Sau tất cả những việc làm ý nghĩa, điều mà thầy cô vùng biên Gia Lai mong muốn các em học sinh nghèo vươn lên trong học tập và có cuộc sống bớt khó khăn vất vả.
Ngoài giờ lên lớp, khi nghe ở đâu có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ là cô Lê Thị Nhơn – giáo viên Trường THCS Chu Văn An (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) lại nhiệt tình tìm đến tận nơi để hỗ trợ. Hơn 7 năm qua, cô Nhơn đã không quản nhọc nhằn, bằng cả trái tim và lòng nhân ái của mình giúp đỡ hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện được cắp sách đến trường, vươn lên trong cuộc sống.
Cô giáo có trái tim nhân ái
Năm 2013, cô Nhơn tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng. Sau quá trình dạy học ở các trường khác nhau, đến năm 2017, cô Nhơn quyết định rời huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) – nơi mình sinh sống, vượt 200km để tìm về với mảnh đất biên giới Ia O. Nhận công tác tại Trường THCS Chu Văn An được 7 năm, cô Nhơn tận mắt chứng kiến tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc của các học sinh nơi đây. Từ đó, cô cố gắng tìm tòi, vận động các nguồn lực để giúp đỡ các em có điều kiện đến trường.
Ngoài giờ lên lớp, khi nghe ở đâu có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ là cô Lê Thị Nhơn lại nhiệt tình tìm đến tận chỗ để hỗ trợ |
Cô Nhơn cho biết, trong số 45 học sinh thuộc lớp cô chủ nhiệm thì chỉ có 7 học sinh người dân tộc Kinh, còn lại là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Một số bạn không có tiền đóng tiền xe nên không thể đến lớp, bạn thì không có áo quần đồng phục nên cũng nghỉ ngang vì sợ đi học bị trừ điểm nề nếp, số khác đi học nhưng không được ăn sáng, đói lả người đi.
“Nhìn học trò của mình đi học với bộ quần áo cũ sờn, cặp sách rách tả tơi, mệt lả vì đói, tôi thấy vô cùng xót xa và nghĩ mình cần làm một điều gì đó để giúp đỡ các em. Nói là làm, tôi bắt đầu bỏ tiền túi của mình để hỗ trợ các em, dù không đáng kể song phần nào đó tiếp thêm động lực cho các em tới trường” – cô Nhơn chia sẻ.
Từ nguồn huy động của các thầy cô, các phần quà của các mạnh thường quân gửi tặng đã tới tận tay các em học sinh Trường THCS Chu Văn An |
Nhìn lại khoảng thời gian khó khăn đã qua, cô Nhơn tâm sự, không ngờ mình lại có thể mạnh mẽ, kiên cường đến thế. Thời điểm năm 2017, cô Nhơn chỉ mới là giáo viên hợp đồng với đồng lương ít ỏi. Để có thêm kinh phí hỗ trợ học sinh, cô đã đi kêu gọi mọi người giúp đỡ thì một số người nói rằng cô “bày vẽ”, việc mình chưa lo xong mà lo chuyện thiên hạ. Một số khác khi cô ngỏ ý muốn xin quần áo, đồ ăn cho học sinh thì họ không cho vì nghĩ cô tư lợi bản thân.
“Mình đã từng áp lực, buồn rất nhiều khi nghe thấy những lời nói xấu sau lưng. Mình từng có ý nghĩ sẽ dừng việc hỗ trợ các em lại vì một mình mình làm thì không đủ kinh phí. Song mặc mọi lời dèm pha, mình nghĩ hơn ai hết, học sinh cần mình giúp đỡ nên mình đã gạt bỏ cái tôi để tiếp tục con đường mình đã chọn. Miễn sao mình không làm gì sai, lương tâm mình không áy náy là đã vui rồi” – cô Nhơn nói và những việc làm đầy ý nghĩa của cô Nhơn được mọi người công nhận, nhiều người biết tới và ủng hộ, chung tay.
Để có thêm kinh phí hỗ trợ học sinh, cô đã đi kêu gọi mọi người giúp đỡ |
Kể về kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình giúp đỡ học sinh, cô Nhơn chia sẻ: Có một học sinh ở làng Kloong mà mình chủ nhiệm năm học 2023-2024 phải nghỉ học vì gia đình khó khăn không có tiền đóng tiền xe. Nhà xa nên em không thể tự đi bộ tới trường, ba mẹ suốt ngày ở rẫy nên cũng đành để con nghỉ học. Khi mình vào nhà tìm, thấy cô thì em chạy trốn, không chịu gặp. Sau đó, mình đã đi xin gạo, áo quần, giày dép, xin hỗ trợ tiền xe nhân dịp văn nghệ gây quỹ để thuyết phục em đi học. Đến nay, em đã lên lớp 9, không còn tự ti như xưa nữa. Ngoài giờ học trên lớp, em còn tham gia vào các đội văn nghệ của trường.
Đầu năm học 2024-2025, cô Nhơn đã kết nối thêm các mạnh thường quân hỗ trợ gạo, mì tôm, vở cho học sinh, cô huy động được một người bạn hỗ trợ, trao tặng 60 xe đạp cho học sinh.
Mong trò nghèo có thêm nhiều sự giúp đỡ
Theo cô Nhơn, để cô có thể vững vàng giúp đỡ các em tới ngày hôm nay phần lớn là sự động viên, cùng chung sức của các thầy cô giáo Trường THCS Chu Văn An.
Hưởng ứng phong trào giúp đỡ học sinh vươn lên trong học tập, chi Đoàn và liên Đội Trường THCS Chu Văn An đã triển khai xây dựng các mô hình, chương trình thiện nguyện và vận động sự hỗ trợ từ nhiều nguồn. Bắt đầu từ những việc làm nhỏ như quyên góp sách vở, quần áo cho đến những mô hình sáng tạo hơn như “nuôi heo đất” với sự chung tay của tất cả giáo viên và học sinh trong trường. Sau đó, liên Đội mở rộng đối tượng, kêu gọi hỗ trợ từ các bậc phụ huynh và cơ quan, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Nhờ sự giúp đỡ của cô Nhơn và các thầy cô giáo, nhiều em học sinh đã vươn lên trong học tập và tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ tại trường |
Cô Trần Thị Mỹ Hằng – Bí thư chi Đoàn Trường THCS Chu Văn An – cho biết, những năm gần đây, nhà trường tham gia gian hàng gây quỹ “Nâng bước em đến trường” tại Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng. Sản phẩm bày bán là những mặt hàng đặc trưng của địa phương, đã thu hút nhiều du khách tham quan, ủng hộ.
Bên cạnh các mặt hàng đặc sản địa phương như: cá cơm khô, bánh tráng cá, hạt điều, măng khô, gian hàng còn phục vụ những thức ăn nhanh như: bò khô, khô gà lá chanh, xoài lắc, trà tắc, kem tươi và các loại nước giải khát.
“Chúng tôi mong muốn hỗ trợ một phần nào để giúp cho cuộc sống các em được vơi bớt khó khăn. Qua những phần quà thiết thực, các em sẽ cảm thấy rằng mình luôn được các thầy cô đồng hành và không hề cô đơn trong cuộc hành trình vượt khó tới trường” – cô Trần Thị Mỹ Hằng chia sẻ.
Gian hàng gây quỹ “Nâng bước em đến trường” tại Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2024 |
Qua 7 năm làm công việc thiện nguyện, cô Nhơn không nhớ hết là mình đã giúp đỡ cho bao nhiêu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi em học sinh là một hoàn cảnh, số phận khác nhau song sau tất cả những việc làm ý nghĩa ấy chắc có lẽ điều mà cô mong muốn nhất là các em sẽ vươn lên trong học tập, cuộc sống sẽ bớt vất vả, nhọc nhằn hơn. Thời gian tới, cô Nhơn hy vọng sẽ nhận được sự hữu duyên kết nối thêm nhiều mạnh thường quân để hỗ trợ cho các học sinh. Cô cũng ấp ủ một “cửa hàng bán online” để gây quỹ cho trò nghèo.
“Để đi được tới bây giờ thì không thể một mình độc hành mà đó là sự đóng góp của các thầy cô giáo, các mạnh thường quân. Hiện tại, vẫn còn nhiều khó khăn, tiền ăn của các em cũng phải đi xin khắp nơi, nhiều khi hết tiền phải ứng trước rồi lại đi xin sau nhưng thật mừng vì những hoạt động giúp đỡ các em chưa dừng lại” – cô Nhơn nói.
Thầy Nguyễn Duy Tân – Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An – chia sẻ: Ia O là xã biên giới của huyện Ia Grai. Toàn xã có 2.677 hộ với 11.132 khẩu. Tại điểm Trường THCS Chu Văn An (xã Ia O) có 856 học sinh thì có tới 511 em là người dân tộc thiểu số. Cuộc sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn nên con cái học hành cũng nhiều vất vả. Thời gian qua, nhờ sự vận động của các thầy cô giáo trong trường nói chung và cô Lê Thị Nhơn nói riêng, ngày càng có thêm các mạnh thường quân ủng hộ cho các em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Thật đáng quý khi trong cuộc sống hiện nay lại có những giáo viên vừa có tài, vừa có tâm như vậy.
Nguồn: https://congthuong.vn/gia-lai-nhung-tam-long-vang-cua-thay-co-voi-hoc-sinh-ngheo-noi-bien-gioi-362880.html