Không chỉ trồng sen để ướp trà, dưới đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân và sự dày công tìm tòi, nghiên cứu của các nhà khoa học, cây sen còn mang đến nhiều sản phẩm vô cùng độc đáo. Điển hình như tơ sen của nghệ nhân Hà Nội Phan Thị Thuận đã trở thành một sản phẩm đặc biệt được nhiều bạn bè quốc tế biết đến…
Nếu đến Hà Nội vào một ngày đầu thu xao xác gió, thức quà mà không ai có thể bỏ qua đó là một gói cốm làng Vòng thơm man mát gói bằng một sợi rơm nếp hanh hao, bọc bên ngoài là chiếc lá sen tươi sẫm, giở ra hít hà như thấy cả một trời thu Hà Nội.
Còn vào ngày hè nóng nực thế này, bạn có thể thưởng thức chè long nhãn hạt sen mát lành ở bất kỳ quán chè nhỏ ven đường nào. Phố cổ Hà Nội thì càng nhiều quán chè ngon, và dù quán có du nhập đủ thứ chè Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn hay tận Thái Lan thì bạn cũng sẽ nhận được một bát chè được làm từ các nguyên liệu rất đơn giản như hạt sen, quả nhãn, đường phèn từ tay một bà cụ tóc trắng như cước, da đã đồi mồi, nói giọng nhỏ nhẹ chuẩn Hà Nội “gốc”.
Những quán chè ở phố Hàng Cân hay Gia Ngư hôm nay vẫn luôn được các bạn trẻ “truyền tai” nhau trên mạng là những hàng chè truyền thống ngon nhất phố cổ một phần có lẽ nhờ vị bùi thơm đặc trưng của hạt sen, cái ngọt, dai vừa phải của trái nhãn và cách thức nấu gia truyền tạo hương vị đặc trưng khó lẫn. Món ăn này còn thể hiện được sự khéo léo, tỉ mỉ và tay nghề cắt tỉa công phu của những cô gái Hà Nội đảm đang xưa khi hạt sen được lồng vào quả nhãn một cách tròn trịa, tinh tế chỉ qua một khe hở nhỏ…
Đó chỉ là rất ít những thực phẩm đến từ cây sen, bởi theo thống kê, các nghệ nhân đã chế biến được đến 200 món ăn, thức uống với nguyên liệu chính từ sen như củ sen, ngó sen, hạt sen, lá sen, tim sen… Sen là nguồn cảm hứng bất tận cho các đầu bếp tại gia và chuyên nghiệp sáng tạo ra các món ăn mới, là loại cây đặc biệt khi từ lá sen, ngó sen, củ sen, hạt sen đến tim sen đều có tính ứng dụng riêng trong ẩm thực và y học. Những món ăn nổi tiếng làm từ sen có thể kể đến như chè hạt sen, mứt sen, trà hoa sen, trà tim sen, chè long nhãn, cơm lá sen…; trong đó, sang trọng và cầu kì nhất là cơm lá sen và chè long nhãn hạt sen, hai món ăn được vua chúa và giới quý tộc xưa ưa chuộng.
Cơm hấp lá sen được nấu từ những hạt gạo chất lượng, tròn, đẹp và những hạt sen tươi mới nhất. Để trang trí và tăng thêm hương vị cho món cơm, người ta cho thêm đậu hũ chiên, tôm chay, chả lụa chay, đậu cô ve , nấm đông cô, cà rốt hay chả quế, chả lụa, trứng gà, xá xíu… mỗi thứ một chút. Người đầu bếp tinh tế xào riêng các nguyên liệu rồi đặt lên cơm, gói trong lá sen để hương vị của lá thấm đẫm vào từng hạt gạo. Cơm hấp lá sen là đỉnh cao nghệ thuật “ăn bằng mắt” của ẩm thực cung đình.
Một món đặc biệt nữa từ sen không thể bỏ qua đó là ngó sen. Ngó sen nõn nà, ngòn ngọt và thơm mát như tan trong miệng thường được sử dụng trong các món gỏi như gỏi tôm thịt, gỏi hải sản, gỏi chay hay các món xào… Các món được làm từ ngó sen sẽ có vị giòn ngọt kết hợp cùng nước sốt chua cay và đậm đà sẽ tạo nên những món ăn vô cùng đậm vị, nhận sự yêu thích của nhiều người, phổ biến ở nhiều vùng miền và có mặt từ bữa cơm gia đình đến những bàn tiệc sang trọng…
Nếu ẩm thực là giá trị truyền thống của cây sen từ hàng trăm năm qua thì trong cuộc sống hiện đại, cây sen còn mang lại giá trị lớn hơn rất nhiều. Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, đời sen dâng hiến cho con người thêm rất nhiều sản vật độc đáo hữu dụng. Một lần đến với Festival nghề truyền thống Huế, tôi cũng đã từng thấy các loại rượu sen, tranh sen, nón lá sen, khăn sen, quạt sen…. Và cây sen dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Hà Nội còn cho nhiều sản phẩm độc đáo khác nữa.
Chị Nguyễn Thanh Tuyền, Phó Giám đốc điều hành Hợp tác xã bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn chia sẻ: “Cây sen là một trong những loại cây trồng không bỏ phí thứ gì, từ thân, lá, củ, hoa… Nếu biết tận dụng, ứng dụng kỹ thuật vào bào chế, bảo quản sẽ cho ra những sản phẩm vô cùng giá trị. Qua 2 năm lặn lội, chúng tôi đã nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm độc đáo khác như phấn hoa sen chế biến thành đồ uống, mặt nạ sen được làm từ gạo sen và lô hội, công dụng rất tốt để nuôi dưỡng làn da mịn màng cho phụ nữ. Qua sản xuất thử nghiệm và lưu hành nội bộ, các sản phẩm làm đẹp từ sen có hiệu quả cao, hiện các sản phẩm này đang được gửi tới cơ quan chức năng để kiểm nghiệm và chứng thực chất lượng”.
Đặc biệt, với quy trình trồng 100% hữu cơ, lá sen Bách Diệp xanh, dày, mùi thơm đặc trưng được hợp tác xã và doanh nghiệp dược liệu thu mua để làm trà Thanh An, một loại trà uống có tác dụng giảm mỡ máu và giảm cân hiệu quả. Hy vọng rằng thời gian tới, các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe từ sen sẽ trở nên phổ biến…
Và một trong những người nâng tầm cây sen ứng dụng vào đời sống với sản phẩm độc đáo lụa dệt bằng tơ sen, mang hồn cốt của dân tộc phải kể tới nghệ nhân Phan Thị Thuận (ở xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức).
Kể về mối nhân duyên đến với tơ sen, bà Thuận nhớ lại: “Năm 2016, đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh về Mỹ Đức tìm người cùng tham gia đề tài nghiên cứu dệt lụa từ tơ sen. Trong lòng tôi vừa mừng vừa lo, vì đây chính là cơ hội để mình thỏa sức sáng tạo và nếu thành công sẽ mang được hồn cốt của sen Việt Nam vào từng tấm lụa, mang đến khắp năm châu. Nhưng lo vì sen không phải mùa nào cũng có và để lấy được tơ sen là một quá trình khó khăn, đòi hỏi kỹ thuật tỉ mẩn, khéo léo và mất rất nhiều tâm sức”.
Nhưng với quyết tâm và tình yêu với tơ lụa, nhất là với loài hoa cao quý mang biểu tượng của dân tộc, hết năm 2017, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nghiên cứu thành công tơ sen và dệt được tơ sen vào tơ tằm. Cũng trong năm đó, tơ sen được Nhà nước cho phép đưa vào đề tài nghiên cứu cấp quốc gia do GS.TS Nguyễn Duy Chuyên làm chủ nhiệm. Nghệ nhân Phan Thị Thuận là người cùng thực hiện đề tài và hy vọng vào sự thành công của tơ sen. Đến năm 2018, thước lụa đầu tiên được dệt từ 100% tơ sen đã được ra đời và đánh dấu thành công trong cuộc đời “se tơ dệt lụa” của bà.
Để làm ra được một chiếc khăn quàng cổ dài tầm 1,7m phải cần khoảng 4.800 cuống sen cùng rất nhiều công sức. Bà Thuận cùng cộng sự ngoài việc thu hái trong vùng trồng sen còn tự tay vớt những thân sen bỏ thừa trong các đầm, mang về rửa sạch, để ráo, phân loại cuống sen (cuống lá, cuống hoa, cuống đài sen…) để dễ dàng trong việc rút tơ se sợi, dệt lụa tơ sen trước khi huy động thu gom và hướng dẫn mọi người rút tơ sen làm nguyên liệu cho Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức.
Từng đó công đoạn mới cho ra một sản phẩm hoàn mỹ, thân thiện với môi trường và có độ bền bỉ, mềm mại và thoáng mát từ tơ sen… Sản phẩm từ tơ sen có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó, được ưa chuộng nhất là khăn quàng cổ. Ngay từ khi ra đời, lụa tơ sen đã tạo được tiếng vang trên khắp cả nước. Năm 2019, những mẫu khăn này đã được đoàn Chính phủ Việt Nam mang tới Hội nghị Thượng đỉnh G20 làm quà tặng cho bạn bè quốc tế.
Niềm vui giữa mùa sen năm nay là nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nhận thêm nhiều đơn hàng mới có giá trị, đặc biệt là đơn đặt hàng từ các cơ quan, tổ chức làm quà tặng trong các chuyến thăm quốc tế. Vui hơn nữa là có tỷ phú người Mỹ đích thân đặt bà Thuận làm đôi gối cưới từ tơ sen. Những sản phẩm từ tơ sen đã vượt đại dương đến với đông đảo bạn bè quốc tế. Bà Thuận hy vọng vào một ngày không xa, những sản phẩm từ tơ sen cũng sẽ được thêm nhiều người Việt biết tới, yêu thích, tin tưởng lựa chọn.
Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho hay: “Bằng kinh nghiệm đi tư vấn xây dựng phát triển các sản phẩm từ sen cho nhiều địa phương, tôi càng nhận thấy giá trị của cây sen nếu được quan tâm đầu tư chất xám, công nghệ, tâm huyết sẽ ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn.
Nguyên liệu để làm ra tơ sen không thiếu, Mỹ Đức cũng như nhiều vùng quê ngoại thành khác rất nhiều, nếu chúng ta xây dựng được công nghệ, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, tôi tin sản phẩm tơ sen, lụa sen sẽ trở nên thông dụng hơn nữa, trở thành quà tặng đặc trưng của Thủ đô, mà ai một lần đến đây cũng muốn được sở hữu”.
Nông dân Thủ đô phải làm việc khó, việc có hàm lượng chất xám cao, chúng ta cần xây dựng được vùng nguyên liệu gắn với chế biến, phát triển thành chuỗi có giá trị, thì cây sen vừa là biểu tượng cho những thanh cao, tinh túy của dân tộc, ở góc nào đó còn là cơm no, áo ấm, sung túc, làm giàu cho bà con mình…
– Nghệ nhân PHAN THỊ THUẬN –
Chia sẻ của bà Thuận được nhiều người đồng cảm, nhất là nông dân những vùng trũng ngoại thành trồng lúa năng suất không cao. Nhiều bà con được chính quyền địa phương ủng hộ đã chuyển lúa thành sen, hình thành nên những vùng sen chuyên canh vừa tạo cảnh quan đẹp vừa nâng cao đời sống, cải thiện môi trường…
Bài 1: SEN TÂY HỒ – MÓN QUÀ TỪ TRĂM NĂM
Bài 2: “BÉN DUYÊN” NHIỀU VÙNG ĐẤT MỚI
Thực hiện: Ngọc Thủy – Bạch Thanh
Ảnh: Ngọc Thủy – Bạch Thanh – Lê Long – Hiền Xiêm
Thiết kế: T.P
Đón đọc
BÀI 4: NỐI DÀI NHỮNG MÙA SEN HÀ NỘI