Từ nhu cầu thể dục, tắm biển hàng ngày mà hình thành Câu lạc bộ (CLB) Bơi – Lội La Gi qua 24 năm nay. Cũng có một phần bởi sức quyến rũ lạ lùng của bãi biển Đồi Dương (thuộc phường Bình Tân, thị xã La Gi). Một bãi biển đẹp nhất khu vực, với bãi cát mịn màng chạy dài đến ngảnh Tam Tân khoảng 7 cây số. Ngoài biển, không xa mấy vẫn thấy lồng lộng Hòn Bà, thờ nữ thần Thiên Y Ana và huyền thoại mang tính sử thi đậm sắc Việt.
Bãi biển Đồi Dương này đã gắn bó với CLB Bơi – Lội La Gi từng mỗi sớm khi trời vừa hừng sáng. Không hẹn mà gặp nhau đều đặn, dù đủ ai, thiếu ai cũng một chỗ bãi quen dấu chân. Đội ngũ CLB có một quy định bất thành văn nhưng chỉ bằng một quy ước tự giác, đó là niềm đam mê môn bơi lội vì sức khỏe bản thân. Con số thành viên của CLB từ khi chỉ mươi người thì nay đã ổn định trên 35 người. Cái hay của Club này, ít ai quan tâm về tuổi, nghề nghiệp, dân hay hưu trí… mà lại biết rõ nhau đang lo nghĩ gì về bệnh, về sức khỏe. Coi bơi lội như một liệu pháp đã chứng nghiệm cho bản thân mình.
Một anh bạn kể, trước đây khá lâu đi khám bệnh gặp một bác sĩ ở một bệnh viện lớn thành phố Hồ Chí Minh. Khi khai đủ chứng đau lưng, viêm khớp, cảm cúm hành hạ quanh năm, ông bác sĩ không xem các phiếu xét nghiệm, đơn thuốc cũ mà lại hỏi quê ở đâu? Quả thật sốc, bệnh thì không hỏi mắc mớ gì quê quán ở đây! Ông bác sĩ vỗ vai thân thiện nói, quê vùng biển của anh là một bác sĩ tuyệt vời đó nghen!… Ra về với một đơn thuốc chỉ vài loại thông thường. Thế rồi bài thuốc của sóng biển, của không gian biển đã cho tôi sự tin tưởng để mỗi ngày “thuyết phục” cái bệnh của mình. Hỏi ra anh bạn “bệnh nhân” này gia nhập CLB không phải từ đầu nhưng lại là thành viên không bỏ sót ngày nào và có mặt trong đoàn bơi hàng năm với kỷ lục đáng nể. Cô N. thì nói, huyết áp bất thường, tiểu đường mãn tính… theo chẩn đoán, may mà thể nhẹ, nhưng qua bơi lội, ăn được, ngủ sâu, tinh thần thoải mái là thấy yên lòng. Cô N. còn nói, lâu lâu kiểm tra đo đếm lại thấy ổn định, như vậy cũng là thuốc rồi!
Tôi may sao gặp được anh Hải, anh Tuấn, cô Tuyết, vợ chồng Thế – Dung… trong số những “kiện tướng” cũng là chủ công cho cuộc bơi hoàn tất, vừa vào đến bờ. Vậy là đội bơi, điểm danh xuống nước đều đủ mặt 30 người, trong đó có 5 nữ. Bơi được 2 phần 3 chặng thì có 8 lên thuyền hỗ trợ theo đăng ký trước để cùng cặp bờ đảo. Đường bơi theo dòng chảy con nước phải đi vòng cánh cung, cho nên độ dài phải xa hơn, so cự ly từ bãi Đồi Dương ra Hòn Bà chỉ 2 km thôi. Tính ra đã đạt kết quả từ các sải tay điệu nghệ trung bình 1 giờ 15 phút. Anh Hải nói, không coi đây là cuộc đua mà chỉ để “kiểm tra” lại sức khỏe của mình qua cuộc rong chơi trên biển. Mà thực ra mỗi sáng các bạn thao tác, bơi quanh quẩn gần bờ, cũng hơn cây số, đã quá quen rồi. Lên đảo, mọi người thi nhau chụp ảnh, quay clip vì cảnh biển trời ở đây quá tuyệt. Leo đến bậc tam cấp thứ 170, hít một làn hơi từ gió hướng biển khơi thấy người sảng khoái, theo một cô trong đoàn kể. Vài anh em vào điện thờ Bà Thiên Y thắp nhang, cầu nguyện sự bình an… Bóng cây xanh trên đảo tỏa ra bóng mát như tích tụ một làn không khí trong veo, thanh thản. Bữa ăn nhẹ đã sẵn, dù không bia, rượu… nhưng vui. Khi chung tay dọn rác là đến giờ tập kết lên thuyền. Tạm biệt hòn đảo nhỏ dấu yêu. Hòn Bà như một biểu tượng thanh bình, độc đáo của vùng biển La Gi.
Những năm trước đây, có đôi lần tôi hỏi những anh lãnh đạo ngành VHTT-DL địa phương về một di tích danh thắng Hòn Bà được UBND tỉnh công nhận từ năm 2012 mà sao không “mở cửa” để khách thập phương đi cúng bái và có cơ hội làm sống dậy “Hòn Bà là động tiên sa” như dân gian xưng tụng từ xưa. Cổng lên đền thờ hoành tráng, uy nghiêm mới dựng gần đây cũng từ sự đóng góp tự nguyện của ngư dân địa phương do lòng tín ngưỡng thờ bà Thiên Y- Bà Chúa Ngọc. Ước gì những cuộc bơi ra đảo như thế này được tổ chức quy củ để trở thành giải bơi truyền thống như giải leo núi Tà Cú đầu xuân. Hỏi là hỏi vậy nhưng tôi thừa biết sẽ không có câu trả lời vì nhiều lý do chưa tháo gỡ được, dù đây cũng là một địa chỉ du lịch hấp dẫn.