Có 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi sử dụng internet. Làm sao để bảo vệ các em trong một “thế giới phẳng’ với vô vàn điều tốt xấu đan xen?
82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi sử dụng internet. (Ảnh: TĐ) |
Tín hiệu vừa mừng vừa lo
Theo báo cáo gần đây nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), có 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi sử dụng internet. Con số này cho thấy đa số trẻ nhỏ tại Việt Nam sớm có cơ hội tiếp cận với thông tin trên không gian mạng. Điều này vừa là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng thách thức để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ tiềm ẩn từ môi trường mạng.
Ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam trong một dịp chia sẻ với truyền thông đã nhận định rằng internet có thể “kết nối các em với thế giới của những cơ hội và mang lại cho trẻ những kỹ năng cần thiết để thành công trong một thế giới công nghệ số”. Tuy nhiên, đi kèm những tiện ích không thể phủ nhận dành cho thế hệ trẻ, môi trường mạng cũng mang đến những rủi ro, hiểm họa khó lường.
Tính riêng 8 tháng đầu năm nay, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 251 cuộc gọi liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, có 142 cuộc gọi liên quan đến các hành vi xâm hại trẻ em nghiêm trọng trên không gian mạng: Xâm hại tình dục (67 cuộc), bắt nạt trên mạng (20 cuộc), bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm (30 cuộc), đưa thông tin cá nhân (3 cuộc). Số người quan tâm đến cách sử dụng internet an toàn cho trẻ em là 98 cuộc. |
Trong cuộc họp báo tháng 9 vừa qua, Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Tính riêng 8 tháng đầu năm nay, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 251 cuộc gọi liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Trong đó, có 142 cuộc gọi liên quan đến các hành vi xâm hại trẻ em nghiêm trọng trên không gian mạng: Xâm hại tình dục (67 cuộc), bắt nạt trên mạng (20 cuộc), bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm (30 cuộc), đưa thông tin cá nhân (3 cuộc). Số người quan tâm đến cách sử dụng internet an toàn cho trẻ em là 98 cuộc.
Không chỉ vậy, số lượng người dưới 18 tuổi mắc các hội chứng như nghiện internet, nghiện mạng xã hội, nghiện trò chơi trực tuyến vẫn có diễn biến phức tạp. Những căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, mà còn tác động xấu đến gia đình, người thân và xã hội.
Thêm nữa, hiện tượng tội phạm vị thành niên xuất phát từ “nghiện game”, “bắt chước game” tuy không phổ biến nhưng cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều bậc phụ huynh khi cho phép con cái sử dụng internet quá mức để vui chơi, giải trí mà không có bất kỳ sự giám sát nào.
Nỗ lực toàn diện, trên nhiều mặt trận
Trước thực trạng nêu trên, những tấm lá chắn phòng thủ trước tác động xấu của môi trường mạng đối với trẻ em ngày càng trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã sớm nhìn nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này thông qua việc xây dựng và ban hành một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng đã và đang cho thấy quyết tâm, nỗ lực luôn dành những điều tốt nhất cho trẻ em của Việt Nam.
Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết trong thời gian qua, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được xây dựng, bổ sung quy định trong một số văn bản, luật pháp, chính sách. Nổi bật nhất là hai Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 và Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN thống nhất thông qua Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN năm 2019, tiếp đó năm 2021 đã thông qua Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến.
Song song với đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức chiến dịch, hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng tờ rơi, tài liệu, clip hướng dẫn kỹ năng an toàn trên mạng cho trẻ em trên môi trường mạng. Những tài liệu này đã được gửi đến các tỉnh, thành phố và đăng tải trên website của Cục Trẻ em, Tổng đài 111.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với nhau, cùng đồng hành xử lý các vấn đề trẻ em trên môi trường mạng, có văn bản xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt, đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động thông tin, có công văn đề nghị kiểm tra, xử lý các nội dung đăng tải trên các báo điện tử, mạng xã hội có nội dung xấu, độc, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em ngay khi phát hiện các thông tin trên báo điện tử, mạng xã hội và từ phản ánh của người dân qua tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111).
Ngoài ra, nhằm giáo dục trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng, nhiều cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin dành cho học sinh đã được tổ chức thành công. Tính đến tháng 8 năm nay, có 740.250 học sinh của gần 5.417 trường trung học cơ sở trên 63 tỉnh, thành phố tham dự cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin” (cao hơn số liệu thống kê năm 2022 khoảng 140.000 học sinh).
Tọa đàm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trong khuôn khổ Lễ trao giải Cuộc thi học sinh với an toàn thông tin 2023. (Nguồn: Childfun) |
Không chỉ vậy, xác định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là nhiệm vụ của toàn xã hội, Chính phủ Việt Nam cũng tổ chức hàng loạt hội thảo, chương trình tập huấn dành cho nhiều nhóm đối tượng để tìm hiểu thực tiễn cũng như đưa ra các giải pháp, sáng kiến để bảo vệ trẻ em và hỗ trợ nạn nhân là trẻ em.
Nổi bật ngày 27/9 vừa qua, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã ra mắt Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng với sự tham gia của 11 thành viên ban đầu là các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tại Việt Nam. Chủ nhiệm Câu lạc bộ là ông Ngô Tuấn Anh – Phó chủ tịch VNISA, Tổng giám đốc công ty SCS (với Ban Chủ nhiệm gồm 6 thành viên). Đây là Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng đầu tiên của Việt Nam.
Thúc đẩy giải pháp, chuyên nghiệp hóa hệ thống
Tuy vậy, những nỗ lực bảo vệ trẻ em trên không gian mạng vẫn gặp phải một số khó khăn, tồn tại. Cụ thể như việc gỡ bỏ nội dung không lành mạnh còn gặp phải khó khăn vướng mắc do nguồn cung cấp thông tin từ một số nền tảng nước ngoài.
Việt Nam chưa thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM (Child Sexual Abuse Material) gồm thông tin, dữ liệu đặc tả về hình ảnh/video xâm hại trẻ em và có cơ chế để các cơ quan chức năng tham gia cập nhật, phân tích thông tin nhằm ngăn ngừa việc đăng tải, chia sẻ các hình ảnh/video xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Hiện tại các nguồn thu nhận thông tin chủ yếu qua Tổng đài 111, website vn-cop.vn và thường xuyên bị quá tải do thiếu nhân lực làm việc cũng như thiếu các trang thiết bị kỹ thuật để lưu trữ bằng chứng, hình ảnh, phân tích dữ liệu, kết nối xử lý vụ việc, chưa có khả năng kết nối với quốc tế…
Để khắc phục những hạn chế và phát huy tính hiệu quả trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nêu lên một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chi tiết các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân về trẻ em trên mạng, đặc biệt chú ý đến việc thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho trẻ em và cha mẹ về bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (trong phiên đối thoại với Việt Nam năm 2022).
Thứ hai, các cơ quan truyền thông, báo chí cần đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi đăng tin, bài về trẻ em.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần khuyến khích việc xây dựng các ứng dụng, phần mềm hay các nền tảng, trò chơi trực tuyến là sân chơi bổ ích cho trẻ em, giúp trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên không gian mạng.
Thứ tư, bản thân trẻ em cần tăng cường kiến thức và kỹ năng để biết tự bảo vệ mình, bảo vệ thông tin cá nhân và tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp liên ngành để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ngày càng hiệu quả hơn.
Như vậy, dù còn một số khó khăn vì hạn chế về nguồn lực, công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, thể hiện rõ những nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm và phát huy quyền trẻ em.