Nhưng khác với Hội An luôn tìm cách thu hút đông du khách quốc tế, Venice thu phí nhằm hạn chế lượng khách du lịch sau những cuộc biểu tình của cư dân địa phương than phiền du khách quá đông đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ.
Trước đại dịch, số lượng khách trong ngày đến khu phố cổ Venice thường gấp đôi dân số cư trú.
Năm ngoái, chính quyền Venice đã thông báo việc áp dụng phí tham quan khu phố cổ được ấn định vào 16.1.2023. Tuy nhiên, vào đầu năm nay, hội đồng thành phố cho biết kế hoạch này đã lại bị hoãn lại và chưa có ngày triển khai cụ thể.
Thời điểm đó, báo chí Ý cho rằng, nếu Venice thu tiền vé, nơi này trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới thu phí du khách vào cổng. Nên việc Venice tạm dừng áp dụng chính sách trên, phố cổ Hội An thay thế vai trò của Venice trở thành thành phố đầu tiên và duy nhất hiện nay trên thế giới bán vé vào vùng lõi di sản.
Trở lại với việc bán vé của Venice, vé vào cổng được đề xuất bán cho những du khách không ở lại qua đêm tại phố cổ, còn những người ngủ lại khách sạn đã phải trả thuế du lịch.
Chuyên gia du lịch: ‘Bán vé tham quan Hội An là phi lý, không bình thường!’
Nguồn thu từ vé sẽ dành cho các dịch vụ có lợi cho cư dân Venice bao gồm bảo trì, dọn dẹp vệ sinh và giảm chi phí sinh hoạt.
Một số nhóm người sẽ không phải trả tiền trong ngày, bao gồm cư dân của vùng Veneto, sinh viên và những người đến thăm các thành viên gia đình cư trú trong phố cổ.
Vé vào cửa sẽ có giá từ 3 đến 10 euro tùy theo mùa. Tiền phạt vi phạm trốn vé từ 50 – 300 euro.
Mỗi năm có 20 triệu du khách nước ngoài đến thăm Venice – thành phố được xây dựng vào thế kỷ thứ 5, trải rộng trên 118 đảo nhỏ, từng là thương cảng lớn ở thế kỷ 10. Toàn bộ Venice là một kiệt tác kiến trúc, với 200 kênh đào lớn nhỏ thông với Grand Canal.
UNESCO công nhận Venice và vùng đầm phá đông bắc nước Ý là di sản thế giới. Venice hình thành bên mép biển để tránh những cuộc chiến tranh và là một trong những thành phố được xây dựng phi thường nhất thời Trung Cổ. Những nhóm đảo nhỏ được tổ chức thành một đô thị độc đáo trong địa hình mạng lưới kênh nước chằng chịt.
Nhiều thành phố cổ trên thế giới cũng không thu tiền vé du khách. Vé chỉ được bán khi khách vào tham quan từng di tích, như cách Hội An đang làm trong những năm vừa qua. Chẳng hạn thành phố Athens có lịch sử 7.000 năm, cái nôi của văn minh phương Tây, nơi mà mỗi bước chân du khách đều có thể chạm vào dấu tích cổ xưa. Thế nhưng, thành phố không bán vé cho du khách vào Athens. Vé chỉ được bán khi khách đến các điểm tham quan như đền Parthenon, đồi Acropolis, quảng trường Agora cổ đại, đền thờ thần Zeus…
Nhiều thành phố cổ ở châu Á cũng không bán vé vào cổng.
Theo lý giải của Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn, nguồn thu từ vé tham quan phục vụ cho việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích, cải tạo hạ tầng trong khu phố cổ, tổ chức các sự kiện du lịch, cũng như hỗ trợ người dân trong việc trùng tu, cải tạo nhà… Đồng thời, bắt buộc mua vé đối với tất cả du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An là để đảm bảo công bằng đối với địa phương và du khách.