Năm 2021, anh Trần Thanh Tuấn, ở thôn 9, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) bắt tay đầu tư nhà kính sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Từ một nhà kính ban đầu, đến nay anh đã đầu tư 6 nhà kính, mỗi nhà rộng từ từ 2.200 – 3.2000m2 để sản xuất các loại rau, củ, quả chất lượng cao.
Toàn bộ vườn cây được anh lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân tự động. Quá trình sản xuất, anh không còn phụ thuộc vào thời tiết, kiểm soát được dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư.
Thời gian thu hoạch sản phẩm cũng dài hơn nhiều so với canh tác ngoài trời. “Nhà kính kiểm soát được 80% rủi ro do nắng mưa thất thường, sâu bệnh. Năm vừa rồi tôi thu được hơn 2 tỷ đồng sau khi trừ chi phí”, anh Tuấn cho biết.
Đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), đầu tư xây dựng 2 khu nhà kính rộng hơn 4.500m2.
Công ty chuyên trồng dưa lưới, dâu tây, dưa leo, hoa, các loại rau. Ngoài nhà kính, Công ty đầu tư hệ thống tưới nước, bón phân tự động 100%.
Các chỉ số về độ ẩm, nhiệt độ, dưỡng chất… trong vườn cây đều được Công ty kiểm soát bằng thiết bị cảm biến. Các chỉ số về dinh dưỡng trong nước, độ pH đều được đo mỗi ngày bằng máy móc hiện đại.
Bà Bùi Thị Khánh Hòa, Giám đốc Công ty cho biết, sử dụng công nghệ để kiểm soát các yếu tố tác động đến quá trình cây trồng phát triển đã giúp giảm rủi ro về thời tiết, sâu bệnh.
Hiệu quả sản xuất của Công ty hầu như đều đạt tối đa. Trong đó, các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, luôn được thị trường đón nhận.
Mỗi năm Công ty sản xuất 2.000m2 dưa lưới, rải đều trong 3 vụ. Mỗi vụ Công ty thu 6 tấn quả, với giá bán 70.000 đồng/kg. Dâu tây mỗi năm Công ty sản xuất được 10.000 gốc, thu được khoảng 3 tấn quả, giá bán từ 450.000 – 500.000 đồng/kg. Các sản phẩm khác như dưa baby, hoa, rau đang ở dạng thử nghiệm…
Bà Hòa cho biết, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp giúp Công ty hầu như không cần dùng tới sức người và không phụ thuộc vào thời tiết.
Các công đoạn chăm sóc cây trồng chủ yếu được điều khiển qua hệ thống máy móc. Các quá trình chăm sóc cây trồng, nếu xảy ra hiện tượng bất thường, máy sẽ báo về app trên điện thoại và sẽ được kiểm tra, xử lý nhanh chóng.
“Hạn chế duy nhất của việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao này là chi phí đầu tư ban đầu lớn. Người sản xuất cần có nguồn lực và vốn lớn mới có thể thực hiện được”, bà Hòa chia sẻ.
Hiện nay, tại Đắk Nông đã có hàng trăm người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao. Hướng đầu tư này đã giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giúp bà con tránh được sự tác động của thời tiết, nhất là biến đổi khí hậu; kiểm soát tốt dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế..
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, hướng sản xuất này là mục tiêu tại Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai gần 5 năm nay.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ở Đắk Nông đã tạo ra bước đột phá, đưa nông nghiệp phát triển cả về quy mô và trình độ canh tác.
Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vì thế đang phát triển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng, đạt các tiêu chuẩn để vào các siêu thị lớn và xuất khẩu…
Mục tiêu tại Nghị quyết 12 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh Đắk Nông phấn đấu có 85.000 ha ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Công nghệ được áp dụng chủ yếu ứng dụng giống mới, đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới, tưới tự động, tưới tiên tiến, tưới nước tiết kiệm… và các công nghệ mới khác như canh tác thủy canh, sản xuất trên giá thể, nông nghiệp hữu cơ từng bước được ứng dụng vào sản xuất. Tổng sản lượng hàng năm ước đạt trên 404.000 tấn.
Đến năm 2025, hình thành và phát triển thêm 12 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng số vùng của tỉnh lên 16 vùng. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng một số công nghệ cao chiếm từ 15% – 20% trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Công nhận thêm 3 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 5 doanh nghiệp.