thi toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh.
Các nội dung kiến thức sử dụng để đánh giá năng lực của thí sinh được đề cập trong các bài thi sẽ bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó phần nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70-80%, còn lại là nội dung kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11.
Bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh vẫn giữ hướng tiếp cận theo định dạng bài thi đánh giá năng lực từ bậc 3 đến bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Các môn còn lại có nhiều điểm cải tiến trong cấu trúc các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt áp dụng từ năm 2025 với dạng thức câu hỏi áp dụng cho các bài thi gồm câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận đóng/mở, thời gian làm bài là 90 phút.
Các bài thi đánh giá năng lực toán, vật lý, hóa học, sinh học sẽ có 40 câu hỏi và được chia làm 3 phần: phần 1 câu hỏi đơn, phần 2 câu hỏi tổng hợp, phần 3 câu hỏi điền đáp án đúng. Riêng bài thi đánh giá năng lực ngữ văn bao gồm phần đọc hiểu và phần viết.
Thông tin thêm, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung cho biết trước ngày 30.8 sẽ công bố đề thi minh họa cho kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2025. Về hình thức, kỳ thi vẫn thực hiện trên máy tính và dự kiến mở rộng điểm thi tại các trường ĐH có sử dụng chung kết quả kỳ thi này.
Đáng chú ý, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2025 dự kiến được mở rộng không chỉ phục vụ cho công tác tuyển sinh của trường mà còn cho các trường ĐH khác như: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y dược Cần Thơ, Trường ĐH Y dược (ĐH Huế), Trường ĐH Tây Nguyên, Trường ĐH Công thương, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Văn Lang…
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-thay-doi-quan-trong-cua-ky-thi-danh-nang-luc-chuyen-biet-tu-nam-2025-185240619160842131.htm