Đồng thời tiếp tục thể hiện cái gốc đạo đức của người cách mạng trong xây dựng Đảng để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, đặc biệt tại thời điểm chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp hiện nay.
Từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, chưa kể con số hàng nghìn cán bộ các cấp bị xử lý, chỉ nhìn vào con số 141 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý bị kỷ luật, thậm chí nhiều người bị xử lý hình sự cũng cho thấy, việc chấn chỉnh đạo đức cán bộ, đảng viên, xây dựng văn hóa liêm chính là việc cấp thiết phải làm, bởi trong số cán bộ vi phạm, đa số đều có năng lực, nhưng bị tha hóa bởi lợi ích và quyền lực.
Câu chuyện “dưỡng liêm”
Qua các tư liệu lịch sử cho thấy, sinh thời, một trong những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, để Đảng xứng đáng là đạo đức, là văn minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đạo đức cách mạng là gốc của người cách mạng. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” năm 1927, ngay trang đầu tiên của tác phẩm, Người đã nêu lên 23 điều về tư cách của người cách mạng, tập trung giải quyết ba mối quan hệ cơ bản, đó là với mình, với người, với việc.
Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” viết năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một câu có giá trị soi sáng cho tới ngày hôm nay, kể cả sau này. Đó là “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ, nhưng dù to hay nhỏ có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét (tham ô), có dịp ăn của đút (nhận hối lộ), có dịp dĩ công vi tư (lấy của công làm của tư). Trong Di chúc, khi nói về Đảng, người yêu cầu: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đồng thời, Người cũng thường xuyên cảnh báo nguy cơ rơi vào bất liêm; vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ “liêm” làm đầu.
“Nếu mình “xây” tốt ở các cán bộ quản lý, việc xây dựng Đảng về đạo đức sẽ thành công. Qua đó đẩy lùi được tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lạm quyền để mưu lợi riêng. Theo tôi, chữ “liêm chính” cần nhận thức ở trên góc độ cả văn hóa và đạo đức”, PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng với cán bộ, đảng viên, đấu tranh chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức luôn được đặt ra. Đặc biệt, lần đầu tiên, trong văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện cả về chính trị, về tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Đồng thời yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải “rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính”.
Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên và coi đây là một trong những giải pháp cốt lõi, căn cơ để xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt là vấn đề liên tục được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến trong các bài viết, phát biểu. Trong đó, cố Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh: “Muốn cành, lá không bị sâu bệnh thì cái “gốc đạo đức” phải được vun xới không ngừng nghỉ”. Đồng thời, cố Tổng Bí thư cũng đã rất nhiều lần nói về liêm chính và xây dựng văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó khẳng định: “Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là liêm vậy. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Hơn nữa, chính là tinh thần chí công vô tư, “dĩ công vi thượng” và biết quên mình mà làm chuyện ích lợi chung. Người liêm khiết thì luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được thơm tho, không lợi dụng địa vị mình để “chiếm công vi tư”, để nhũng nhiễu, bóc lột đồng loại. Một công bộc quốc gia liêm chính phải có đức, có tài, biết kính trọng nghề nghiệp, vui vẻ với mọi người, công chính vô tư; biết lễ, phép, biết hay, dở, phải, trái. Chung quy một người liêm chính là người tài đức xứng với danh vị của mình, với chức tước, phận vị của mình”.
Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng về xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, trong đó xây dựng Đảng về đạo đức là nền tảng, để “dưỡng liêm”, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 “về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, trong đó cũng nhấn mạnh, một trong những phẩm chất lõi, quan trọng của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với công việc, đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng, thể hiện nội hàm năng lực trong bảo đảm thực thi, hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách được giao phó. Trong đó, nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để bị tác động, lôi kéo, dẫn đến tiêu cực…
Vừa qua, chủ trì phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo đã lưu ý 5 nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, yêu cầu kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực… Đây là điều rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi tham nhũng, tiêu cực là “giặc ở trong lòng”, xây dựng văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là giải pháp xây, nhiệm vụ phòng có ý nghĩa gốc rễ, căn cơ, lâu dài.
Điều đó cho thấy, câu chuyện “dưỡng liêm”, xây dựng văn hóa liêm chính luôn là vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ, góp phần rất lớn trong xây dựng Đảng về đạo đức. Như PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) qua nghiên cứu đã chỉ ra, công việc xây dựng Đảng bắt đầu từ xây dựng đội ngũ cán bộ. Xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ phải bắt đầu từ xây dựng nền tảng “Đạo đức nghề nghiệp”. Xây dựng nền tảng “Đạo đức nghề nghiệp” phải đi từ sự liêm chính. “Liêm chính” không chỉ là đạo đức của cá nhân, của xã hội mà còn là đạo đức của Đảng, phản ánh trí tuệ, văn hóa của Đảng, bản chất tốt đẹp của Đảng. Có liêm chính thì Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng sẽ “là đạo đức, là văn minh”.
Bài học đắt giá khi cái gốc đạo đức bị lung lay
Như các nhà nghiên cứu đã phân tích, trong khái niệm văn hóa liêm chính có hai mặt đối lập là: dùng quyền lực để phụng sự đất nước, Nhân dân và dùng quyền lực để mưu lợi ích cho cá nhân, gia đình, phe nhóm mình. Khi những người thiếu phẩm chất, nhân cách được trao quyền lực, họ sử dụng quyền lực theo mặt đối lập thứ hai.
“Chỉ tỉnh riêng 6 tháng đầu năm 2024, qua kiểm tra, giám sát đã kỷ luật 230 đảng viên do tham nhũng, 4.004 đảng viên do suy thoái, 13 đảng viên do vi phạm về kê khai tài sản. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, T.Ư đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện T.Ư quản lý. Trong số này có 2 phó thủ tướng, nguyên phó thủ tướng; 3 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 7 bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 11 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương; 18 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND tỉnh; 2 chủ tịch HĐND tỉnh; 4 phó bí thư, nguyên phó bí thư tỉnh ủy”, Phó Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cho biết.
Quyền lực được trao càng cao và càng lâu, sai phạm của họ càng nhiều, mức độ sai phạm càng nghiêm trọng, tổn thất cho Nhân dân càng lớn. Do đó, có nhiều biểu hiện của việc “bỏ quên chữ Liêm” mà xã hội đang lên án như: quan liêu, sách nhiễu dân, thiếu trách nhiệm, tham nhũng, bè phái… Những vi phạm này xảy ra ở hầu hết, nếu không phải ở tất cả, các cấp, ngành, địa phương, với những mức độ khác nhau. Điều đó ngày càng đòi hỏi phải đề cao hơn việc xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó có văn hóa liêm chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc đề cao liêm chính cũng chính là xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng hiện nay.
Thực tế thời gian qua, bên cạnh phần lớn cán bộ giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện liêm chính nghiêm túc, cũng có không ít cán bộ lại quên đi điều đó, do nhiều nguyên nhân khiến họ đi đến chỗ tha hóa, biến chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất… Nhiều người còn câu kết, hình thành các “lợi ích nhóm”, cùng nhau tham nhũng, tham ô tài sản, bòn rút hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước thông qua các dự án, các chương trình đầu tư, các công ty “sân sau”,…
Như những con số thống kê từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay cho thấy, chưa kể con số hàng nghìn cán bộ các cấp bị xử lý, chỉ nhìn vào con số 141 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý (trong đó có 31 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư, 24 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang) bị kỷ luật, thậm chí nhiều người bị xử lý hình sự (từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã xử lý hình sự 55 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, trong đó có 16 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư Đảng). Từ những con số đó có thể vui vì Đảng đã loại trừ được những người “tha hóa”, nhưng cũng rất buồn vì vi phạm, sự suy thoái, tự chuyển hóa vẫn đang hiện hữu, vẫn là một mối lo, cần chấn chỉnh.
Nhìn nhận từ kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, PGS.TS Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an) cho rằng, chính “gốc đạo đức” không bền là nguyên nhân dẫn tới nhiều cán bộ, đảng viên bị tha hóa, biến chất, có hành vi nhận tham ô, hối lộ. Trong đó có không ít cán bộ được đánh giá là có năng lực, nhưng đã bỏ quên chữ “liêm” dẫn đến những sai phạm, lợi dụng chức quyền, cương vị công việc được giao để vun vén, trục lợi bằng rất nhiều hình thức, dẫn đến phải xử lý kỷ luật Đảng và chính quyền, rất nhiều trường hợp bị truy tố, chịu án tù. Có thể nói, văn hóa liêm chính trong một bộ phận đông cán bộ lãnh đạo các cấp đang bị phai nhạt nên “động đến chỗ nào là thấy sai phạm chỗ đó”.
Trong khi kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tha hóa, biến chất đang là những công việc được Đảng, Nhà nước quyết liệt thực hiện để chấn chỉnh đạo đức cán bộ đúng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỳ vọng của người dân, những vụ việc bị xử lý vừa qua chính là bài học hết sức quý báu đối với cán bộ đang đương chức, đương quyền. Bài học đó như tấm gương, để làm sao mỗi cán bộ soi vào, giữ vững được đạo đức, giữ được tấm lòng trong sáng, coi phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân là trách nhiệm, nhưng cũng là vinh dự lớn của người cán bộ, đảng viên.
Như PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc đã nêu quan điểm: “Mỗi cán bộ liêm chính sẽ góp phần tạo nên đội ngũ liêm chính, hệ thống liêm chính. Việc xây dựng “Văn hóa liêm chính”, chú trọng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho mỗi cán bộ, đảng viên là những giải pháp cơ bản, lâu dài. Đây chính là gốc rễ, nền tảng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”.
“Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh cần nâng tầm liêm, chính lên thành “văn hóa liêm, chính” trong mọi mặt của đời sống xã hội. Văn hóa liêm chính là hệ thống giá trị, nguyên tắc và hành vi được thể hiện qua sự trung thực, công bằng, minh bạch và trách nhiệm trong mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức. Văn hóa liêm chính là khi mỗi cá nhân và tổ chức hành động trung thực và đạo đức, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Khi văn hóa này thấm vào từng quyết định và hành động, không chỉ ngăn ngừa được hành vi tham nhũng, tiêu cực từ gốc rễ mà còn xây dựng được một cộng đồng vững mạnh; niềm tin của công chúng vào hệ thống chính quyền và các tổ chức sẽ được củng cố vững chắc”, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói.
Nguồn: https://moha.gov.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-noi-bat.aspx?ItemID=56442