Trong một cuộc hội thảo về Di sản và Du lịch do trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức vừa mới đây, các đại biểu đã nhất trí cho rằng cần thiết phải xem mối quan hệ giữa di sản và du lịch là vấn đề cấp bách trong bối cảnh hướng tới sự phát triển bền vững, bảo tồn giá trị di sản trước các thách thức như thương mại hóa, biến đổi khí hậu và xung đột lợi ích.
GS.TS Lại Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho rằng: Đứng trước nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập thế giới, phát triển du lịch bền vững và công nghiệp văn hóa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, trong đó di sản văn hoá chính là nền tảng, nguồn lực, chất liệu quan trọng nhất cần phải được sử dụng, khai thác, phát huy đúng cách.
Ngày 24/11/2024, tại Madeira, Bồ Đào Nha, Tổ chức Giải thưởng thế giới (World Travel Awards) đã công bố Việt Nam là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2024”. Đây là lần thứ 5 Việt Nam được vinh danh ở hạng mục này, các lần trước vào năm 2019, 2020, 2022, 2023.
Cũng trong tháng 11/2024, Làng rau Trà Quế ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được vinh danh là Làng Du lịch tốt nhất năm 2024 của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism). Giải thưởng được đưa ra nhằm nâng cao vai trò của du lịch trong việc bảo vệ các làng quê vùng nông thôn, bao gồm cảnh quan, hệ thống tri thức, sự đa dạng sinh học và văn hóa, các hoạt động địa phương. UN Tourism đã ghi nhận tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú và nổi bật của Làng rau Trà Quế, cùng những cam kết và hành động của làng tuân thủ ba trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững.
Những cơ hội và thách thức đặt ra bởi công tác bảo tồn và phát huy di sản trong mối tương quan với phát triển du lịch nói riêng và phát triển bền vững nói chung của Việt Nam là những vấn đề thực tiễn, cần có sự tham vấn của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế làm nền tảng cho hoạch định và thực thi chính sách. Trong đó có việc chỉ ra những tác động hai chiều của du lịch và di sản, những vấn đề của cộng đồng trong ứng phó với những biến đổi từ hoạt động du lịch và chỉ ra những giải pháp nhằm phát huy di sản bền vững trong bối cảnh toàn cầu hoá.
Theo nghiên cứu của PGS.TS Quảng Đại Tuyên (Khoa Du lịch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) về quá trình thương mại hóa văn hóa Chăm đã ảnh hưởng đến tính xác thực của di sản cũng như cách cộng đồng nhận thức và phản ứng trước sự phát triển du lịch như thế nào, cho thấy: Trong không gian làng, các nghi lễ và phong tục được trình diễn đã có sự điều chỉnh nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách mà vẫn giữ được nét cốt lõi của văn hóa Chăm. Ngược lại, trong không gian đền tháp cũng đã phải có những điều chỉnh trước áp lực từ du lịch.
Còn theo TS Trương Thị Thu Hằng – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), sau khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2005, không gian của thực hành cồng chiêng đã lan rộng phục vụ cho du lịch. Trình diễn cồng chiêng đã được đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sử dụng như một trong những điểm thu hút du khách, và điều này cũng mang lại vật chất đáng kể cho họ.
Theo TS Đinh Thị Thanh Huyền (Khoa Nhân học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), các di sản văn hóa Việt Nam đang đứng trước ngã tư đường của sự lựa chọn giữa gìn giữ tình trạng nguyên gốc của di sản hay bảo tồn di sản trong tình trạng sống động của nó. Trường hợp Di sản Quan họ cũng vậy, đã trải qua nhiều biến thiên trước thời cuộc, có những yếu tố hình thành từ trong quá khứ vẫn được gìn giữ, nhưng cũng có nhiều yếu tố mới được thu nhận vào trong văn hóa Quan họ.
TS Huyền cho rằng: Những yếu tố cốt lõi của Quan họ cổ như niềm tin tôn giáo của dân ca như kết chạ, triết lý âm dương hòa hợp, và cách hát lề lối không nhạc đệm có xu hướng nhạt dần, trong khi xu hướng cải biên với ca từ mới và cách hát có nhạc đệm đang dần chiếm ưu thế. Thực trạng này đặt ra câu hỏi về vai trò của cộng đồng và nhà nước trong việc tìm kiếm phương thức bảo tồn khả dĩ có thể giữ gìn được vốn cổ và phát huy được giá trị của di sản.
Trên cơ sở đó, có thể thấy rằng cách bảo tồn tối ưu di sản văn hóa quan họ là sự kết hợp giữa mô hình bảo tàng sinh thái và phát triển du lịch cộng đồng. Hai mô hình này có mối quan hệ tương hỗ, giúp nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn di sản và mang lại cho người dân địa phương lợi ích thiết thực từ chính di sản của mình.
Hội thảo về Di sản và Du lịch do trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức.
Việt Nam, với cảnh quan thiên nhiên phong phú và nền văn hóa giàu bản sắc, đa dạng, đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực phát triển các sản phẩm du lịch mới và sáng tạo dựa trên các giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển là những thách thức to lớn về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Chúng ta nhận thấy rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế và xã hội mạnh mẽ, việc duy trì sự cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Việt Nam, với nguồn tài nguyên du lịch là những di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm bảo tồn những giá trị văn hóa này cho các thế hệ tương lai.
Chúng ta không chỉ mong muốn phát triển du lịch bền vững về mặt kinh tế, mà còn về môi trường và xã hội, để từ đó xây dựng một tương lai nơi du lịch không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn, mà còn tạo ra giá trị lâu dài.
(Ông Phạm Văn Thuỷ – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam)
Nguồn: https://daidoanket.vn/nhung-tac-dong-hai-chieu-giua-du-lich-va-di-san-10297391.html