Vòng đời chưa dài
Trên mạng xã hội facebook, gần như ngày nào Công ty VKStar cũng chia sẻ những hình ảnh khách du lịch đến xem show diễn áo dài của mình tại Đà Nẵng. Mừng cho doanh nghiệp vì hoạt động kinh doanh đã phục hồi, nhưng lại thấy chạnh lòng cho du lịch Huế. Đáng lẽ ra, show áo dài này phải được tổ chức tại TP. Huế mới phải.
Hẹn gặp nhiều lần, mà phải đến buổi đối thoại giữa doanh nghiệp du lịch Huế và lãnh đạo tỉnh đầu năm 2023 mới gặp được bà Nguyễn Lan Vy, Tổng Giám đốc VKStar để biết vì sao chương trình bỏ Huế mà đi. Bà Vy giải thích, công ty gặp khó khăn về việc thuê mặt bằng tại TP. Huế. Nhiều địa điểm phù hợp thì không thể thuê được. Sau khi cân đối, công ty đã phải tạm đóng cửa hoạt động tại Huế và dời chương trình áo dài show vào Đà Nẵng.
Trước đây, chương trình áo dài show tổ chức hiệu quả, đã kết nối và đưa nhiều nguồn khách quốc tế đến Huế. Vào thời điểm trước dịch COVID-19, sản phẩm văn hóa này đã phục vụ khoảng 200 ngàn lượt khách quốc tế/năm, chủ yếu là khách Hàn Quốc, Thái Lan. Nếu tính ra, số lượng khách quốc tế mà chương trình này phục vụ đạt đến 10% tổng số khách quốc tế đến Huế năm 2019 (khoảng 2,1 triệu lượt). Đó là một con số “khủng” đối với một doanh nghiệp du lịch.
Bà Nguyễn Lan Vy mong muốn: “Tôi là người Huế, luôn mong muốn cống hiến cho quê hương. Vì vậy, chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng lại show ở Huế. Mong lãnh đạo tỉnh, TP. Huế quan tâm và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thuê mặt bằng xây dựng không gian phát triển sản phẩm du lịch. Áo dài show là sản phẩm du lịch tâm huyết của doanh nghiệp, tạo điều kiện việc làm cho hơn 200 người lao động và sinh viên tại Huế, cũng như kết nối, tăng khả năng thu hút các đoàn khách quốc tế đến lưu trú và trải nghiệm các dịch vụ du lịch khác của Huế”.
Đó chỉ là một trong những sản phẩm tiêu biểu, chứng minh được giá trị quan trọng, nhưng cũng phải tạm dừng hoạt động khi chỉ mới đưa vào hoạt động vài năm (từ năm 2017). Ở Huế, có rất nhiều sản phẩm mới, được đánh giá hấp dẫn, độc đáo, nhưng rồi cũng cùng chung số phận, gặp quá nhiều thách thức trong duy trì hoạt động. Sản phẩm “Trà chiều trên sông Hương” được “liên minh” các doanh nghiệp bắt đầu khai thác vào tháng 3/2022, nhưng chỉ sau vài tháng, dịch vụ do các doanh nghiệp tổ chức tạm dừng. Hiện dịch vụ chuyển sang một đơn vị khác khai thác, nhưng sức hút đã không còn như trước. Hay như dịch vụ trải nghiệm ở Đông Khuyết Đài (Đại Nội), chỉ sau khoảng một năm đưa vào khai thác cũng phải đóng cửa.
Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh đánh giá, nhiều sản phẩm mới được ra đời, nhưng đa số là những sản phẩm còn chạy theo xu thế, có vòng đời ngắn, đối tượng khách hàng hướng đến là khách phổ thông. Còn những sản phẩm có chiều sâu về văn hóa lại chưa nhiều, hoặc có cũng không thể duy trì.
Còn thiếu nhiều thứ
Để thu hút khách, quan trọng nhất vẫn là sản phẩm. Vai trò đó đã được khẳng định, nhưng theo các doanh nghiệp, đầu tư sản phẩm du lịch và khai thác dịch vụ ở Huế gặp nhiều thách thức, rủi ro hơn rất nhiều so với các địa phương khác.
Du lịch Huế đang thiếu những điểm vui chơi, giải trí; điểm biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm văn hóa có tính quy mô từ nhỏ đến lớn. Trong khi đó, vui chơi, giải trí lại là dòng sản phẩm quan trọng, được hầu hết các thị trường khách lựa chọn. Thấy được điều này nên không ít doanh nghiệp nghiên cứu khai thác.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành, việc đầu tư khai thác dịch vụ ở các không gian ở Huế gặp nhiều trở ngại. Các chính sách riêng để thu hút đầu tư ở các không gian chưa có. Các không gian được định hướng khai thác dịch vụ du lịch ít được công bố. Cùng với đó, không có các thông tin về thủ tục pháp lý nên quá trình tiến hành các thủ tục đầu tư, khai thác dịch vụ kéo dài, hoặc khó thực hiện.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Du lịch Đại Bàng phân tích, đầu tư sản phẩm du lịch đang dần thay đổi. Đầu tư có thể nhỏ, nhưng chỉn chu, hoàn thiện dịch vụ đã có thể thu hút được khách. Có cảm giác rằng, tỉnh đang “xem nhẹ” những sản phẩm có vốn đầu tư nhỏ; trong khi, phân tích quá trình phát triển của những doanh nghiệp du lịch lớn hiện nay cho thấy, họ cũng bắt đầu từ những sản phẩm nhỏ, rồi dần mở rộng quy mô.
“Cần có những đánh giá về vai trò của từng nhà đầu tư, cho từng sản phẩm cụ thể. Cần ưu tiên những sản phẩm mà Huế đang thiếu. Trong nhiều giải pháp, tính minh bạch thông tin cần được làm tốt hơn. Như Rú Chá sẽ được đầu tư như thế nào, dịch vụ gì, yêu cầu môi trường như thế nào… những thông tin phải rõ ràng. Cùng với đó, thúc đẩy hỗ trợ giải quyết các vướng mắc. Nếu quá trình đầu tư kéo dài hơn dự kiến khoảng 6 tháng, xem như dự án đó thất bại. Như ở Huế, đầu tư dịch vụ vào mùa hè thì khoảng tháng 1-2 là phải hoàn thiện, nếu kéo dài thêm vài tháng thì hết mùa du lịch hè”, ông Thuận góp ý.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp trong đầu tư, xây dựng sản phẩm, hiện nay tỉnh đang triển khai quy hoạch toàn tỉnh, gắn với phát triển sản phẩm du lịch. Ngoài sản phẩm văn hóa, di sản, tỉnh quan tâm đến nhiều sản phẩm khác, được cụ thể hóa bằng các đề án du lịch tâm linh, suối thác, du lịch chăm sóc sức khỏe…