Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu dễ khiến người khác cảm tình ngay trong lần gặp đầu tiên nhờ sự ấm áp, đáng tin và thanh lịch chuẩn mực của một người đã có nhiều năm làm công tác ngoại giao, Thương vụ. Trong câu chuyện của bà với chúng tôi, cụm từ “hàng Việt Nam” được nhắc đến rất nhiều.
Bà chia sẻ, Bắc Âu là các nước nhỏ, có nền kinh tế mở, hiện đại, xuất nhập khẩu thường chiếm 50-60% GDP. Mặc dù dân số ít nhưng kim ngạch nhập khẩu của các nước Bắc Âu khá ấn tượng. Đây là cơ hội cho Việt Nam – vốn là một quốc gia mạnh về sản xuất hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực EU nói chung và Bắc Âu nói riêng.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu sẽ khó hơn rất nhiều nếu so với các nước trong EU có dân số lớn và nằm ở vị trí trung tâm châu Âu. Nguyên nhân do Bắc Âu nằm ở rất xa, chi phí để đưa hàng hoá đến đây rất lớn. Doanh nghiệp Việt Nam thường chọn đưa hàng vào thị trường Bắc Âu thông qua các nhà nhập khẩu trung gian lớn tại Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, và Ba Lan.
Đối với công tác xúc tiến thương mại, phương thức tiếp cận với phương thức cũ cũng không mang lại hiệu quả cao mà cần phải định hướng lại với cách tiếp cận mới. Chính vì vậy, Thương vụ đã tận dụng tất cả những dịp như Lễ, Tết, ngày Quốc khánh Việt Nam… để có thể mời khách đến với Thương vụ, quảng bá cho hình ảnh, thương hiệu, hàng hoá Việt Nam bằng những thứ nhỏ nhất như đồ ăn, nước uống… Rồi đến những hội chợ với quy mô lớn hơn cùng ăm ắp những thương hiệu Việt Nam như cà phê Trung Nguyên, mỳ tôm Hảo Hảo, phở Vifon, tương ớt Chinsu, Vinamit… đã giúp đưa các sản phẩm, hàng hoá Việt đến người dân nước sở tại một cách nhẹ nhàng và tự nhiên nhất.